Đâu là giải pháp giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động?

Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế là nâng cao năng suất lao động một thách thức thực sự đối với Việt Nam.

Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) công bố, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có tăng trưởng về nhiều mặt. Tuy nhiên, mức tăng còn hạn chế và năng suất lao động của nước ta vẫn đang là vấn đề gây “đau đầu” cho các nhà quản lý.

Năng suất lao động của nước ta vẫn đang là vấn đề gây “đau đầu” cho các nhà quản lý.

So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia có thể thấy, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên (tính theo số liệu đến năm 2015). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi “đầu tàu” nền kinh tế, có đóng góp cho xuất khẩu cao nhưng năng suất lao động chưa cao. Trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.

Chia sẻ về việc nâng cao năng suất chất lượng của Việt Nam, khắc phục tình trạng dư thừa lao động chân tay nhưng lại thiếu lao động kỹ thuật cao, ông Kazuteru Kuroda - chuyên gia về năng suất lao động thuộc Trung tâm Năng suất Nhật Bản cho biết, giáo dục chính là yếu tố quan trọng nhất.

Cải tiến kỹ thuật và đầu tư giáo dục, đào tạo để nâng cao năng suất lao động.

Việt Nam cần cải thiện, nâng cao chất lượng lực lượng lao động thông qua giáo dục và đào tạo. Trong đó cần nhấn mạnh đến đào tạo kiến thức khoa học nâng cao và công nghệ thông tin.

"Kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet (IoT) sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu và thông tin khổng lồ, mà ta gọi là Big Data (Dữ liệu lớn). Trong khối lượng thông tin khổng lồ đó sẽ có những thông tin có giá trị để tăng năng suất và có những thông tin không có giá trị. Chúng ta khó có thể phân loại được các thông tin này nếu không có sự tính toán logic của máy tính. Tất nhiên sự tính toán này cũng được tạo ra bởi con người, trên cơ sở khoa học. Chính vì vậy, lao động cần được đào tạo nhiều hơn về các kiến thức khoa học và công nghệ thông tin", ông Kazuteru Kuroda cho hay.

Lê Hòa

Hòa Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dau-la-giai-phap-giup-viet-nam-nang-cao-nang-suat-lao-dong-d148067.html