Đâu là đặc trưng của tình yêu nhục cảm?

Tình yêu nhục cảm có bản chất 'từ hai thành một', có nghĩa là, hai cá thể riêng biệt, vì yêu nhau, mà có mong muốn được hòa vào làm một.

Nghệ thuật yêu (tên tiếng Anh The Art of Loving) được nhà phân tâm học Erich Fromm xuất bản năm 1957. Cuốn sách đã được dịch ra 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in.

Tại Việt Nam, trước năm 1975, từng có hai bản dịch tác phẩm này của Tuệ Sỹ với nhan đề Tâm thức luyến ái, và của giáo sư Thụ Nhân với tên gọi Phân tâm học về tình yêu.

Mới đây, sách được mua bản quyền theo ấn bản 2006, có bổ sung lời giới thiệu của nhà phân tâm học người Mỹ - Peter D. Kramer và phần phụ lục nói về cuộc đời và tác phẩm của Erich Fromm.

Tác phẩm do dịch giả Lê Phương Anh chuyển ngữ và dịch giả Phạm Anh Tuấn góp ý, hỗ trợ về các thuật ngữ.

Năm loại tình yêu căn bản

Cuốn sách Nghệ thuật yêu ra đời trong bối cảnh của một xã hội phương Tây chìm đắm trong tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn. Tác phẩm hấp dẫn không hẳn vì nhan đề mà còn vì cuốn sách cung cấp những hiểu biết sâu về bản tính người liên quan đến “vấn đề của mọi vấn đề”: Lòng yêu thương.

Tuy tiếp cận yêu thương dưới cái nhìn của một nhà phân tâm học, Erich Fromm đã cố gắng diễn giải vấn đề bằng những ngôn từ khả dĩ mang ít tính chuyên môn nhất.

Bởi vậy, độc giả có thể coi cuốn sách này, vừa là một công trình nghiên cứu lý thuyết quan trọng, vừa là một cuốn sách tâm tình kín đáo, với những vấn đề gợi mở cho chúng ta hiểu rõ bản chất của yêu thương, và bản chất của con người.

 Sách Nghệ thuật yêu. Ảnh: Omega Plus.

Sách Nghệ thuật yêu. Ảnh: Omega Plus.

Ở phần đầu, Yêu phải chăng là một nghệ thuật?, tác giả Erich Fromm đã khuyến khích bạn đọc coi yêu thương như một nghệ thuật, giống như sống cũng là một nghệ thuật vậy.

Khi đã ý thức được, yêu thương là một nghệ thuật, chúng ta sẽ có những cách cụ thể để tiếp cận nó, giống như cách chúng ta tiếp cận với hội họa hay âm nhạc vậy. Hai cách thức ấy, không là gì khác ngoài (1) tinh thông lý thuyết và (2) nắm vững thực hành.

Đến với phần hai của cuốn sách, Lý thuyết về tình yêu, Erich Fromm đã đề cập đến năm loại tình yêu căn bản. Đó lần lượt là: (1) Tình yêu đồng loại, (2) Tình mẫu tử/ phụ tử, (3) Tình yêu nhục cảm, (4) Lòng tự yêu mình (self-love), và (5) Tình yêu thượng đế.

Từ đó, tác giả lần lượt đề cập đến bản chất cũng như một vài dẫn chứng đời thực cho năm loại tình yêu căn bản này.

Theo Kinh Cựu Ước, tình yêu đồng loại là thứ tình yêu căn nguyên nhất của con người. Không phải ngẫu nhiên mà Kinh Thánh có răn dạy chúng ta “Hãy yêu người lân cận như yêu chính mình”. Thứ tình yêu này bao la, quảng đại, không dành riêng cho bất kỳ ai, và xuất phát từ chính bản thể con người của chúng ta.

Tiếp theo, khi nhắc đến tình mẫu tử, phụ tử, Erich Fromm đã nhắc đến hai khái niệm rất cụ thể mà tình yêu cha mẹ dành cho con cái có thể mang lại - đó là “sữa” và “mật”. Theo quan điểm của Fromm, bất cứ người mẹ nào cũng có thể cho con “sữa”, nhưng chỉ có những bà mẹ thực sự hạnh phúc mới có thể cung cấp được cho con “mật ngọt”.

Khi đề cập tới loại tình yêu thứ ba, Tình yêu nhục cảm, Erich Fromm đã nêu lên những khác biệt cơ bản giữa tình yêu cha mẹ dành cho con cái và tình yêu nhục cảm chúng ta có được trong độ tuổi trưởng thành.

Tình mẫu tử có bản chất “từ một thành hai” - đứa con rồi một ngày cũng phải tách ra khỏi cha mẹ của mình và trở thành một cá thể riêng biệt. Ngược lại, tình yêu nhục cảm lại có bản chất “từ hai thành một” - có nghĩa là, hai cá thể riêng biệt, vì yêu nhau, mà có mong muốn được hòa vào làm một.

Ngoài ra, tình cảm của cha mẹ và con cái được Erich Fromm nhận định là có bản chất giống tình yêu dành cho kẻ yếu thế, trong khi tình yêu nhục cảm lại phát sinh giữa những cá thể bình đẳng, ngang hàng.

Trong quá trình làm rõ bản chất của lòng yêu chính mình (self-love), Fromm đã đề cập đến quan điểm của nhiều nhà phân tâm học đi trước, cho rằng tình yêu thương với chính bản thân mình là một thứ tiêu cực, xấu xa.

John Calvin đã coi lòng tự yêu mình là “một bệnh dịch” (a pest), trong khi Freud cho rằng yêu thương chính mình đồng nghĩa với tính chất của sự vị kỷ (narcissism). Freud còn đi xa hơn nữa trong việc nói rằng tình yêu và sự tự yêu mình có tính loại trừ lẫn nhau: cái này càng nhiều thì cái kia càng ít.

Với lập luận của mình, Fromm đã phản bác lại, rằng lòng yêu thương chính mình không phải là một thứ gì tồi tệ, xấu xa.

Nếu xét khái niệm “yêu người lân cận” được đề cập đến trong Kinh Thánh là một đức hạnh, thì yêu thương bản thân không phải là một thói xấu - bởi bản thân mỗi chúng ta cũng đều là một con người.

Cuối cùng, khi đề cập đến tình yêu thương dành cho Thượng Đế, Fromm đã chỉ ra đặc điểm chung giữa tình yêu nhân loại dành cho những nền tôn giáo lớn nhỏ tưởng chừng như rất khác nhau, đó chính là nhu cầu vượt qua sự chia cắt, cái cá nhân và hướng tới sự hợp nhất.

Tác giả Erich Fromm. Ảnh: Müller-May/Rainer Funk.

Kinh tế thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến tình yêu?

Trong phần thứ ba, Tình yêu và sự tan rã của tình yêu trong xã hội phương Tây hiện đại, From đã nêu lên những vấn đề mấu chốt về cách nền kinh tế tư bản thị trường có ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến tâm sinh lý của con người.

Tác giả cho rằng "sống trong xã hội tư bản, con người hiện đại sống xa lánh với chính mình, với đồng loại, và với cả thiên nhiên. Người hiện đại bị biến thành một loại hàng hóa, nghiệm cảm cuộc sống xung quanh mình như một sự đầu tư phải mang lại lợi nhuận tối đa".

Mỗi chúng ta đều cố gắng trở nên “hấp dẫn hơn” - một đặc tính thường được dùng để miêu tả một món đồ, đẹp đẽ, có những phẩm chất được ưa chuộng phổ thông, và được tìm kiếm trên “thị trường tính cách”.

"Yêu đương bỗng chốc mang bản chất của một loại giao dịch", tác giả viết.

Quan điểm này của Fromm cho đến hiện tại vẫn được cho là đúng đắn, và được tiếp tục nhắc lại cũng như củng cố thêm trong các tác phẩm kinh điển về tình yêu khác, như “Nội tình của ngoại tình” của nhà tâm lý học Esther Perel.

Trong phần cuối của cuốn sách, Thực hành yêu, Fromm đã nêu rõ ngay từ đầu rằng “Yêu là một thể nghiệm cá nhân mà mỗi người chỉ có thể có bởi và có cho chính mình”, nên sẽ không thể có một công thức chung cho mọi người trên thế giới thực hành yêu.

Fromm chỉ nêu ra bốn yêu tố căn bản của tình yêu: Quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng, và hiểu biết, cùng năm đức tính con người cần rèn luyện trong việc nắm vững bốn yếu tố căn bản của tình yêu ấy: Kỷ luật, tập trung, kiên nhẫn, hết lòng quan tâm và rèn luyện.

Một lần nữa, Fromm khẳng định muốn làm chủ nghệ thuật yêu thương cần phải có rất nhiều học hỏi và nỗ lực.

Yêu thương là việc tự nhiên của con người, song cần phải học!

Trương Huyền Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-la-dac-trung-cua-tinh-yeu-nhuc-cam-post1109533.html