Đấu kiếm Việt Nam: Điểm sáng trong muôn nỗi lo

Từ môn thể thao quý tộc, Đấu kiếm du nhập, phát triển rồi trở thành môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực. Gắn với những thành công của đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam là lớp vận động viên kỳ cựu như Lệ Dung, Trần Thị Len, Tiến Nhật, Thành An, Như Hoa.

Thành An vẫn là niềm hy vọng lớn cho Đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 31 Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Tuy nhiên cùng với thời gian, lớp VĐV trên đang dần lớn tuổi, nhiều người đã chuyển sang làm HLV, xây dựng gia đình, đòi hỏi phải có lớp kế cận.

Đối mặt với muôn vàn nỗi lo

Theo ông Phùng Lê Quang, phụ trách môn Đấu kiếm (Tổng cục TDTT), Đấu kiếm vốn là môn thể thao quý tộc của châu Âu và là môn dành cho con nhà giàu bởi trang thiết bị tập luyện vô cùng đắt đỏ, chỉ riêng bộ quần áo giáp, áo phòng thủ, mặt lạ, kiếm thi đấu cũng lên tới trên 1.000 euro. Vì thế VĐV Việt Nam luôn phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, trang thiết bị mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% yêu cầu.

“Trang thiết bị cho vận động viên tập luyện, thi đấu là khó khăn và thách thức lớn không chỉ riêng đối với Đấu kiếm mà còn với các môn thể thao khác. Nguồn kinh phí được cấp để mua trang thiết bị tập luyện cho vận động viên ở đội tuyển cũng như địa phương mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu. Bên cạnh đó còn một khó khăn khác là Đấu kiếm nằm trong danh mục vũ khí thể thao do Bộ Công an cấp giấy phép và kiểm soát, cần có thời gian để đấu thầu. Nên ngay cả khi có kinh phí thì việc mua được trang thiết bị tập luyện cũng là một câu chuyện dài chứ không phải cứ muốn là mua được ngay”, ông Quang cho biết.

Từng lẫy lừng khu vực, nhiều lần đứng đầu khu vực với thành tích rực rỡ của lớp VĐV kể trên nhưng đến giờ Đấu kiếm Việt Nam lại phải đối đầu với nỗi lo về lực lượng. Trong thế hệ vận động viên nữ kỳ cựu, giờ chỉ còn Như Hoa vẫn miệt mài thi đấu. Lệ Dung, Trần Thị Len đã chuyển sang công tác huấn luyện cách đây vài năm. Dù nhiều nỗ lực nhưng thành tích của các kiếm thủ dày dặn kinh nghiệm cũng không còn tốt như trước bởi gánh nặng tuổi tác và phải dành thời gian chăm sóc cho gia đình. “Lực lượng kế cận một số cũng đã thay thế được các đàn chị đi trước như ở nội dung kiếm ba cạnh nữ, tuy nhiên so với đẳng cấp và kỳ vọng chuyên môn lại chưa thực sự được như các lứa vận động viên như Nguyễn Thị Như Hoa, Trần Thị Len ở thời kỳ đỉnh cao phong độ. Trong năm nay do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên đội tuyển Đấu kiếm hầu như cũng không thi đấu quốc tế, chỉ quanh quẩn tập luyện tại các Trung tâm huấn luyện. Đó cũng là khó khăn mà Đấu kiếm Việt Nam nói riêng và các môn thể thao khác nói chung phải tìm cách khắc phục”, ông Phùng Lê Quang cho biết.

Vẫn có điểm sáng

Cũng theo ông Phùng Lê Quang, nếu không phải giai đoạn chuyển giao thế hệ thì mục tiêu của Đấu kiếm Việt Nam vẫn phải là số một khu vực Đông Nam Á. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì mục tiêu đặt ra của Đấu kiếm là phấn đấu giành 4 huy chương vàng trong số 12 nội dung tham dự tại SEA Games 2021, có mặt trong tốp 1, 2 quốc gia đứng đầu.

Để đạt được mục tiêu trên, Đấu kiếm Việt Nam đặt kỳ vọng huy chương tại SEA Games 31 vào Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi kiếm chém, Nguyễn Tiến Nhật kiếm ba cạnh nam. Nội dung kiếm liễu, chúng ta khó tranh chấp huy chương vàng, tuy nhiên hy vọng vẫn được đặt vào Nguyễn Minh Quang, Nội dung đồng đội kiếm chém nam và kiếm ba cạnh nam chúng ta cũng có hy vọng giành huy chương. Tuy nhiên để hoàn thành chỉ tiêu, Đấu kiếm Việt Nam phải vượt qua nhiều đối thủ, nhất là Singapore. Tại SEA Games 2015, tổ chức tại Singapore, Việt Nam đoạt tới 8 HCV, dẫn đầu bảng tổng sắp trong khi Singapore chỉ đoạt 3 HCV. Nhưng trong khoảng thời gian từ đó đến nay, Singapore đã không ngừng phát triển môn thể thao phù hợp với các quốc gia có tiềm lực kinh tế này. “Hàng loạt CLB Đấu kiếm đã được mở giúp cho lực lượng vận động viên kế thừa của đội tuyển quốc gia nước này rất hùng hậu trong khi ta phát triển theo hình nón ngược, ít có lực lượng kế cận. Singapore cũng có tới 16-18 chuyên gia nước ngoài trong khi chúng ta mới chỉ có vài chuyên gia hỗ trợ. Ngoài Singapore, Đấu kiếm Việt Nam còn phải vượt qua Thái Lan và Philippines mới mong có thể hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Phùng Lê Quang cho biết.

Tuy phải đối mặt với nhiều nỗi lo nhưng Giải vô địch Đấu kiếm quốc gia vừa kết thúc tại Hà Nội đã cho thấy nhiều tín hiệu vui khi một số VĐV trẻ đang dần chứng tỏ khả năng có thể thay thế các đàn chị. Đó là tay kiếm trẻ Nguyễn Phương Kim (1999) đã gây bất ngờ khi đánh bại kiếm thủ kỳ cựu Nguyễn Thị Như Hoa (1984) - từng giành vé dự Olympic 2016 để giành huy chương vàng nội dung kiếm 3 cạnh. Hay Nguyễn Thị Trang (1998) đánh bại Hạ Thị Sen (1983) giành huy chương đồng kiếm 3 cạnh... Trong khi cả Như Hoa và Hạ Thị Sen hiện tại đều là những vận động viên số 1 khu vực ở nội dung này. Ngoài ra, phải kể đến Vũ Thành An - kiếm thủ số 1 Việt Nam vẫn giữ phong độ khi giành huy chương vàng nội dung kiếm chém, hay Nguyễn Minh Quang giành huy chương vàng kiếm liễu... “Thực tế, Trang và Kim là lứa vận động viên được đào tạo từ 8-10 năm, dự kiến chuẩn bị cho SEA Games 2023. Tuy nhiên, các em thi đấu và khẳng định được trình độ bằng thành tích vừa qua cho thấy họ có khả năng thay thế các đàn chị, nếu tiếp tục được đầu tư, tích cực tập luyện.

Đây cũng là sự chuyển giao thế hệ, giữa một bên là kinh nghiệm, bản lĩnh và một bên là khát khao vươn lên của tuổi trẻ. Và đó cũng là tín hiệu vui cho Đấu kiếm Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31”, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn đánh giá.

VÂN GIANG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/artmid/422/articleid/35826/dau-kiem-viet-nam-diem-sang-trong-muon-noi-lo