Dấu hỏi lớn về năng lực quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Điện Biên?

Một diện tích lớn rừng Trẩu đã khép tán được trồng theo Chương trình 327 của Chính phủ tại xã trên địa bàn xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên sau khi giao cho Doanh nghiệp tư nhân số 6, đến thời điểm này đã không còn tồn tại!? Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực quản lý, trách nhiệm của các cơ quan tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Nhanh chóng vào cuộc nhưng chưa ra kết quả

Như báo điện tử Bảo vệ pháp luật đã có bài viết phản ánh ngày 8/8/2006, UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định 854/QĐ-UBND giao 9,8ha đất tại địa bàn xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho Doanh nghiệp tư nhân số 6. Trong hơn 9,8ha đất nói trên thì có 8ha đất rừng Trẩu được trồng theo Chương trình 327 đã khép tán, Doanh nghiệp tư nhân số 6 có trách nhiệm khoanh nuôi, bổ sung và chăm sóc rừng. Cho đến thời điểm này chưa rõ việc Doanh nghiệp tư nhân số 6 thực hiện mục đích sử dụng đất rừng được thuê như thế nào? Nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường rừng Trẩu khép tán mà các cơ quan chức năng ghi nhận trong các văn bản dường như không còn !? Thay vào đó là con đường vòng quanh hồ, các hạng mục vườn hoa vui chơi giải trí...

Trước những thông tin dư luận phản ánh, ngày 24/8, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ký công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý.

Trước đó 2 ngày, vào ngày 22/8, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Hải đã ký văn bản số 856/KL-TTPC yêu cầu Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố Điện Biên Phủ thành lập tổ công tác liên ngành (Công an, Tài nguyên môi trường, Kinh tế hạ tầng, Tổ chức phát triển quỹ đất, UBND xã Thanh Minh…) và xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung báo chí phản ánh.

Đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh nhưng chưa xác định được mốc giới giao rừng cho Doanh nghiệp số 6 năm 2006. Ảnh: H.L

Đến ngày 25/8, Đoàn kiểm tra thực địa của UBND thành phố và các cơ quan chức năng gồm: Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Chi cục Phát triển Lâm nghiệp; Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố, cán bộ địa chính xã Thanh Minh đã tiến hành kiểm tra thực địa, đo diện tích rừng trẩu được UBND tỉnh Điện Biên bàn giao cho Doanh nghiệp số 6 theo Quyết định 854/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, khi Đoàn kiểm tra đến hiện trường thì lại chưa thể xác định được mốc giới rừng đã giao cho Doanh nghiệp số 6 vào năm 2006!? Do đó, Đoàn kiểm tra chưa thể đo, kiểm đếm, lập ô tiêu chuẩn để đo đếm số lượng cây trong ô, từ đó đánh giá trữ lượng rừng! Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận có dấu hiệu rừng đã bị xâm hại, còn rất ít cây trẩu, không đúng như Quyết định 854/QĐ-UBND ngày 8/8/2006 giao là rừng trẩu đã khép tán. Nhiều khu vực đã bị rào bằng lưới B40, chia lô, trồng hoa, tạo khu vui chơi, tham quan.

Một số diện tích rừng được giao theo Quyết định 854/QĐ-UBND ngày 8/8/2006 đã bị Doanh nghiệp số 6 dùng lưới B40 rào lại .Ảnh: H.L

Trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho rằng về nguyên tắc khi giao rừng cho doanh nghiệp quản lý thì sẽ có biên bản và sự chứng kiến của đơn vị kiểm lâm, cũng như sẽ có các số liệu đánh giá chi tiết về hiện trạng, mật độ cây trồng…Nhưng thực tế tại thời điểm làm việc với phóng viên, phía đơn vị kiểm lâm vẫn chưa tìm thấy các văn bản hồ sơ lưu trữ về việc giao nhận này. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và tìm lại hồ sơ, thậm chí nếu cần thì phải làm việc lại với các đơn vị trước đây đã được giao trồng khu rừng Trẩu này để có hồ sơ, số liệu chính xác” - ông Hải cho hay.

Rừng Trẩu khép tán khi xưa nay còn đâu?

Nói về hiện trạng khu đất mà UBND tỉnh Điện Biên đã giao cho Doanh nghiệp số 6 theo Quyết định 854/QĐ-UBND, ông Nguyễn Văn Hải cũng cho biết thêm theo hồ sơ quản lý của đơn vị kiểm lâm hàng năm cho thấy thì hiện trạng trên khu đất là có cây Trẩu và cây bản địa tái sinh.

Trở lại với lịch sử, 8ha rừng Trẩu được trồng theo Chương trình 327 nói trên được UBND tỉnh Lai Châu (cũ) giao cho Lâm trường Điện Biên trồng và quản lý từ những năm 1995.

Sau này khi chia tách tỉnh, 8ha rừng Trẩu tiếp tục được bàn giao cho Xí nghiệp giống Lâm nghiệp vùng Tây Bắc thuộc Công ty Giống Lâm nghiệp Trung ương quản lý (nay là Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp Trung ương, Chi nhánh tại Điện Biên).

Tại Tờ trình số 402/TT ngày 13/6/2006 gửi UBND tỉnh Điện Biên về việc Xin giao lại diện tích rừng và đất rừng cho Doanh nghiệp tư nhân số 6, ông Nông Văn Bình, Giám đốc Xí nghiệp Giống Lâm nghiệp vùng Tây Bắc đã ghi rõ: Xí nghiệp có 2 thửa đất lô 37(8): 4,5ha và lô 37(9): 3,5ha là rừng Trẩu trồng năm 1995 đã khép tán bên kia hồ Huổi Phạ… Do bị chia cắt bởi hồ, nhân lực hạn chế nên lập Tờ trình kính gửi UBND tỉnh Điện Biên xin giao lại diện tích rừng Trẩu 8ha thuộc lô 37(8) và 37(9) tiểu khu 713 cho Doanh nghiệp tư nhân số 6 quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, phục vụ khu du lịch sinh thái hồ Huổi Phạ.

Rừng Trẩu đã khép tán năm xưa chỉ còn lưa thưa xen lẫn cây vối bản địa. Ảnh: H.L

Ngày 7/8/2006, ông Bùi Châu Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (nay là Giám đốc Sở tài nguyên Môi trường- PV) ký Tờ trình 180/TTr - STNMT trình UBND tỉnh Điện Biên xem xét giao cho Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 6 diện tích 98.948m2 đất tại địa bàn xã Thanh Minh, Thành phố Điện Biên Phủ. Bằng sự “ưu ái” thần tốc, ngay hôm sau, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-UBND giao đất lâm nghiệp cho Doanh nghiệp tư nhân số 6 được giao tổng diện tích hơn 9,8ha đất tại địa bàn xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ. Mục đích sử dụng là khoanh nuôi, trồng bổ sung và chăm sóc rừng. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ tháng 8/2006 đến tháng 8/2056. Phải chăng hậu quả của việc gấp rút giao đất nên để xảy ra việc thiếu sót hồ sơ thẩm định, bàn giao đất hay có một bàn tay nào "phù phép" khiến các cơ quan chuyên ngành quản lý về rừng của Điện Biên đến kiểm tra thực địa mà không thể xác định được mốc giới (?!!) dù khu đất này nằm ngay trong khu vực thành phố Điện Biên Phủ, chứ không phải vùng sâu, vùng xa hẻo lánh.

Chương trình trồng rừng 327 là chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc được thực hiện từ năm 1993 - 1998 và Dự án 661 là trồng mới 5 triệu héc ta rừng, được kế thừa từ chương trình 327. Cả 2 dự án này đều chung mục tiêu là nhằm nâng cao diện tích và độ che phủ rừng, thứ đến tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn được hưởng lợi từ rừng. Tại khu vực này, một số tiền không nhỏ của Nhà nước dành cho việc trồng rừng và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này số lượng bao nhiêu cây trẩu được trồng, tổng kinh phí là bao nhiêu thì đơn vị được giao trồng rừng là Xí nghiệp giống Lâm nghiệp vùng Tây Bắc thuộc Công ty Giống Lâm nghiệp Trung ương quản lý (nay là Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp Trung ương, Chi nhánh tại Điện Biên), thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là Chi cục Lâm nghiệp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh là Chi cục Kiểm lâm cũng chưa có câu trả lời chính xác và chưa tìm được các tài liệu cụ thể chứng minh. Tất cả chỉ còn vẻn vẹn xác định trong thời điểm đó là khu rừng trẩu đã khép tán, còn nay rừng trẩu “biến mất” thay vào đó rất ít cây trẩu lưa thưa xen lẫn cây vối bản địa mọc cộng sinh dưới gốc.

Nhiều loại hoa, cây cảnh đã được Doanh nghiệp số 6 trồng trên đất rừng được giao theo Quyết định 854 . Ảnh: H.L

Do đó cần phải xem xét, kiểm tra lại toàn bộ quy trình , hồ sơ giao đất của UBND tỉnh Điện Biên khi giao đất lâm nghiệp cho Doanh nghiệp tư nhân số 6, đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị tham mưu cho tỉnh là Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Điện Biên vì đây cũng là đầu mối quản lý các đơn vị trực tiếp đất rừng mà lại không nắm được tình trạng diễn biến của nghi án chảy máu rừng diễn ra trong nhiều năm. Đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm vào cuộc thanh tra việc lập, phê duyệt và tổ chức quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2020; việc quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn; trình tự, thủ tục thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để làm rõ những nội dung dư luận phản ánh, góp phần minh bạch thông tin. Nếu phát hiện sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng rừng của các cá nhân, tổ chức thì cần xử lý nghiêm.

Báo PVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Tại Điều 5 Quyết định số 46/2007/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng có quy định về Tiêu chí xác định rừng trồng thành rừng như sau: Rừng trồng: đã khép tán, mật độ cây trồng phân bố tương đối đồng đều trên toàn diện tích, chiều cao bình quân (Hbq) lớn hơn hoặc bằng 2m, đường kính gốc bình quân (D0) lớn hơn hoặc bằng 2cm, diện tích các đám trống nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2/ha.

Hoàng Long

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/dau-hoi-lon-ve-nang-luc-quan-ly-bao-ve-rung-cua-tinh-dien-bien-58964.html