Dấu hỏi lớn về 'đời sống tâm linh' động vật

Những con voi đứng quanh thi thể một thành viên trong đàn như tưởng niệm. Bầy tinh tinh hú hét, cùng 'nhảy múa' đón trận mưa rào sau mùa khô kéo dài.

Đó có phải là dấu hiệu cho thấy loài vật cũng có đời sống tâm linh như con người? Câu hỏi ấy khiến các nhà khoa học phải đau đầu giải mã.

Từ những "người anh em gần"

Trong bộ Linh trưởng, tinh tinh là loài vật gần gũi với con người nhất trên cây tiến hóa. "Người anh em" này có bộ gene giống con người đến 98%. Những nghiên cứu về đời sống của tinh tinh trong thế kỷ XX cho thấy loài vật này còn biết sử dụng, chế tạo công cụ đơn giản.

Nhà sinh vật học Mỹ Nancy Howell nhận định tinh tinh có những tiền tố hình thành nên đời sống văn hóa và tâm linh như người nguyên thủy. Chúng có thể giao tiếp qua cử chỉ, sống tương trợ lẫn nhau. Thậm chí chúng còn thực hiện những nghi lễ tương tự một đám tang khi một thành viên trong bầy qua đời: Cúi đầu đứng xung quanh, thậm chí chải lông.

Người Neanderthal đã thể hiện đời sống tâm linh từ hàng chục ngàn năm trước.

Nhà linh trưởng học Jane Goodall còn suy diễn xa hơn: Một số bầy linh trưởng thường "khiêu vũ" dưới cơn mưa lớn, hoặc khi chúng cùng đi qua một thác nước. Đó là một biểu hiện cho thấy tinh tinh có thể cũng có niềm tin của riêng chúng, tương tự việc cầu khấn thần nước, thần mưa của con người.

Gần đây, quan điểm đó của Goodall đã được gián tiếp khẳng định. Tháng 2-2016, nhóm 80 nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Tiến hóa Nhân loại học Max Planck, trực thuộc Đại học Leipzig (Đức) đã công bố một nghiên cứu khó tin.

Theo quan sát của họ, tinh tinh sống ở 4 khu vực thuộc Tây Phi đã cho thấy những hành vi đặc trưng của đời sống tâm linh.

Họ viết: "Bầy tinh tinh đứng quanh một cái cây, sau đó đi vòng quanh. Chúng ném đá vào cái cây đó, và chỉ có một số cây nhất định trở thành mục tiêu. Chỉ những con đực mới được ném đá vào cây, những con cái và con non đứng quanh quan sát. Hành vi trên được thực hiện lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài. Đống đá được sử dụng chất đống quanh cái cây được chọn".

Hành vi này cũng tương tự nghi thức tôn giáo ở các nền văn minh cổ đại. Cái cây của loài tinh tinh cũng giống như một đền thờ, và những con đực đóng vai trò tương tự thầy tế.

Đến những "láng giềng xa"

Tinh tinh không phải sinh vật duy nhất được ghi nhận hành động như thể nhận thức được đời sống tâm linh. Nhà khoa học Mỹ Ronald Siegel là người đầu tiên quan sát những hành vi tâm linh ở loài voi châu Phi.

Nghe đến đây, bạn có thể liên tưởng đến những "nghĩa địa voi" như trong phim Hollywood. Tuy vậy, câu chuyện về "nghĩa địa voi" nơi những con voi già đi khỏi bầy và trở về nơi tổ tiên chúng từng nằm xuống để yên nghỉ vốn chỉ là một huyền thoại được dựng lên khi làm phim.

Tuy nhiên, trên thực tế, loài voi có thực hiện hành vi tưởng nhớ một thành viên đã chết. Nhiều loài có hành động thể hiện lòng tiếc thương: Đứng xung quanh, cúi đầu,... nhưng không một loài nào chôn cất đồng loại như loài voi cả. Khi một thành viên trong bầy vừa qua đời, chúng sẽ đứng quanh rồi lấy bùn, đất, lá cây phủ lên.

Hành vi được nhìn nhận như một buổi “tế lễ” của loài tinh tinh.

Voi không chỉ làm vậy với đồng loại. Siegel ghi nhận chúng cũng chôn cất những xác chết khác của tê giác, trâu, bò... khi gặp trên đường đi. Một số cá thể voi còn "trang trí" lên ngôi mộ bằng thức ăn, trái cây, hoa, hoặc những tán lá sặc sỡ.

Bên cạnh voi, các loài thuộc bộ Cá voi, bao gồm cá heo và cá voi sát thủ, thường được quan sát thấy chúng tập trung xung quanh một thành viên mới chết. Việc này có thể kéo dài trong vài ngày. Những con cá heo thậm chí còn ngăn thợ lặn đến gần, như thể không muốn có "người ngoài" can dự.

Trường hợp đáng chú ý nhất về điều này diễn ra hồi tháng 7 năm nay. Một cá thể cá voi sát thủ mang mã số J35 sinh con, nhưng con non sớm chết ngay sau khi chào đời. J35 thương tiếc con mình, nên đã đẩy xác con đi cùng trên đại dương suốt nửa tháng. Sau khi cùng con bơi hàng ngàn kilômet trên biển, nó mới chịu chấp nhận để con mình ra đi.

Tuy vậy, hiện tượng hàng loạt cá voi chết hoặc trôi dạt vào bờ hoàn toàn không cho thấy điều gì liên quan đến hành vi tâm linh ở cá voi. Việc thời tiết thay đổi đột ngột, hoặc các hoạt động địa chất xảy ra có thể khiến cá voi nhầm phương hướng khi di chuyển trên biển, khiến chúng bơi vào bờ và mắc cạn.

Mối liên hệ với người tiền sử

Vì sao những nhà nghiên cứu động vật nhận định hành vi của tinh tinh, voi và cá voi sát thủ cho thấy chúng có nhận thức về đời sống tâm linh?

Nếu như Nancy Howell chỉ ra tinh tinh sở hữu những tiền tố hình thành đời sống tâm linh, thì những người khác viện dẫn hành vi của các loài nói trên có những điểm tương đồng nhất định với quá trình hình thành đời sống tâm linh ở con người.

Ví dụ, việc chôn cất đồng loại, hay những sinh vật khác của loài voi rất giống với người Neanderthal - người tiền sử Bắc Âu. Người Neanderthal trên thực tế là một giống người cổ hoàn toàn không liên quan đến người hiện đại, nhưng họ lại là nhóm người cổ được ghi nhận có hành vi chôn cất đồng loại qua đời.

Bên cạnh người Neanderthal, người Cro-Magnon (nhóm người cổ tiến hóa thành người hiện đại) cũng có phong tục chôn cất người chết. Những bộ xương người Cro-Magnon được tìm thấy phần lớn chôn theo tư thế giống như bào thai nằm trong bụng mẹ.

Điều này khiến giới khoa học đặt nghi vấn: Phải chăng việc này cho thấy người tiền sử đã hình thành suy nghĩ về tái sinh, về kiếp luân hồi? Nếu đúng, liệu đây có phải là sự phát triển từ tập tục chôn cất người chết của người Neanderthal?

Con cá voi sát thủ J35 đẩy con mình trên biển suốt nửa tháng, một hành vi cho thấy chúng cũng biết tưởng nhớ đồng loại đã chết.

Lý giải cho vấn đề này, nhà tâm lý học tiến hóa Matt Rosano đưa ra lý thuyết cơ bản về quá trình tiến hóa đời sống tâm linh ở người tiền sử. Quá trình này gồm 3 bước. Đầu tiên, tâm linh được thể hiện qua những nghi lễ được dùng để gắn kết cộng đồng. Sau đó, những nghi lễ dần phổ biến, thâm nhập vào những hoạt động khác trong đời sống như chữa bệnh.

Cuối cùng, đời sống tâm linh thể hiện ở hầu khắp những hành động trong đời sống con người như hội họa, thờ phụng; thậm chí ảnh hưởng đến quan niệm về đạo đức. Nếu lý thuyết của Rosano được thừa nhận, hành vi của tinh tinh như Goodall và các nhà khoa học Đức mô tả chính là bước đầu trong việc hình thành đời sống tâm linh.

Những phản biện

Diễn giải của Goodall về hành vi tâm linh của tinh tinh được cộng đồng khoa học chú ý bởi bà là chuyên gia hàng đầu về linh trưởng học. Chính Goodall là người đầu tiên ghi nhận tinh tinh có thể sử dụng, chế tạo công cụ đơn giản từ nửa thế kỷ trước. Bà cũng là người chứng minh tinh tinh có hành vi ăn thịt, săn bắt những loài thú khác - ở thời mọi người nghĩ chúng chỉ vốn ăn thực vật.

Tuy vậy, quan điểm của Goodall nhận không ít phản bác, nhất là từ những nhà khoa học vốn coi con người là sinh vật duy nhất có nhận thức.

Nhà thần học Christopher Fisher nhận định Goodall đã nhân tính hóa loài tinh tinh quá nhiều. Ông thừa nhận tinh tinh có cảm xúc, biết vui buồn như Goodall chứng minh, nhưng chúng không thể hình thành đời sống tâm linh.

Để chứng minh cho nhận định của mình, Fisher viện dẫn đời sống tâm linh của con người chỉ bắt đầu hình thành khi chúng ta có tiếng nói. Tinh tinh có thể giao tiếp qua một số hành động, cử chỉ đơn giản, nhưng chúng không có ngôn ngữ thể hiện qua lời thoại.

Tinh tinh không thể truyền miệng ý nghĩa hành động của mình, và hành động của những cá thể trong cùng một bầy chỉ đơn giản là bắt chước một cách vô thức. Những hành động của voi và cá heo cũng vậy. Cá heo có thể "giao tiếp" qua sóng siêu âm, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được tường tận khả năng giao tiếp của chúng.

Fisher hoàn toàn có lý. Trên thực tế, tất cả những quan điểm về đời sống tâm linh của động vật chỉ dựa trên những quan sát, so sánh, đưa ra những nét tương đồng rồi dẫn đến suy diễn. Không có một căn cứ nào cụ thể chứng minh tinh tinh hay voi, cá voi sát thủ có đời sống tâm linh cả.

Không một cá thể tinh tinh, voi hay cá heo nào có thể "nói" cho con người biết liệu chúng có tin vào thế lực siêu nhiên hay không. Đó là lý do câu hỏi "liệu động vật có hình thành đời sống tâm linh hay không" vẫn trở thành đề tài gây tranh cãi.

Hải Sơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/dau-hoi-lon-ve-doi-song-tam-linh-dong-vat-519568/