Dấu hỏi lớn cho 22 trường đạt chuẩn quốc gia ở Vĩnh Thuận

Trường chuẩn quốc gia mà muốn vào được nhà dân hay cư xá giáo viên thì hành lang các lớp học…chính là con đường dùng để lưu thông.

Người dân địa phương rất bức xúc trước hàng loạt sai phạm của ông Huỳnh Minh Tâm- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang.

Thế nhưng, dường như chính quyền sở tại chỉ áp dụng biện pháp “giơ cao, đánh khẽ” cho nên ông Huỳnh Minh Tâm vẫn yên ổn tại vị để thực hiện tiếp những sai phạm mang tính chất quy mô hơn.

Nhà ở của nhiều hộ gia đình và cư xá giáo viên vẫn đang nằm trong khuôn viên trường Tiểu học Thị trấn 1 (Ảnh tác giả)

Trước những bức xúc của nhân dân địa phương, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu cặn kẽ hơn nữa về những góc khuất đang tồn tại trong hệ thống ngành giáo dục của huyện này.

Mục tiêu để lý giải nguyên nhân vì sao ông Huỳnh Minh Tâm lại có cơ hội thực hiện sai phạm trường kỳ như vậy.

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi đã thấy có khá nhiều vấn đề rất cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để làm sáng tỏ, giúp cho ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận có thể trở về đúng vai trò, trọng trách “ giáo dục và đào tạo” mà nhân dân đã giao phó.

Bằng mọi cách níu giữ danh hiệu trường chuẩn

Như tin đã đưa, do quyết tâm níu giữ 22 danh hiệu trường chuẩn quốc gia nên vịTrưởng Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận đã bất chấp việc vi phạm Luật hình sự, tạo lập tài liệu giả của tổ chức đơn vị trường học trực thuộc để làm cơ sở tham mưu, đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện ban hành quyết định trái thẩm quyền.

Từ việc vị trưởng phòng giáo dục sẵn sàng vi phạm pháp luật trong khi bản thân đang trong thời gian thi hành “án” kỷ luật cảnh cáo để níu giữ 22 trường chuẩn quốc gia đã khiến người dân đặt ra nhiều câu hỏi cần được cơ quan chức năng giải đáp.

Ông Huỳnh Minh Tâm hãy trả lời công luận câu hỏi: “22 trường chuẩn quốc gia ở huyện Vĩnh Thuận là niềm tự hào hay sự tức giận?”

Huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang có 36 đơn vị trường học. Trong đó có 3 trường Trung học phổ thông trực thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang.

33 trường Mầm non và trường phổ thông (trường Tiểu học; trường Trung học cơ sở ) do Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Và, hiện tại huyện Vĩnh Thuận có 22 trường Mầm non và trường phổ thông đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt chuẩn chiếm 66,67% trên tổng số.

Theo số liệu trên, có thể nói đây chính là niềm tự hào rất chính đáng của ngành giáo dục cũng như chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thuận.

Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã nhận thấy sự thật hoàn toàn trái ngược.

Vì danh hiệu “trường chuẩn quốc gia”, Trưởng phòng giáo dục chấp nhận vi phạm

Người phải trả lời cho những vấn đề trái ngược này ngoài vị đứng đầu ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận còn cần phải có thêm trách nhiệm không nhỏ của chính quyền nơi đây.

Trường chuẩn nhưng đã thật sự đạt chuẩn?

Ngôi trường đầu tiên mà chúng tôi tìm đến để mở cánh cửa thành tích 66,67% trường đạt chuẩn quốc gia là trường tiểu học Thị Trấn 1.

Qua những thông tin thu nhận được, có thể nói rằng Trường Tiểu học Thị Trấn 1 chính là niềm tự hào của người dân Thị Trấn huyện Vĩnh Thuận nói riêng và nhân dân huyện Vĩnh Thuận nói chung.

Bởi, đây là một ngôi trường đã và đang được xem là con chim đầu đàn của giáo dục huyện Vĩnh Thuận trong công tác giáo dục.

Năm 2001, ngôi trường này được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và cũng là ngôi trường đầu tiên được công nhận trường chuẩn quốc gia của huyện.

Đến năm 2010, Trường Tiểu học Thị Trấn 1 được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tuy nhiên, khi trao đổi với nguyên hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi đã thu nhận được khá nhiều sự bất ngờ về sự thật trong cái danh hiệu trường chuẩn quốc gia ấy.

Tính từ năm 2001, việc công nhận trường trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ở cả 2 mức độ ( mức độ 1 và mức độ 2) được quy định tại Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT, ngày 28 tháng 12 năm 2012.

Theo Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT, việcđánh giá trường tiểu học được chia làm ba mức độ: Trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu; Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, cô H.T. Hiệu trưởng nhà trường khẳng định trong những năm từ 2012-2014, nhà trường hoàn toàn không đáp ứng được các tiêu chí đã quy định trong Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT về trường chuẩn quốc gia mức độ 1 (mặc dù thời điểm năm 2012-2014 trường tiểu học Thị Trấn 1 đã được công nhận mức độ 2).

Cụ thể: nhà trường hoàn toàn không đảm bảo được các tiêu chí quy định về chuẩn Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đã được quy định trong Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT.

Chi tiết hơn, cô hiệu trưởng chia sẻ:

Đối với tiêu chuẩn 3, tiêu chuẩn quy định về chuẩn “cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học” quy định rõ.

Để đạt mức độ 1, nhà trường phải được bảo đảm yêu cầu môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, yên tĩnh, thoáng mát, thuận tiện cho học sinh học tập, vui chơi; không có hàng quán, nhà ở trong khu vực trường; môi trường xung quanh khu vực trường sạch, đẹp, an toàn”.

Nhưng thực tế tồn tại cho đến hiện nay đó là: nhà ở của nhiều hộ gia đình và cư xá giáo viên vẫn đang nằm trong khuôn viên trường.

Nỗi khổ mang tên trường chuẩn quốc gia

Thậm chí, để vào được nhà dân hay cư xá giáo viên thì hành lang các lớp học…chính là con đường dùng để lưu thông ( ?!)

Đối với tiêu chuẩn trường có tối đa không quá 30 lớp; mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh và phải có đủ 1 phòng học/1 lớp

Nhà trường hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu này.

Hàng năm, số lớp học của trường vẫn thường vượt trên 30 lớp, đồng thời có 19 lớp học thường xuyên phải chia ca học chung 01 phòng học cho 2 buổi sáng, chiều.

Bàn ghế ngồi học của học sinh thiếu trầm trọng. Nhà trường phải cho học sinh bổ sung chỗ ngồi bằng ghế nhựa.

Ngoài ra, nhà trường hoàn toàn không có các phòng hỗ trợ giáo dục như : phòng dạy Âm nhạc, Ngoại ngữ, Mỹ Thuật…như quy định của Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT.

Hơn thế, cho đến năm 2014 nhà trường chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật (!?)

Những tiêu chí không thể đáp ứng theo quy định của Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT nói trên đã vượt ra ngoài khuôn khổ.

Từ năm 2012-2014, nhà trường đã phản ánh liên tục bằng nhiều biện pháp tới các cấp có thẩm quyền về việc không thể duy trì được trường chuẩn quốc gia như:

Làm báo cáo/ đề nghị bằng văn bản gửi Phòng giáo dục huyện.

Phản ánh trực tiếp đến các với các đại biểu đại diện cho Ủy ban nhân dân các cấp trong các kỳ họp tọa đàm với hội đồng sư phạm nhà trường dịp: Khai giảng năm học mới; 20/11; tổng kết năm học … nhưng đáp lại chỉ toàn là sự hứa hẹn để đó.

Theo quy định của Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT, tính từ năm 2010 đến năm 2015, trường tiểu học Thị Trấn 1 đã hết thời gian công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng hiện tại trường Tiểu học Thị Trấn 1 đăng ký đến năm …2021 mới có thể đề nghị công nhận lại trường chuẩn quốc gia (?!)

Như vậy, mặc dù mới chỉ tìm hiểu về 01 ngôi trường được coi là “điểm sáng”, được coi là niềm tự hào của huyện Vĩnh Thuận đã thấy lộ ra quá nhiều góc tối u ám về cái được gọi là trường chuẩn quốc gia (!)

Và, có thể thấy rằng: năm 2018, trong mọi loại hình báo cáo, và tuyên truyền cả trên truyền thông về thành tích 22 trường chuẩn quốc gia của ông trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Thuận là một sự dối trá rất trơ trẽn.

Thêm nữa, việc cố tình đưa ngôi trường này vào thống kê, để bảo lưu thành tích giữ tỷ lệ lũy kế 22 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2018 còn là một sự dối trá trắng trợn đối với nhân dân địa phương và đối với cả hệ thống trường chuẩn quốc gia của nền giáo dục Việt Nam.

Nguyễn Phan

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dau-hoi-lon-cho-22-truong-dat-chuan-quoc-gia-o-vinh-thuan-post200109.gd