Dấu hiệu và cách xử lý khi trẻ em bị ngộ độc thực phẩm

Sự việc 30 trẻ nhập viện sau khi ăn bánh mì chà bông, vì ngộ độc tại TP.HCM vào cuối tháng 10 vừa qua một lần nữa đặt ra câu hỏi: làm thế nào để phòng tránh cũng như xử lý kịp thời ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ?

Theo các số liệu thống kê, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 500 vụ ngộ độc với hàng nghìn nạn nhân. Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra ở các bếp ăn tập thể, các hàng quán, thế nhưng, nhiều trường hợp lại từ chính những bếp ăn gia đình. Và nạn nhân có thể là bất cứ ai, từ người già đến trẻ nhỏ.

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ đặc biệt nguy hiểm

Ngộ độc thực phẩm ở mức độ nhẹ có thể chỉ làm trẻ bị mất nước, mệt mỏi, nhưng cũng có khi khiến trẻ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như: suy gan, thận, thậm chí là tử vong. Với trẻ nhỏ, ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm, bởi lẽ: hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ dẫn đến tổn thương về đường ruột, đồng thời, các cơ quản nội tạng khác khi bị ảnh hưởng cũng khó phục hồi chức năng hơn.

Khi bị ngộ độc, trẻ thường kèm theo biểu hiện sốt, tiêu chảy, nôn trớ. Các biểu hiện này khiến trẻ dễ bị mất nước. Thế nên, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, chúng ta cũng cần bù nước đầy đủ cho trẻ. Các loại nước như hydrid, oresol… sẽ giúp trẻ bù điện giải. Nước cam, chanh… sẽ giúp trẻ bổ sung vitamin C, tăng cường đề kháng, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, triệu chứng đầu tiên của ngộ độc thực phẩm là khó chịu ở bụng và buồn nôn. Mức độ nôn trớ phụ thuộc vào thể trạng của trẻ và mức độ ngộ độc. Thông thường, sau nôn ói, trẻ sẽ xuất hiện tiêu chảy. Tiêu chảy bình thường biểu hiện rất dữ dội, nhiều nước. Kèm với tiêu chảy trẻ sôi bụng, chướng bụng, mệt mỏi.

Bên cạnh đó, trẻ sẽ bị sốt cao, khoảng 39-40 độ C. Và triệu chứng cuối cùng là đau đầu. Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân, có thể do độc tố, có thể do trẻ nôn trớ nhiều dẫn đến đau đầu. Một số người thường kèm theo bị đau bụng do nhu động ruột hoạt động quá mức để tống các chất độc ra khỏi cơ thể. Các biểu hiện này thường xuất hiện sau ăn 30 phút. Cũng có những trường hợp xuất hiện sau 24 giờ sau ăn.

Loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, trẻ bị ngộ độc thực phẩm đa phần là do ăn phải các thực phẩm nhiễm khuẩn. Thế nên, chúng ta cần loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể trẻ càng nhanh càng tốt bằng cách gây nôn. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn thận khi làm việc này nếu không có thể gây sặc cho trẻ. Trong trường hợp thấy những bất thường không thể xử lý được, tốt nhất là chúng ta cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.

Khi bị ngộ độc, cơ thể trẻ thường rất yếu, đặc biệt là đường tiêu hóa. Chính vì thế, chúng ta cần cho trẻ ăn cháo, súp loãng hay các thực phẩm mềm, lỏng để dễ tiêu hóa. Thức ăn trước khi ăn cũng cần được làm ấm để trẻ dễ nuốt hơn. Đường ruột lúc này tuy yếu, nhưng trẻ vẫn cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để có năng lượng, phục hồi sức khỏe. Do đó, chúng ta cần cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất: tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Việc kiêng đạm không những không giúp đường ruột của trẻ khỏe hơn mà còn khiến cơ thể trẻ kiệt quệ do thiếu dinh dưỡng.

Khi bị ngộ độc, trẻ thường kèm theo biểu hiện: sốt, tiêu chảy, nôn trớ. Các biểu hiện này khiến trẻ dễ bị mất nước. Thế nên, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, chúng ta cũng cần bù nước đầy đủ cho trẻ. Các loại nước như hydrid, oresol sẽ giúp trẻ bù điện giải. Nước cam, chanh sẽ giúp trẻ bổ sung vitamin C, tăng cường đề kháng, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Trong thời tiết giao mùa, lượng vi khuẩn trong không khí tăng lên đáng kể, thế nên, tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng rất dễ xảy ra. Ở miền Bắc, thời điểm này khá mát mẻ, tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh. Đặc biệt, hãy hạn chế tối đa việc cho trẻ sử dụng thức ăn đã chế biến sẵn ở ngoài hàng.

“Trẻ bị ngộ độc thực phẩm đa phần là do ăn phải các thực phẩm nhiễm khuẩn. Thế nên, chúng ta cần loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể trẻ càng nhanh càng tốt bằng cách gây nôn. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn thận khi làm việc này nếu không có thể gây sặc cho trẻ”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương)

Minh Trang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/dau-hieu-va-cach-xu-ly-khi-tre-em-bi-ngo-doc-thuc-pham/788698.antd