Dấu hiệu thông thầu gói thầu nâng cấp thư viện Đại học Khánh Hòa

Cho rằng gói thầu 'Nâng cấp thư viện của Trường Đại học Khánh Hòa' thiếu minh bạch, có dấu hiệu thông thầu, một công ty tham gia đấu thầu đã có đơn kiến nghị đến Trường Đại học Khánh Hòa (ĐH Khánh Hòa) nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Trường Đại học Khánh Hòa.

Trường Đại học Khánh Hòa.

Trong đơn gửi Báo PLVN, ông Ngô Đình Quân - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Vân Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - phản ánh: Quá trình tham gia thầu, nhận thấy ĐH Khánh Hòa ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng Cơ điện Phát Đạt do ông Nguyễn Phát Đạt làm Giám đốc (địa chỉ tại số 12 Nguyễn Gia Thiều, phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có nhiều điều đáng nghi vấn, nên ông Quân đã có văn bản khiếu nại.

Theo ông Quân, năng lực nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng Cơ điện Phát Đạt không thể đáp ứng theo tiêu chí mà hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra. Cụ thể, Chương III. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT quy định kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự.

Theo đó, HSMT yêu cầu số lượng hợp đồng là 3, mỗi hợp đồng trị giá tối thiểu 2,77 tỷ VND hoặc ít hơn hoặc bằng 3, mỗi hợp đồng trị giá tối thiểu 2,77 tỷ VND và tổng giá trị tất cả các hợp đồng lớn hơn bằng 8,31 tỷ VND. Các hợp đồng tương tự cung cấp trang thiết bị có các hạng mục chủ yếu: Hệ thống trả sách và phân loại tài liệu tự động, hệ thống mượn sách tự động.

Đơn kiến nghị của ông Quân cho rằng, tính cho đến thời điểm đóng thầu Công ty TNHH Xây dựng Cơ điện Phát Đạt chưa cung cấp được bất cứ một hợp đồng nào về hệ thống thiết bị trả sách tự động 24/7 và phân loại tài liệu tự động. Để chứng minh được thì cần xem đối chiếu hóa đơn xuất bán hàng và sổ phụ ngân hàng về chuyển tiền và đơn vị sử dụng sản phẩm.

Thực tế ở Việt Nam, Hệ thống trả sách và phân loại tài liệu tự động được coi là sản phẩm đặc thù và chỉ sử dụng, lắp đặt 100% cho các thư viện, trung tâm thông tin thư viện, trung tâm học liệu thuộc Trường Đại học, Cao đẳng, Thư viện tỉnh và Thư viện Quốc gia Việt Nam sử dụng.

Đến thời điểm này, mới chỉ có 2-3 đơn vị đang sử dụng hệ thống tương tự như ĐH Khánh Hòa đã mời thầu như: Thư viện - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Thư viện - Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thư viện -Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan.

Ông Quân khẳng định, Công ty Phát Đạt không thể đáp ứng yêu cầu của HSMT về hợp đồng tương tự cả về chủng loại, tính chất cũng như quy mô. “Trong quá trình phát hành HSMT và các nhà thầu đến mua HSMT tại địa điểm của Trường, sau khi một số nhà thầu mua HSMT thì ông Đạt đã liên lạc bằng hình thức điện thoại cho các nhà thầu đã mua HSMT để thông tin và nói các công ty không tham gia chào thầu nữa, gói này Công ty Phát Đạt là đơn vị chạy vốn cho trường này và sẽ là công ty đứng ra làm gói này rồi” - ông Quân cho biết.

Ông Quân thắc mắc tại sao ông Đạt lại có thông tin của các nhà thầu khác để gọi điện đàm phán vì theo quy định thông tin về các nhà thầu mua HSMT phải được bảo mật? “Phải chăng phía nhà trường đã cung cấp thông tin về các công ty đến mua HSMT cho ông Đạt để ông ấy có được thông tin mua, nộp thầu cho đến khi kết thúc thời gian nộp thầu 15h00 ngày 18/11/2019?”, ông Quân nghi vấn.

Khi phóng viên liên hệ với Ban Giám hiệu ĐH Khánh Hòa, bà Lê Thị Mỹ Bình - Hiệu trưởng - đã đồng ý tiếp phóng viên, nhưng sau đó báo “bận họp” nên giao cho ông Phan Phiến - Phó Hiệu trưởng - tiếp. Tại buổi làm việc, ông Phiến cho biết ông không phải là người phụ trách dự án mà chỉ là người phụ trách về đào tạo nên ông không có ý kiến.

Trả lời câu hỏi về năng lực của Công ty Phát Đạt và cũng như yêu cầu của HSMT là doanh nghiệp trúng thầu phải có 3 hợp đồng trị giá trên 8 tỷ đồng về “Hệ thống trả sách và phân loại tài liệu tự động, hệ thống mượn sách tự động”, ông Nguyễn Tấn Phúc - phụ trách Phòng quản trị thiết bị và dự án - nói Công ty Phát Đạt có ký hợp đồng với một công ty ở Hà Nội (?!). Nhưng khi phóng viên hỏi chi tiết thông tin về hợp đồng mà nhà trường nói thì ông Phúc từ chối tiết lộ thông tin.

Về việc ông Đạt có thông tin các nhà thầu khác và gọi điện đàm phán, phóng viên đã cho các thành viên tại buổi làm việc nghe ghi âm. Ông Phúc cho rằng, nhà trường không tiết lộ thông tin các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cho ông Đạt nên không biết việc ông Đạt gọi điện đàm phán này!?

Ở diễn biến khác, liên quan tới đơn kiến nghị mà ông Quân - đại diện Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Vân Phương - đã gửi, ngày 16/1/2020, ĐH Khánh Hòa đã có Công văn số 39/ĐHKH-QTTB trả lời. Tuy nhiên, công văn phản hồi của nhà trường cho rằng việc “kiến nghị kết quả nhà thầu của Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Vân Phương đã hết hiệu lực”.

Ngay sau khi nhận được văn bản phản hồi từ ĐH Khánh Hòa, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Vân Phương tiếp tục có Công văn số 15/CV-2020 ngày 17/1/2020 gửi ĐH Khánh Hòa nhấn mạnh: Cho đến ngày 17/1/2020, doanh nghiệp này chưa nhận được bất kỳ văn bản thông báo nào chính thức từ quý trường về thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu tham gia gói thầu “Mua sắm Trang thiết bị (đợt 3)” thuộc Dự án “Nâng cấp thư viện của Trường Đại học Khánh Hòa” và yêu cầu nhà trường làm rõ những kiến nghị mà doanh nghiệp đã yêu cầu.

Được biết, dự án trên của ĐH Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 7/3/2017 từ nguồn ngân sách địa phương với số tiền lên tới 9.412.041.812 đồng.

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/dau-hieu-thong-thau-goi-thau-nang-cap-thu-vien-dai-hoc-khanh-hoa-495219.html