Dấu hiệu pháp lý của Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm?

Báo BVPL có bài 'Ra tận Quảng Ninh mua nửa tấn pháo về Hà Tĩnh đón Tết', tôi muốn hỏi thế nào là sản xuất, buôn bán hàng cấm? Dấu hiệu pháp lý của Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm?

 Bị can Liễu tại Cơ quan Công an

Bị can Liễu tại Cơ quan Công an

Sản xuất hàng cấm, được hiểu là hành vi làm ra hàng cấm bằng bất kỳ phương pháp nào, kỹ thuật công nghệ nào. Buôn bán hàng cấm, được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để trao đổi lấy hàng cấm hoặc ngược lại.

Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 190 Bộ Luật hình sự.

Khách thể

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý đối với các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm lưu thông (kinh doanh).

Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

+ Về hành vi

– Đối với tội sản xuất hàng cấm:

Có hành vi sản xuất hàng cấm (hàng cấm là các loại hàng hóa mà theo quy định của Nhà nước bị cấm kinh doanh).

Sản xuất là việc làm ra các sản phẩm vật chất để đưa vào lưu thông trên thị trường (nhưng thuộc đối tượng bị Nhà nước cấm) thông qua các phương tiện kỹ thuật, công cụ thô sơ… và kết hợp với kỹ thuật hiện đại hoặc phương pháp thủ công đơn giản.

– Đối với tội buôn bán hàng cấm:

Có hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để trao đổi giữa bên mua và bên bán. Bên bán nhận được một khoản tiền, tài sản hoặc giấy tờ có giá trị khác. Còn bên mua nhận hàng cấm hoặc ngược lại để thu lợi bất chính.

Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này khi có một trong các dấu hiệu cấu thành cơ bản sau đây:

– Hàng cấm có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn.

– Nếu hàng cấm không bị coi là số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm.

Chủ thể

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện các tội phạm nêu trên với lỗi cố ý.

Về hình phạt

Theo điểu luật quy định thì mức hình phạt của tội này được chia thành ba khung cụ thể như sau:

+ Khung một (khoản 1)

Có mức hình phạt là bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.

+ Khung hai (khoản 2)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

h) Tái phạm nguy hiểm.

+ Khung ba (khoản 3)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

+ Hình phạt bổ sung (khoản 4)

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

+ Hình phạt đối với pháp nhân (khoản 5)

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Luật sư: Đặng Anh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/giai-dap-phap-luat/dau-hieu-phap-ly-cua-toi-san-xuat-buon-ban-hang-cam-79371.html