Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa huyết khối

Các chuyên gia sức khỏe cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra huyết khối (cục máu đông), bao gồm phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine, dùng thuốc điều trị, các yếu tố lối sống và tình trạng sức khỏe. Nhưng dù là nguyên nhân gì, các cục máu đông có thể tổn hại sức khỏe nghiêm trọng - thậm chí gây tử vong - nếu không được xử lý kịp thời. Vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu và cách xử lý huyết khối có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo toàn sức khỏe và tính mạng.

Huyết khối là tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.

Huyết khối là tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.

Triệu chứng thường gặp của huyết khối

Có hai loại huyết khối chính cần lưu ý - một dạng gọi là “tĩnh” (thrombus, cục máu đông chỉ nằm yên và cản trở dòng máu đi qua vị trí đó) và dạng còn lại gọi là “thuyên tắc” (embolus, cục máu đông có thể vỡ ra). Tuy mỗi dạng đều có thể dẫn đến các biến chứng riêng, nhưng huyết khối dạng thuyên tắc đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể di chuyển đến các nội tạng khác - như tim hoặc phổi - và gây ra những tổn thương nghiêm trọng một số chức năng cơ thể.

Tùy thuộc vào nơi chúng hình thành và hành trình di chuyển trong máu, các cục máu đông có thể ảnh hưởng đến tứ chi, tim, phổi, thận hoặc não. Các triệu chứng của từng dạng huyết khối cũng khác nhau. Khi cục máu đông đứng yên - như ở trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu (cục máu đông ở chân), bệnh nhân có thể cảm thấy đau đớn, tê yếu, sưng to, nóng và tấy đỏ tại vị trí xuất hiện huyết khối, kèm theo tâm trạng thất thường. Còn nếu cục máu đông di chuyển đi nơi khác và dẫn đến các biến chứng như thuyên tắc phổi, bệnh nhân có các triệu chứng như đột ngột khó thở, ho có hoặc không kèm máu, da sần sùi, xanh xao, đổ mồ hôi nhiều, lo lắng và mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa.

Làm gì khi nghi ngờ bản thân đang có cục máu đông?

Ðầu tiên và trên hết, bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức, đặc biệt là nếu đã nhận thấy bản thân xuất hiện những triệu chứng kể trên kèm theo cảm giác đau tức ngực. Còn khi đã đến được cơ sở y tế, nhớ khai báo đầy đủ bệnh sử gia đình và cá nhân, loại vaccine hoặc thuốc đã dùng gần đây để bác sĩ có thể nhận diện chính xác loại cục máu đông đang gặp phải.

Còn về lâu dài, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ xuất hiện cục máu đông. Tùy thuộc vào bệnh sử và các chẩn đoán hiện tại, bác sĩ có thể đề xuất các hướng điều trị nhất định để giúp bạn giải quyết bất kỳ biến chứng tiềm ẩn nào khi có huyết khối.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa một số yếu tố nguy cơ về lối sống có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối, như ít vận động hoặc thường xuyên ngồi/nằm yên một chỗ trong thời gian dài. Còn nếu đang trong tình huống buộc hạn chế vận động (như chấn thương hoặc nằm viện) đừng quên thực hiện vài động tác thể dục tại chỗ, căng duỗi cơ, động đậy đôi chân thường xuyên hoặc mang vớ áp lực để cải thiện tuần hoàn máu. Mọi người cũng cần lưu ý là thói quen hút thuốc, tình trạng dư cân, uống một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ bị huyết khối.

AN NHIÊN (Theo HuffPost)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dau-hieu-nhan-biet-va-cach-phong-ngua-huyet-khoi-a132370.html