Dấu hiệu nhận biết, phanh xe ô tô của bạn cần phải đến thợ ngay lập tức

Là bộ phận quan trọng bậc nhất, đảm bảo sự an toàn cho người lái xe, phanh ô tô thường phải được thường xuyên để ý, quan sát. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường ở phanh như sau, bạn nên ngay lập tức cho xe đi 'chữa bệnh':

1. Tiếng kêu bất thường:

Phanh đảm bảo tiêu chuẩn chỉ khi nhấn phanh một cách êm ái, nếu xuất hiện những tiếng động như ken két, rít chói tai… thì có nghĩa là má phanh của bạn đang có vấn đề. Nguyên nhân có thể do miếng đệm má phanh bị hỏng, do bị mất miếng đệm chống ồn hoặc không được bôi trơi bằng loại mỡ phanh chuyên dụng; cũng có thể do bề mặt ma sát giữa đĩa phanh và má phanh có cát hay cặn bẩn dẫn đến bị kẹt; do không bôi trơn mặt lưng của má phanh hoặc do thanh báo mòn gây ra.

Hậu quả dẫn đến có thể là hỏng đĩa phanh, mất phanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng xe.

2. Đèn báo ABS sáng liên tục:

Khi đèn ABS sáng, nghĩa là phanh xe ô tô của bạn đang có vấn đề.

Khi đèn ABS sáng, nghĩa là phanh xe ô tô của bạn đang có vấn đề.

Nguyên nhân có thể do cảm biến ABS quá bẩn, cần tiến hành vệ sinh hoặc có thể do hỏng cảm biến của 1 trong 4 bánh xe, bộ điều khiển ABS ngừng hoạt động, do dây điện bị chuột cắn… Khi thấy đèn ABS phát sáng liên tục, dù vì lý do nào, bạn cũng nên sớm đưa xe đi kiểm tra cho an toàn.

3. Phanh bị bó:

Ô tô bị bó phanh rất nguy hiểm cho người cầm lái.

Nếu bạn di chuyển xe rồi sử dụng phanh sau khi thả chân phanh mà xe không lướt như trước, cảm giác như có lực cản xe và phải tăng ga mới thoát lên được nghĩa là hệ thông phanh xe đang bị bó kẹt. Hãy kiểm tra, vệ sinh và tra dầu bôi trơn để phanh có thể hoạt động ổn định trở lại.

4. Đạp phanh cảm giác không ăn

Đây là một dấu hiệu cho thấy có thể xe của bạn đang bị rò rỉ dầu phanh hoặc đường ống dầu bị hỏng khiến áp lực dầu trong hệ thống phanh bị giảm đột ngột, phanh mất bám. Hãy kiểm tra lại đường ống dẫn dầu, hộp dầu phanh và hệ thống phanh để tìm ra nguyên nhân, đồng thời khắc phục lỗi càng sớm càng tốt.

5. Phanh không ổn định:

Đôi khi, bạn có cảm giác bàn đạp phanh không được ổn định, phanh bị giữ trong thời gian dài, lực phanh chỉ xuất hiện trong 1 giây rồi mất, chu kỳ lặp lại đều đặn, lúc này có thể má phanh hoặc đĩa phanh xe của bạn đã bị hỏng, cần phải thay thế.

6. Phanh xe rung lắc, bị lệch

Hiện tượng này do sự tiếp xúc không đều giữa mặt đĩa và má phanh, bánh xe không cân, má phanh bị mòn không đều hoặc do đĩa phanh bị vênh khi phanh tạo nên.

Đối với hiện tượng xe bị lệch, có thể do lực phanh tác động lên các bánh không đều, do một trong số chúng dính dầu, khe hở má phanh tang trống không đều, đường ống dẫn dầu bị tắc cục bộ.

7. Bàn đạp phanh sát sàn:

Hiện tượng này do nhiều yếu tố gây nên, phổ biến nhất là không khí lọt vào trong đường ống dầu của hệ thống phanh hoặc do thiếu hụt, rò rỉ dầu trợ lực phanh. Để tránh gặp tình trạng này, bạn cần thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống phanh định kỳ sau mỗi 20.000 km, bổ sung dầu phanh bằng với vạch max của bình dầu phanh.

8. Phanh có cảm giác nặng:

Nếu đạp phanh có cảm giác nặng chứng tỏ bộ phận phanh trên xe của bạn đang gặp vấn đề như trợ lưc chân không của phanh bị hỏng hoặc đường ống dẫn dầu bị tắc.

Khi xe của bạn có những dấu hiệu như kể trên, tốt nhất hãy mang xe đến các thợ chuyên nghiệp để kiểm tra, xử lý sớm nhất nếu bạn không phải là người có kinh nghiệm sửa chữa ô tô. Điều này không chỉ giúp giữ an toàn cho bạn trên mỗi cuộc hành trình mà còn đảm bảo cho cả những người khác cùng lưu thông trên đường với bạn, đồng thời, giữ cho "xế yêu" luôn luôn khỏe mạnh, trơn tru.

Anh Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://xe.nguoiduatin.vn/517/dau-hieu-nhan-biet-phanh-xe-o-to-cua-ban-can-phai-den-tho-ngay-356859.html