Dấu hiệu ngoan hiền

Chuyện tếu rằng ở bệnh viện tâm thần nọ, khi kiểm tra sức khỏe để xét ra viện cho các bệnh nhân, bác sĩ vẽ vào bức tường một cánh cửa rồi bảo các bệnh nhận mở được thì ra viện. Bệnh nhân xúm xít mở mãi không ra. Một bệnh nhân đứng cười khẩy.

Bác sĩ hỏi lý do cười. Bệnh nhân thì thầm, tôi cầm chìa khóa đây, mở sao được lũ điên. Bác sĩ hỏi: Có chìa phải mở mà về nhà chứ. Bệnh nhân ngặt nghẽo: Điên à! Ở đây tôi là Tản Viên Sơn Thánh. Về nhà chỉ là kẻ vô danh.

Bác sĩ ghi vào sổ: Tiếp tục điều trị.

Chuyện thật. Có bệnh nhân nghĩ rằng. Điên à mà ra viện? Trong viện vừa là chủ "động lắc" vừa buôn bán, sử dụng "Mai thúy". Ngu gì… Anh chàng này thi công cả buồng bệnh thành phòng cách âm với loa đài đèn lazer kiểu vũ trường. Lôi kéo cả cán bộ bệnh viện vào cùng chơi. Những khách hàng mua ma túy ra vào với cái "vỏ" là người nhà bệnh nhân. Chuyện này ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu đó là ông giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Giám đốc bày tỏ không hề biết có vụ bay lắc trong bệnh viện.

Khôn như bệnh nhân tâm thần chả thiếu. Không biết từ bao giờ việc trốn tội bằng giấy chứng nhận tâm thần đã trở thành một dịch vụ. Cứ chuẩn bị hầu tòa thì số bệnh nhân tâm thần tự nhiên tăng lên, hớn hở với giấy chứng nhận tâm thần trong tay. Giá cả cho giấy chứng nhận quá thấp để trốn những tội tày đình.

Ở mức độ nhẹ hơn, những bằng cấp các loại là yếu tố làm đẹp hồ sơ để có thể thăng tiến. Thói quen làm đẹp hồ sơ cũng trở thành hiển nhiên, đến mức trở thành chuyện bình thường bất chấp thực chất. Hậu quả của những hồ sơ giả tạo (bao gồm chất lượng kém, mua, bán) nguy hiểm không thể lường hết với tương lai xã hội.

Người đời bảo, ối dào, chuyện "son phấn" làm đẹp hồ sơ ấy mà.

Cứ có một vụ việc nào xảy ra. Y như rằng người ta sẽ tìm ra những yếu tố "son phấn" để "tô" cho nghi phạm hoặc người bị kết án giảm bớt sự nguy hiểm.

Với kẻ trộm tuổi vị thành niên thì thường được làm đẹp bằng từ em nhỏ. Tuổi này là tuổi nhạy cảm. Học sinh và tội phạm có lằn ranh rất mong manh.

Em bé chỉ ăn trộm thôi mà, có gì đâu mà dữ vậy. Cổ nhân nói "Tuổi nhỏ ăn trộm quả trứng, lớn lên sẽ trộm con bò". Người ta nói "đầu trộm đuôi cướp". Ban đầu chỉ là trộm, nhưng sau tình huống bị truy bắt thì chuyển sang cướp. Thậm chí, tại Long An hôm 26 - 3, trộm chó còn bắn súng điện giết người truy đuổi.

Sát nhân nhí Lê Văn Luyện khi bị bắt thì người ta trích lời hàng xóm bảo cháu Luyện ngoan hiền lắm, không điều tiếng gì. Cậu bé Luyện "ngoan hiền" nhưng giết chết 3 người, chém trọng thương 1 người trong một gia đình.

Có lẽ một trong những dấu hiệu khả nghi nhất hiện nay là những từ khóa "ngoan hiền", "không điều tiếng", "bệnh nhân tâm thần".

Không ít người bình luận bao che cho những hành vi chống người thi hành công vụ. Họ dùng mặt nạ lương dân để che đậy những chân dung đạo tặc, thậm chí là sát nhân. Từ đó đánh tráo đảo ngược lỗi từ nghi phạm sang người thi hành công vụ.

Việc trấn áp tội phạm có thể chưa thật sự đúng mức, cần điều chỉnh nhưng không thể biến tuổi vị thành niên để trở thành tấm khiên bất khả xâm phạm trước lực lượng thi hành công vụ.

Một cư dân mạng nói, "Nếu các bạn luôn phản đối lực lượng chức năng trấn áp tội phạm thì khi nào nhà các bạn bị trộm cướp đừng gọi lực lượng chức năng nhé. Phải biết xấu hổ chút".

Không nghiêm với kẻ cắp nhỏ tuổi, tương lai gần sẽ là 1 mét vuông, 4 thằng ăn cắp. Không nghi ngờ gì nữa, bênh che cái xấu cũng là một phần của tội ác.

Lê Tâm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/dau-hieu-ngoan-hien-638178/