Dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng và cách cấp cứu tại chỗ

Đột quỵ do nắng nóng rất dễ xảy ra khi chúng ta ở trong môi trường nắng nóng quá lâu và rất nguy hiểm khi không được cấp cứu tại chỗ kịp thời.

Đột quỵ do nắng nóng có dấu hiệu gì?

Cả nước đang bước vào mùa hè nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ rất cao. Bác sĩ cảnh báo, đột quỵ do nắng nóng nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao tương đương đột quỵ do tim và não.

Đột quỵ do nắng là tình trạng thân nhiệt bị tăng đột ngột quá cao khiến cơ thể không tự điều hòa được, gây viêm hệ thống dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Trong đó mạnh nhất là tổn thương thần kinh, nguyên nhân gây ra các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật và có thể hôn mê.

Một nạn nhân tử vong vì đột quỵ nắng nóng ở TP HCM.

Một nạn nhân tử vong vì đột quỵ nắng nóng ở TP HCM.

Dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng khá giống với sốc nhiệt (say nắng) nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn, người bệnh dễ tử vong nếu như không được cấp cứu tại chỗ kịp thời.

Biểu hiện của đột quỵ do nắng nóng bao gồm: vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông. Bệnh nhân có thể sẽ kèm theo các triệu chứng nặng hơn như: đau bụng, nôn mửa, sau đó xuất hiện chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, tiểu tiện ít, sốt cao có khi lên tới 440C, da và niêm mạc khô, trụy mạch.

Cá biệt có trường hợp tụ máu dưới màng cứng và trong não. Nếu bị nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện thương tổn thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ai dễ bị đột quỵ do nắng nóng?

Đột quỵ do nắng nóng có thể xảy ra đối với nhiều đối tượng ở các độ tuổi khác nhau. Trong đó, trẻ em (dưới 4 tuổi), người già (từ 50 tuổi trở lên) và những người thường xuyên làm việc, di chuyển dưới thời tiết nắng nóng là dễ bị đột quỵ nhất.

Mức nhiệt độ môi trường lý tưởng nhất đối với con người là khoảng 20 – 30 độ C. Khi nhiệt độ tăng cao và hạ thấp cơ thể cơ người sẽ thay đổi theo để thích ứng. Tuy nhiên khi vượt ra khỏi ngưỡng này sẽ gây ra những dấu hiệu xấu đối với sức khỏe.

Người già, trẻ em, người làm việc trong môi trường quá nắng nóng trong thời gian dài dễ bị đột quỵ do nắng nóng.

Trẻ em và người già có thân nhiệt kém hơn so với người trưởng thành do đó sẽ dễ bị đột quỵ khi nắng nhiều, thời tiết oi bức.

Những người phải làm việc ở môi trường nắng nóng nhiều như: xây dựng, giao thông, bán rong… sẽ dễ bị đột quỵ do nắng nóng.

Người phải tiếp xúc đột ngột với môi trường nắng nóng, thiếu các trang bị bảo hộ ngăn ngừa nắng cũng dễ sốc nhiệt và đột quỵ

Người đang sử dụng một số thuốc như thuốc lợi tiểu gây mất nước, điện giải, các thuốc chẹn beta giao cảm điều trị tăng huyết áp, các thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, các chất ma túy loại amphetamines hoặc cocaine.

Người đang có các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, người béo phì, người không được khỏe hoặc ăn uống không đầy đủ cũng rất dễ đột quỵ do nắng nóng.

Cách cấp cứu tại chỗ khi bị đột quỵ do nắng nóng

Đột quỵ do nắng nóng nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách có thể để lại di chứng nặng nề về thần kinh hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong.

Cấp cứu tại chỗ đúng cách giúp tăng cơ hội sống cho người bị đột quỵ do nắng nóng.

Trong thời gian chờ đợi cấp cứu tại các cơ sở y tế uy tín, người nhà có thể cấp cứu tại chỗ cho người bị đột quỵ do nắng nóng theo cách sau:

Nhanh chóng đưa bệnh nhân vào chỗ thoáng mát, tìm cách để hạ thân nhiệt xuống càng nhanh càng tốt bằng các biện pháp như đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm bằng nước mát khắp người hoặc phun nước hay nhúng cả người nạn nhân vào bể nước mát. Khi thân nhiệt người bệnh giảm xuống thì nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.

Bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng cần được cấp cứu khẩn cấp. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh nhanh chóng bị hôn mê chỉ trong vòng vài phút, thậm chí tử vong do thân nhiệt quá cao.

Như Sương

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/dau-hieu-dot-quy-do-nang-nong-va-cach-cap-cuu-tai-cho-77349.html