Dấu hiệu dễ nhận biết trẻ nhiễm độc chì

Trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị nhiễm độc chì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tinh thần và thể chất.

Đường viền Burton quanh chân răng của bệnh nhân nhiễm độc chì. Ảnh minh họa.

Đường viền Burton quanh chân răng của bệnh nhân nhiễm độc chì. Ảnh minh họa.

Ở mức độ rất cao, nhiễm độc chì có thể gây tử vong. Một triệu chứng đặc hiệu khi trẻ nhiễm độc chì mạn tính là xuất hiện đường viền màu xanh xám trên lợi ngay gốc chân răng.

Theo TS.BS Nguyễn Kiên Cường - Viện Y học Dự phòng Quân đội, nhiễm độc chì xảy ra khi chì tích tụ trong cơ thể, thường trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Ngay cả khi trẻ em bị phơi nhiễm với một lượng nhỏ chì cũng có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

“Nhiễm độc chì cấp tính xảy ra khi cơ thể hấp thu một lượng chì lớn trong thời gian ngắn. Các triệu chứng của hệ tiêu hóa xuất hiện (táo bón, chướng bụng, đau bụng, nôn mửa, biếng ăn) hoặc có biểu hiện thần kinh trung ương, hay thay đổi hành vi (lú lẫn, mệt mỏi, thờ ơ, cáu kỉnh, tăng động).

Ngoài ra có thể có biểu hiện da xanh xao rõ rệt do thiếu máu nặng”, TS Cường giải thích.

Chuyên gia cảnh báo, ngộ độc chì cấp tính mức độ nặng có thể gây tổn thương não cấp. Bởi, các triệu chứng co giật, hôn mê và tử vong xuất hiện khi nồng độ chì trong máu trên 70 μg/dL đối với trẻ em và trên 100 μg/dL với người lớn.

Những trẻ sống sót sau ngộ độc chì cấp tính thường gặp di chứng vĩnh viễn về mặt phát triển thần kinh, như: Chậm phát triển trí tuệ và rối loạn hành vi.

“Ngày nay, nhiễm độc chì cấp tính vẫn xảy ra và thường được phát hiện nhiều nhất ở trẻ em tại các nước có thu nhập thấp hoặc các khu vực ô nhiễm chì trầm trọng”, TS Cường nhấn mạnh.

Các triệu chứng của nhiễm độc chì mạn tính ở trẻ thường bao gồm: Mệt mỏi, nhức đầu, xanh xao (do thiếu máu), sụt cân, chán ăn, buồn nôn/ nôn, chậm phát triển thể chất và chậm phát triển thần kinh so với tuổi, giảm khả năng chú ý, chậm tiếp thu trong học tập, ngôn ngữ kém phát triển, chức năng thính giác suy giảm, giảm chỉ số thông minh (IQ)…

Tại Việt Nam, từ năm 2016, chiến dịch hưởng ứng Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì được Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) tổ chức hằng năm dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Tuần lễ diễn ra với sự tài trợ của Mạng lưới Quốc tế Loại bỏ các Chất hữu cơ khó phân hủy (IPEN).

Năm nay, Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy việc sớm ban hành và thực hiện Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn.

Giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600 ppm tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, ≤ 200 ppm sau 3 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và ≤ 90 ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Theo nghiên cứu mới do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và tổ chức môi trường Pure Earth thực hiện, gần 1/3 trẻ em trên thế giới có mức chì cao trong máu.

Cụ thể, khoảng 800 triệu trẻ em trên thế giới có mức chì từ 5 microgram/decilit trở lên trong máu. Mức độ này đủ cao để ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan quan trọng khác của cơ thể như tim và phổi.

Báo cáo đã trích dẫn một loạt các yếu tố chịu trách nhiệm cho mức chì cao trong máu trẻ em, bao gồm: Các nhà máy tái chế pin axit chì kém chuẩn; Những ngôi nhà với lớp sơn chì bị bong tróc; Bãi rác thải điện tử có lượng chì cao; Món đồ gốm tráng men có chứa chì.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/dau-hieu-de-nhan-biet-tre-nhiem-doc-chi-dqOpjthGR.html