Dấu hiệu con bạn bị bắt nạt

Trẻ bị bắt nạt nếu không được phát hiện sẽ gặp vấn đề tâm lý như chứng lo sợ hoặc thiếu tự tin.

Nhiều bằng chứng cho thấy trẻ 2-5 tuổi có thể bị bắt nạt nhưng hành vi phát triển cũng không khác so với các bé lớn hơn. Làm sao chúng ta nhận ra trẻ đang bị bắt nạt và cha mẹ nên giải quyết tình huống này ra sao?

Hành vi bắt nạt xuất hiện sớm hơn chúng ta nghĩ

Khi trẻ lên một tuổi, hành vi bạo lực, áp đặt quyền lực lên bạn bè của bé có thể bắt đầu phát triển. Đây được xem là hành vi bắt nạt.

Chúng không giống như việc đánh, cắn nhau giữa 2 đứa trẻ. Hành vi bắt nạt diễn ra khi có một đứa trẻ giữ quyền lực trên bé còn lại. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy một bé im lặng và mất quyền lực hơn.

Hành vi này cũng bao gồm bắt nạt nhóm. Khi đó, một đứa trẻ bị tách ra khỏi nhóm với lý do nào đó. Ví dụ, trẻ không được cho tham gia cùng trò chơi hay mời dự sinh nhật.

Trẻ ở độ tuổi nhỏ chưa thực sự hiểu thế nào là hành vi bắt nạt. Ban đầu, hành vi bạo lực sẽ xuất hiện trước. Khi đó, trẻ tự cho mình "có quyền". Nếu điều này không được cha mẹ hoặc thầy cô phát hiện, ngăn cản và hướng dẫn, trẻ sẽ phát triển thành hành vi bắt nạt kẻ khác.

Phần lớn chúng ta nghĩ trẻ nhỏ không biết gì nên bỏ qua và hiểu sai về hành vi bắt nạt. Hành vi này để lại hậu quả rất lớn cho cả trẻ bắt nạt và bị bắt nạt.

Trẻ bắt nạt và bị bắt nạt đều phát triển hành vi bất thường ở thời điểm còn nhỏ và phức tạp khi bé lớn hơn. Một số hành vi bạo lực hay tấn công có thể sẽ phát triển ở mức độ cao hơn.

 Một số hành vi bạo lực hay tấn công có thể sẽ phát triển ở mức độ cao hơn khi trẻ lớn. Ảnh: Kurio.

Một số hành vi bạo lực hay tấn công có thể sẽ phát triển ở mức độ cao hơn khi trẻ lớn. Ảnh: Kurio.

Ngoài ra, nếu bị bỏ qua, trẻ bắt nạt cũng mất đi cơ hội được giáo dục hành vi đúng. Trẻ tiếp tục làm sai vì nghĩ chúng đúng khi xử sự như vậy. Nó có thể là một phần tính cách không tốt của trẻ sau này.

Trẻ bị bắt nạt nếu không phát hiện và đáp ứng đúng, bé sẽ gặp vấn đề tâm lý như chứng lo sợ hoặc thiếu tự tin.

Dấu hiệu cần chú ý

Trẻ có thể bị bắt nạt ở bất cứ nơi nào, không chỉ từ bạn bè của bé. Ví dụ, trẻ cũng có thể bị bắt nạt bởi thầy cô nếu họ cho bé là cá biệt và có lời nói, hành động khiến con bị tách rời, chê cười. Cha mẹ cũng có thể rơi vào hành vi bắt nạt nếu làm điều tương tự.

Phần lớn, trẻ bị bắt nạt bởi chính bạn bè của mình. Điều này có thể diễn ra ở lớp, sân trường, phòng tập thể dục, trên đường về nhà.

Dưới đây là một số dấu hiệu trẻ bị bắt nạt:

- Bé thay đổi cảm xúc bất thường khi nhắc đến trường lớp.

- Yêu cầu cha mẹ đưa, đón khi đi học (trước đó, trẻ đi bộ hoặc xe đưa rước) hoặc đòi được đón sớm, tỏ ra bực khi bạn đến muộn.

- Trẻ tỏ ra rất quan trọng việc bạn bỏ bánh kẹo vào cặp. Nếu bạn quên hay làm chậm, bé tỏ vẻ khó chịu và nhắc liên tục. Trẻ cũng có thể xin tiền bạn thêm hoặc đòi mang thêm bánh kẹo bất thường.

- Thường xuyên kêu đau bụng hoặc nhức đầu trước khi đi học, nhưng trước đây không có. Những bằng chứng hiện nay cho thấy sự giao tiếp giữa não bộ, đường ruột liên quan chặt chẽ đến các hành vi và cảm xúc. Do đó, trẻ thường xuyên phàn nàn đau bụng hay nhức đầu không rõ nguyên nhân, có thể con đang gặp lo lắng hay có nỗi sợ cần được chia sẻ.

- Quần áo thường bị bẩn hoặc mất đồ dùng học tập. Khi cha mẹ hỏi, trẻ thường không nói, đánh trống lảng hoặc viện cớ làm mất.

Cách xử lý khi trẻ bị bắt nạt

Chúng ta thường có một trong 3 phản ứng là: Bắt trẻ chống trả lại hoặc nói với thầy cô (1); yêu cầu trẻ bỏ qua hoặc cố tránh nó (2); để bạn giải quyết như gọi điện cha mẹ bé kia hoặc nói với thầy cô (3).

Khoa học cho thấy cả 3 cách trên đều không hiệu quả, đơn giản vì hành vi bắt nạn ở tuổi nhỏ khá đặc trưng. Trẻ không hiểu đó là hành vi đáng chỉ trích. Do đó, ở cách 1 và 3 đều không giúp trẻ tự tin giải quyết vấn đề. Cách 2 cũng không hiệu quả nếu đó là bạn học ngồi kế bên trẻ.

Trẻ hay bị bắt nạt bởi chính bạn bè của mình. Ảnh: Humaverse.

Chúng ta được khuyên làm những điều sau:

Hiểu và tin tưởng trẻ: Trò chuyện là cách để hiểu tình huống của trẻ. Bạn nên là người đặt câu hỏi trực tiếp để giúp trẻ không cảm thấy một mình. Ví dụ, bạn thấy trẻ có dấu hiệu bị bắt nạt, có thể hỏi những câu để gợi bé nói như: "Trong lớp con ngồi kế ai?", "Con hôm nay hơi mệt và muốn ở nhà, vì sao vậy".

Ban đầu, trẻ chưa thấy bạn đủ tin tưởng để chia sẻ với cha mẹ. Tuy nhiên, chính sự quan tâm và khơi gợi này sẽ dần giúp trẻ bắt đầu tìm giải pháp từ bạn hơn là chấp nhận giữ nó cho riêng mình.

Cho trẻ biết như thế nào là hành vi bắt nạt: Bạn nên giải thích đó là hành vi không được cho phép. Cha mẹ, thầy cô và rất nhiều bạn bè phản đối hành vi này.

Bạn hãy cho trẻ biết hành vi bắt nạt là những hành động như sỉ nhục bằng lời nói, đòi tiền, đồ chơi, bánh kẹo, thậm chí không hoan nghênh bạn chơi cùng. Khi trẻ nhận ra đúng hành vi và hiểu đó là sai, con sẽ dễ dàng chia sẻ với bạn.

Có biện pháp để chấm dứt: Khi một đứa trẻ bị bắt nạt, điều bé cần là chấm dứt điều đó. Vì vậy, bạn cần tìm giải pháp có hiệu quả, giúp trẻ tự tin. Ví dụ, nếu trẻ bị bắt nạt trên xe bus đến trường hoặc trong lớp học, hãy nói với tài xế nhà trường, cô giáo để chuyển vị trí ngồi.

Quản lý chương trình trên TV: Việc xem nhiều chương trình có tính bạo lực vô tình khiến trẻ phát triển hành vi tương tự vì não bộ của bé lúc này hoạt động như chiếc máy thu. Cha mẹ nên hạn chế các chương trình này trên TV hoặc điện thoại mà trẻ có thể tiếp cận.

Bác sĩ Anh Nguyễn
Bệnh viện Hoàng gia Worcester, Vương quốc Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-con-ban-bi-bat-nat-post1141324.html