Dấu hiệu cho thấy rất có thể cơn nhồi máu cơ tim 'ghé thăm' bạn

Nhồi máu cơ tim là tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi mạch máu đến nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột. Một số dấu hiệu cảnh báo dưới đây bạn không nên bỏ qua.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Jean McSweeney từ Đại học Khoa học Y khoa Arkansas - Hoa Kỳ sau khi phỏng vấn hàng trăm người sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim tại Mỹ đã gây chấn động giới Y khoa, Sức khỏe & Đời sống đưa tin.

Trước khi bị nhồi máu cơ tim, xuất hiện một vài dấu hiệu giúp bạn phòng tránh. Ảnh minh họa

Trước khi bị nhồi máu cơ tim, xuất hiện một vài dấu hiệu giúp bạn phòng tránh. Ảnh minh họa

Đó là 95% người bị nhồi máu cơ tim đều cảm thấy một vài dấu hiệu bất ổn trước đó vài tháng. Báo cáo nghiên cứu này của Bà đã được công bố trên Tạp chí Tim mạch và Y học trực tuyến (Circulation).

Hầu hết người bệnh từng bị nhồi máu cơ tim đều nói rằng họ cảm thấy không khỏe trước khi biến cố này xảy ra nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Thế nhưng, hầu hết họ đều bỏ qua. Một số ít lại nhầm lẫn các dấu hiệu này là triệu chứng của bệnh cúm hoặc trào ngược dạ dày, gây ra chứng ợ nóng, nhất là phụ nữ. Các dấu hiệu này bao gồm:

1. Mệt mỏi một cách bất thường gặp ở 100% người bệnh bị nhồi máu cơ tim

Đó có thể là mệt bải hoải, uể oải khi thức dậy hay khi thực hiện những việc quen thuộc mà trước đây vẫn có thể thực hiện bình thường.

2. Bồn chồn, lo lắng một cách vô cớ: 100% người sống sót sau nhồi máu cơ tim được phỏng vấn cho biết họ đều đã từng trải qua tình trạng này mà không biết đó là dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Càng gần đến cơn nhồi máu tim, tình trạng lo âu, hồi hộp càng tăng lên, khiến người bệnh trở nên sợ hãi.

3. Đau cánh tay hoặc khó chịu ở các khu vực khác của cơ thể: 86%người bệnh có dấu hiệu đau ở cánh tay hoặc ở vai trái, lưng, hàm, cổ

4. Khó thở, hụt hơi, chân tay rã rời: 86% người bệnh gặp phải tình trạng báo động này trước khi cơn nhồi máu tim đến gần. Khó thở, hụt hơi có thể khiến người bệnh đang đi lại hay đang đứng làm việc phải ngồi thụp xuống mới thở được, mặc dù đó vẫn là các công việc họ vẫn làm hàng ngày.

5. Đầy trướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói hoặc ợ nóng, buồn đi cầu gặp ở 71%các trường hợp nhồi máu cơ tim gặp phải triệu chứng này, nhưng họ thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Đây là điều rất đáng tiếc dẫn đến người bệnh phát hiện bệnh khi đã quá trễ.

6. Đau ngực, nặng ngực cho đến khó chịu ở trước vùng tim gặp 57% ở người nhồi máu cơ tim có dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim đến gần bằng các cơn đau tim, đau thắt ngực dữ dội. Số còn lại có thể chỉ xuất hiện tình trạng nặng ngực, khó chịu hay nóng rát ở ngực (cảm giác ngực bị vật nặng đè nén, tê hay nóng rát…)

7. Đau sau lưng hoặc đau ở vai, hàm gặp ở 43% các trường hợp.

Nghe có vẻ không đúng với các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim, nhưng thực tế 43% người bệnh đã gặp phải các triệu chứng này mà không hề có cơn đau ở ngực trái. Cơn đau này thường xuất phát từ vùng giữa ngực, sau xương ức và xuyên qua lưng hoặc lan lên hàm.

8. Đau đầu, chóng mặt gặp ở 43% trường hợp.

Người bệnh gặp phải triệu chứng nhức đầu từ nhẹ váng vất đến đau nhức dữ dội.

9. Khó ngủ, trằn trọc, không ngủ được: 29% các trường hợp gặp phải triệu chứng này cả trước và sau cơn nhồi máu cơ tim đã xảy ra

Phụ nữ thường có nhiều dấu hiệu không điển hình này hơn là phái mạnh.

Trong một nghiên cứu với 515 phụ nữ bị nhồi máu cơ tim cấp tính, triệu chứng thường được báo cáo nhất là mệt mỏi bất thường, rối loạn giấc ngủ, khó thở, khó tiêu và lo lắng. 78% số họ gặp ít nhất 1 dấu hiệu kể trên trước khi cơn nhồi máu xảy ra khoảng một tháng.

Xử trí, sơ cứu cho người bị nhồi máu cơ tim

Đối với bản thân người bệnh

Phải dừng ngay mọi công việc đang làm, ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi (co đầu gối, nằm nghiêng 75 độ so với mặt đất).

Buông lỏng phần vai và hai cánh tay, nhắm mặt lại và hít thở nhẹ nhàng bằng mũi, không cố hít sâu, không nín hơi để tránh bị căng thẳng và tim bị mệt.

Cởi bớt áo khoác ngoài, nới rộng khăn quàng cổ, cà vạt (nếu có).

Uống một liều thuốc trị đau thắt ngực theo đơn của bác sĩ. Trong trường hợp có sẵn thuốc mang theo bên người, nên dùng ngay viên ngậm dưới lưỡi Nitroglycerin hoặc xịt dưới lưỡi 2 lần Nitroglycerin dạng xịt trong khi chờ đợi xe cấp cứu. Nếu sau 5 phút mà cơn đau ngực vẫn chưa đỡ có thể dùng thêm một liều nữa.

Nếu bệnh nhân được bác sĩ cho uống aspirin (một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu), người bệnh có thể nhai luôn một viên Aspirin hoặc uống dạng sủi để phòng cục máu đông và nhanh chóng đưa đến bác sĩ để được điều trị ngay, không nên để quá 15 phút. Nhờ người gọi xe cấp cứu hoặc nhờ họ đưa bạn đến bệnh viện gần nhất.

Đối với người thân của bệnh nhân

Khi quan sát thấy người bệnh còn tỉnh, hãy để người bệnh nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi ở nơi thoáng đãng, trấn an nhẹ nhàng, tránh nói to hay hỏi quá nhiều vì điều này có thể làm cho người bệnh cảm thấy căng thẳng.

Nếu người bệnh được bác sĩ cho uống aspirin hoặc nitroglycerin... trong đơn thuốc hàng ngày hoặc thuốc cấp cứu đã chỉ định trước, hãy cho họ dùng thuốc theo hướng dẫn.

Nếu người bệnh đã bất tỉnh, có thể thực hiện theo 2 cách sau:

Ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân

Để người bệnh nằm lên một mặt phẳng cứng, quỳ gối phía bên trái của người bệnh Sau đó chồng 2 bàn tay lên và đặt trước tim (khoảng giữa 2 núm vú - khoang liên sườn 4 – 5 bên trái), dùng toàn lực ép mạnh và sâu xuống 1/3 lồng ngực rồi nới lỏng tay. Lặp lại động tác này liên tục 60 lần/phút để tăng co bóp tim.

Hô hấp nhân tạo
Đặt người bệnh nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo, kiểm tra dị vật trong miệng, rồi kê cao cổ để đầu hơi ngửa ra phía sau. Sau đó bịt mũi người bệnh rồi dùng miệng của mình lấy hơi và thổi vào miệng người bệnh nhiều lần.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần lưu ý là bạn chỉ thực hiện các kỹ thuật sơ cứu này nếu đã nắm rõ kỹ thuật và đã được huấn luyện thực hành các kỹ thuật này.

Diệu Tâm (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/dau-hieu-cho-thay-rat-co-the-con-nhoi-mau-co-tim-ghe-tham-ban-81314-9.html