Dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung-Nhật đang dần 'nguội lạnh'?

Nikkei Asia ngày 16/12 đăng bài phân tích của tác giả Tetsushi Takahashi về quan hệ Trung-Nhật, trong đó nhận định Tokyo không còn nằm trong danh sách ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Quan hệ Trung-Nhật lại rơi vào 'nguội lạnh'. (Nguồn: China Daily)

Quan hệ Trung-Nhật lại rơi vào 'nguội lạnh'. (Nguồn: China Daily)

Tờ báo còn cho rằng, chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể diễn ra trước cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản vào năm tới.

Theo tờ này, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công du đến thành phố Dương Châu bên bờ sông Dương Tử vào tháng 11, ông đã không đến thăm chùa Daming. Ngôi chùa nổi tiếng này đã từng được trụ trì bởi nhà sư thời Đường Jianzhen (tên tiếng Nhật là Ganjin) và được coi là biểu tượng của mối quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhà sư Ganjin đã đến Nhật Bản vào thế kỷ VIII sau 5 lần thất bại khi liên tiếp gặp biển động và cuối cùng bị mất thị lực trong cuộc hành trình này. Ông đã dành phần đời còn lại của mình ở Nhật Bản, giúp truyền bá giáo lý của Phật giáo và cho đến ngày nay vẫn được nhiều người Nhật ngưỡng mộ.

Tín hiệu xấu?

Đối với các nhà quan sát Trung Quốc, việc ông Tập Cận Bình không tới thăm chùa Daming dường như là một "tín hiệu tinh tế" cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc không quá quan tâm tới chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản, ban đầu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4 năm nay nhưng đã bị hoãn lại vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã không hề có thông tin về việc ông Tập Cận Bình có đến thăm chùa Daming hay không. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, Chủ tịch Trung Quốc đã đến thăm một nghĩa trang gần đó dành riêng cho những người đã mất trong Cách mạng Trung Quốc.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc bỏ qua ngôi chùa mang tính biểu tượng này chỉ đơn giản là một quyết định liên quan tới vấn đề hậu cần hay là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Trung Quốc với Nhật Bản có phần xấu đi.

Hiện tại, các cuộc đàm phán về lịch trình mới cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang bế tắc. Có vẻ như chủ đề này không được nêu ra trong các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu tại Tokyo vào cuối tháng 11.

Hơn thế nữa, có vẻ như Ngoại trưởng Vương Nghị không mấy quan tâm tới việc làm dấy lên tình cảm tốt đẹp của công chúng Nhật Bản (đối với Trung Quốc), và rộng hơn là việc hiện thực hóa chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình.

Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu, ông Vương Nghị cho rằng các tàu cá Nhật Bản chính là nguyên nhân dẫn tới các cuộc xâm nhập gần đây của Trung Quốc vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Mỹ mới là ưu tiên

Mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc hiện tại là chính quyền Mỹ sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Quan hệ của Bắc Kinh với Tokyo chủ yếu được coi là một cách để nâng cao vị thế đàm phán của Trung Quốc với Mỹ trong tương lai và không phải là một ưu tiên quan trọng. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang theo dõi sát sao liệu Thủ tướng Suga, người mới nhậm chức vào tháng 9, có thể củng cố quyền lực của mình hay không.

Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nói: "Thật khó để nghĩ rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Nhật Bản trước cuộc bầu cử Hạ viện năm tới". Bắc Kinh có rất ít động lực để làm sâu sắc hơn quan hệ với Tokyo vào thời điểm này, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản dự kiến chưa thể được tổ chức cho tới tận mùa Hè năm 2021.

Mặc dù vậy, theo bài báo, nhân tố lớn nhất kiềm chế Chủ tịch Tập Cận Bình dường như nằm ở trong nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào tháng 7/2021. Sau đó, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, vẫn được tổ chức 5 năm một lần, sẽ diễn ra vào năm 2022.

Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn củng cố vị thế chính trị của mình và ông nhận thấy có rất ít khả năng thỏa hiệp về các vấn đề chính sách đối ngoại.

Gần 1.300 năm trước, nhà sư Ganjin đã đặt chân lên đất Nhật Bản trong chuyến đi thứ lần thứ 6. Rõ ràng là ông Tập Cận Bình không có niềm đam mê như nhà sư Ganjin đã từng có để đến thăm Nhật Bản.

(theo Nikkei Asia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-hieu-cho-thay-quan-he-trung-nhat-dang-dan-nguoi-lanh-131629.html