Dấu hiệu cảnh báo bạn bị sốt rét

Sốt rét biểu hiện với các cơn sốt, sau đó rét run toàn thân, thay đổi thân nhiệt, thở nhanh, khát nước...

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo sốt rét do tác nhân ký sinh trùng sốt rét Plasmodium gây ra.

Sốt rét thể thông thường có thể biểu hiện với các cơn sốt, sau đó xuất hiện những đợt rét run toàn thân, môi tái, mắt quầng, nổi da gà, thay đổi thân nhiệt, thở nhanh, đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng gan lách...

Sốt rét thể biến chứng, ác tính có dấu hiệu nổi bật là rối loạn ý thức, li bì hoặc vật vã, sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, co giật kiểu động kinh, suy hô hấp. Bệnh nhân có thể bị suy thận, tiểu ít hoặc vô niệu, urê huyết cao, tiểu ra máu do tan máu ồ ạt... Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính thể não 20-50%.

Với thể ký sinh trùng lạnh, tức người lành mang trùng, xét nghiệm máu cho thấy có hiện diện ký sinh trùng nhưng không gây sốt, người bệnh vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Trường hợp này hay gặp trong điều tra tại vùng sốt rét lưu hành. Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ bị biến chứng hoặc sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ có thể mắc sốt rét bẩm sinh khi mẹ mang thai nhiễm sốt rét, có tổn thương tế bào rau thai ngăn cách giữa máu mẹ và con. Bệnh xuất hiện sớm ngay sau trẻ chào đời, bé thường quấy khóc, sốt, vàng da, gan lách to.

Một bé 5 tháng tuổi và một bé 3 tuổi ngụ Đăk Nông vừa được ghi nhận mắc sốt rét và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sau nhiều năm bệnh ít xuất hiện ở trẻ Việt. Các cháu liên tiếp nhập viện gây nên lo ngại dịch có thể bùng phát trở lại.

Bệnh sốt rét chủ yếu do muỗi anophen truyền, có liên quan chặt chẽ với môi trường và điều kiện kinh tế xã hội. Trên thế giới có khoảng 422 loài muỗi anophen nhưng chỉ có khoảng 70 loài truyền bệnh sốt rét, trong đó 40 loài muỗi truyền bệnh chính. Ở Việt Nam có 15 loài anophen truyền bệnh. Bệnh sốt rét phát triển quanh năm. Các tỉnh rừng núi miền Bắc có hai đỉnh bệnh vào đầu và cuối mùa mưa. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sốt rét phát triển cao trong suốt mùa mưa.

Trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội thấp, phong tục tập quán lạc hậu, tập quán canh tác làm nương rẫy và ngủ qua đêm trên nương rẫy, trong rừng, dân di cư tự do vào vùng sốt rét... đều là những yếu tố làm gia tăng bệnh sốt rét.

Sốt rét ít xuất hiện nên bác sĩ có thể bỏ sót các dấu hiệu bệnh và không chỉ định xét nghiệm tìm ký sinh trùng. Ảnh: cdn

Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu. Có bốn phương thức lây truyền là từ muỗi đốt, truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét, mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương, bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét. Miễn dịch sốt rét không đầy đủ và ngắn, do vậy có thể bị tái nhiễm ngay. Không có miễn dịch chéo nên một người có thể nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét.

Khi nghi ngờ sốt rét, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Phòng bệnh bằng cách ngủ mùng và diệt muỗi, diệt bọ gậy... Các nước có bệnh sốt rét đang lưu hành thì những người vào vùng sốt rét ngắn ngày, phụ nữ có thai ở vùng sốt rét, người mới đến định cư tại vùng sốt rét... đều được uống thuốc dự phòng. Ở Việt Nam hiện nay do bệnh sốt rét đã giảm mạnh nên không khuyến cáo uống thuốc phòng mà chỉ điều trị khi có bệnh.

Thực tế các tỉnh miền Nam Việt Nam đang xuất hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc do lây nhiễm từ biên giới phía tây Campuchia. Năm 2016, Việt Nam có 4.000 ca sốt rét, giảm 52% so với năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030.

Theo P.V (VNE)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/y-te/dau-hieu-canh-bao-ban-bi-sot-ret-824162.html