Dấu hiệu bất thường trong việc tách một vụ án thành hai vụ án

Việc tách, nhập vụ án là quyết định của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo việc giải quyết đúng pháp luật, trình tự tố tụng song vẫn đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều quyết định tách hoặc nhập vụ án đã gây tranh cãi, tốn nhiều giấy mực… do có một số dấu hiệu 'tiếp tay' cho nguyên đơn hoặc bị đơn tẩu tán tài sản… Quyết định tách vụ án dưới đây là một ví dụ.

Ngôi nhà 2 tầng, rộng 285,7m2, vị trí mặt tiền đường Quang Trung, thị trấn Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) nhưng định giá chỉ 2,7 tỷ đồng.

Ngôi nhà 2 tầng, rộng 285,7m2, vị trí mặt tiền đường Quang Trung, thị trấn Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) nhưng định giá chỉ 2,7 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình làm ăn, vợ chồng ông Huỳnh Thanh Dũng-Phan Thị Cúc (trú khu phố Hòa Đông, thị trấn Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) có vay mượn của một số người, gồm: bà Lê Thị Tuyết Lê (1964, trú khu phố Phước Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, H. Đại Lộc), Lê Thị Tuyết Mai (1966, trú 40 Đào Duy Anh, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng), Trương Thị Nguyệt (1964, trú xã Đại Hòa, H. Đại Lộc)… số tiền gần 13 tỷ đồng. Do mất khả năng chi trả, các chủ nợ đã khởi kiện vợ chồng ông Dũng- bà Cúc ra tòa.

Qua hòa giải, ngày 10-10-2019 TAND H. Đại Lộc ra Quyết định số 39 về việc công nhận hòa giải thành. Theo đó, vợ chồng ông Dũng- bà Cúc có nghĩa vụ thanh toán số tiền gần 13 tỷ đồng cho các nguyên đơn và tài sản đảm bảo thi hành là ngôi nhà 2 tầng mặt tiền đường Quang Trung, khu phố Hòa Đông, thị trấn Ái Nghĩa có diện tích 285,7m2, 9 ha rừng tại xã Đại Nghĩa (H. Đại Lộc). Tuy nhiên, vợ chồng ông Dũng- bà Cúc cố tình chây ì, trốn tránh nghĩa vụ thanh toán, tẩu tán tài sản…

Để thu hồi tài sản của mình, các bà Lê, Mai, Nguyệt gửi đơn khởi kiện, yêu cầu TAND H. Đại Lộc "xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung để thi hành án" và được TAND H. Đại Lộc ra Quyết định thụ lý số 20 ngày 19-2-2020. Trong quá trình giải quyết vụ án trên, Thẩm phán Nguyễn Thị Ái Linh đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, như: yêu cầu nguyên đơn nộp 56 triệu đồng dự phí án phí, ngày 27-7-2020 yêu cầu nguyên đơn tạm ứng tiền chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 5 triệu đồng, xác định ngân hàng BIDV chi nhánh Hội An là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (vì vợ chồng ông Dũng- bà Cúc thế chấp ngôi nhà 2 tầng mặt tiền đường Quang Trung vay 2,5 tỷ đồng)…

7 tháng sau (ngày 17-9-2020) BIDV chi nhánh Hội An khởi kiện vụ án dân sự "tranh chấp hợp đồng tín dụng", yêu cầu vợ chồng ông Dũng- bà Cúc thanh toán khoảng nợ gốc, lãi vay số tiền hơn 2 tỷ đồng. Như vậy, trong khoảng thời gian này vụ án dân sự "xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung để thi hành án" vẫn được tòa án thụ lý, giải quyết một cách bình thường. Bất ngờ, ngày 10-12-2020 TAND H. Đại Lộc ban hành quyết định tách vụ án "xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung để thi hành án" thành 2 vụ án dân sự riêng lẻ, gồm: "tranh chấp hợp đồng tín dụng" do BIDV chi nhánh Hội An làm nguyên đơn và "xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung để thi hành án" để giải quyết độc lập theo yêu cầu của nguyên đơn.

Tuy nhiên, quyết định tách vụ án này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các nguyên đơn trong vụ án dân sự "xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung để thi hành án" và gây dư luận xấu trong xã hội. Cụ thể, 2 bà Lê Thị Tuyết Lê, Lê Thị Tuyết Mai yêu cầu tòa án xác định tư cách của họ trong vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa BIDV Hội An và vợ chồng ông Dũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì cả hai bên có chung 1 tài sản đảm bảo thi hành án là ngôi nhà mặt tiền đường Quang Trung, thị trấn Ái Nghĩa của vợ chồng ông Dũng. Yêu cầu trên không được tòa án đồng ý và cho rằng việc tách, giải quyết thành hai vụ án riêng lẻ không gây thiệt hại cho các bên nguyên đơn. Câu trả lời trên cũng không nhận được sự đồng tình của dư luận.

Cụ thể, về nguyên tắc khi bán tài sản phục vụ cho việc thi hành án phải ưu tiên thanh toán cho ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khi thanh toán đầy đủ cho ngân hàng, khoản còn thừa được chia đều cho các đối tượng còn lại và khi tổ chức bán đấu giá tài sản phải ưu tiên cho người thân của đối tượng bị thi hành án hoặc những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được quyền mua lại tài sản. Trong trường hợp này, với kết quả định giá ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Dũng được định với giá 2,7 tỷ đồng (thấp hơn với giá do Nhà nước quy định) nhưng ưu tiên cho con trai hoặc con gái của vợ chồng ông Dũng mua thì những chủ nợ như bà Lê, bà Mai… sẽ không còn tiền để nhận. Điều này đồng nghĩa mọi công sức, tiền bạc đổ ra để theo đuổi việc kiện tụng nhằm mục đích thu hồi tài sản sẽ trở về với con số…0.

Như vậy, việc TAND H. Đại Lộc ban hành quyết định tách vụ án "tranh chấp hợp đồng tín dụng" của BIDV Hội An và vụ án "xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung để thi hành án" của bà Lê Thị Tuyết Lê, Lê Thị Tuyết Mai nhằm mục đích thu hồi nợ đối với vợ chồng ông Huỳnh Thanh Dũng- Phan Thị Cúc là thiếu tính logic và căn cứ pháp luật. Ngoài ra còn vô tình tạo điều kiện cho vợ chồng ông Dũng trốn tránh trách nhiệm thi hành án. Điều đó, ngoài việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án mà còn gây dư luận xấu trong xã hội…

P.M

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_244339_dau-hieu-bat-thuong-trong-viec-tach-mot-vu-an-thanh-hai-vu-an.aspx