Đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn đang bị hạn chế dù mang lại lợi ích lớn

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một nội dung mang tính đột phá của Luật Khoáng sản năm 2010, lẽ ra sẽ làm thị trường khai khoáng trở nên minh bạch hơn, tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên thực tiễn triển khai hầu như không mang lại kết quả gì.

Tình trạng cấp phép khai khoáng hiện nay vẫn chủ yếu là cơ chế “xin-cho”, không phải đấu giá như quy định của pháp luật. Ảnh: QN

Yêu cầu đấu giá nhưng tiêu chí khoanh định khu vực không rõ

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trong tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do bộ này cấp, chiếm tỷ lệ 1,4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394/4.279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá (9,2%). Có thể thấy, đây là những tỷ lệ rất thấp.

Trong một văn bản gửi góp ý trước khi sửa đổi luật này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Nếu các mỏ đã được cấp phép mà mang đấu giá thì kết quả sẽ hoàn toàn khác. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ TN-MT cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Bộ TN-MT giải thích: “Một phần nguyên nhân của thực trạng vẫn không đấu giá quyền khai khoáng vì Điều 78 của Luật Khoáng sản đã không quy định rõ tiêu chí khoanh định khu vực đấu giá và khu vực không đấu giá, mà giao Chính phủ quy định chi tiết”. Điều này dẫn đến tình trạng các tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng và thực tế cho thấy đại đa số các mỏ khoáng sản được xếp vào diện không đấu giá.

Với bất cập này, VCCI đề nghị sửa đổi Luật Khoáng sản lần này cần tập trung vào việc làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay trong luật. Định hướng là mở rộng tối đa các trường hợp bắt buộc phải đấu giá, các trường hợp không đấu giá chỉ nên áp dụng rất hạn chế.

Quyền tài sản đối với quyền khai khoáng không được bảo đảm

Qua 10 năm, VCCI nhận được ý kiến của nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản không được pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ, mặc dù họ đã phải nộp một số tiền để được cấp quyền khai thác rất lớn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp thường sử dụng quyền khai thác khoáng sản đã được cấp làm tài sản bảo đảm để huy động vốn đầu tư xây dựng công trình mỏ. Đây cũng là thông lệ quốc tế về thực tiễn kinh doanh trong ngành khoáng sản tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Song thời gian qua, tại Việt Nam, khi doanh nghiệp muốn thế chấp quyền khai thác khoáng sản để vay vốn đầu tư mỏ thì gặp khó khăn. Lý do được đưa ra là vì Luật Khoáng sản không đề cập đến việc bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả quyền thế chấp) đối với quyền khai thác khoáng sản.

VCCI cho rằng việc tuyên bố rõ ràng và bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp (nhất là việc thế chấp để vay vốn trong giai đoạn ngay sau cấp phép) sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Thêm vào đó sẽ có thêm nguồn lực để xây dựng công trình mỏ an toàn, hiện đại, giúp giảm tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và nâng cao khả năng khai thác triệt để nguồn lợi khoáng sản.

Do đó, VCCI kiến nghị bổ sung thêm các quy định về bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quyền của mình, phát triển sản xuất kinh doanh.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dau-gia-quyen-khai-thac-khoang-san-van-dang-bi-han-che-du-mang-lai-loi-ich-lon/