Đấu giá nợ xấu vẫn chậm

Chỉ trong thời gian ngắn, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) liên tiếp phát đi thông báo đấu giá các khoản nợ xấu, tuy nhiên tiến trình xử lý nợ xấu hiện nay vẫn chậm và nhiều bất cập.

Ảnh minh họa.

Lựa chọn hướng đi đấu giá tài sản

Mới đây nhất, vào ngày cuối cùng của tháng 8, VAMC thông báo đấu giá các khoản của Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú (Hà Nội) vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Sở Giao dịch với mức giá khởi diểm hơn 220 tỷ đồng.

Công ty này cũng tiếp tục đấu giá lần 2 khoản nợ xấu Công ty CP Việt Toàn (tỉnh Thái Bình) với mức giá khởi điểm 9,8 tỷ đồng. Đấu giá tài sản đảm bảo khoản nợ của Công ty TNHH Thành Phố Vàng của Agribank bán cho VAMC là quyền sử dụng đất 7.851,2 m2 (P.Phú Hữu, Q.9, TP HCM) với giá khởi điểm 76,3 tỷ đồng…

Thời gian qua, VAMC đã thực hiện một số vụ thu giữ tài sản đảm bảo và bán lại điển hình: Dự án Sài Gòn One Tower, hay tài sản bảo đảm của Công ty cổ phầnThép Tân Quốc Duy (bảo đảm cho khoản nợ của Công ty Thuận Kiều, tại Đường Kha Vạn Cân, Dĩ An, Bình Dương).

Thống kê của VAMC cho biết, tính đến ngày 15/8, VAMC đã thu hồi gần 100 nghìn tỷ đồng trên tổng số 227 nghìn tỷ đồng nợ gốc mà công ty đã mua và đang quản lý. Trong số gần 100 nghìn tỷ đồng nợ thu hồi nói trên thì có 48 nghìn tỷ thu năm 2017, phần còn lại thu từ đầu năm 2018 đến nay.

VAMC không chỉ đơn thuần thực hiện việc gom nợ xấu tại các TCTD mà dần chuyển sang mua bán nợ theo giá thị trường và nỗ lực tổ chức các phiên đấu giá. Song việc tổ chức đấu giá có thành công hay không cũng rất khó đoán định.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Có thể thấy việc mua bán nợ xấu tiến triển thuận lợi hơn, nhưng thị trường cũng muôn hình vạn trạng. Đấu giá tài sản hay khoản nợ thì cũng có cái dễ, có cái khó, bởi phụ thuộc nhiều yếu tố từ thị trường, chất lượng khoản nợ ra sao, giá cả thế nào… Có những khoản nợ xấu chỉ đấu giá 1 lần, có những khoản nợ xấu phải đấu giá đến nhiều lần.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, rất cần khuôn khổ pháp lý để hình thành thị trường nợ xấu, đó phải là một sàn giao dịch mua bán nợ. Ở thị trường đó có nơi đấu giá mua bán nợ, tất cả những thông tin về khoản nợ đều phải minh bạch: Nợ ở đâu, thuộc loại hình nào, giá trị nguyên thủy của nó là bao nhiêu, giá trị thị trường là như thế nào… Các bên sẽ trao đổi mua bán các khoản nợ này thông qua đấu giá.

Phía VAMC cũng thừa nhận rằng, tiến trình xử lý nợ xấu hiện nay cũng vướng khá nhiều bất cập.

Các tài sản đảm bảo là bất động sản dở dang khi VAMC thu giữ hoặc bán chuyển cho chủ đầu tư mới còn vướng mắc về phía hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khiến các chủ đầu tư mới chưa thể triển khai vì ở mỗi địa phương lại có cách hiểu, cách làm khác nhau. Có nơi thì cho chuyển giao, có nơi thì nói là “chưa có hướng dẫn”.

Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cũng cho hay hiện nay sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan, cách ứng xử đối với vấn đề xử lý nợ xấu vẫn “còn ở mức độ khác nhau”.

“Có những vụ như Công ty Diệp Bạch Dương (TP HCM) dư nợ gần 3.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhiều lần chỉ đạo nhưng khách hàng không những không bàn giao tài sản bảo đảm mà có dấu hiệu tẩu tán tài sản thế chấp làm tăng nguy cơ thất thoát nhưng chưa được các cơ quan phụ trách giải quyết”; ông Trịnh Ngọc Khánh cho hay.

Trong khi đó, việc áp dụng thủ tục rút gọn khi tranh chấp về nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm, theo lãnh đạo Agribank, còn chưa nhiều. Với 3.166 vụ tranh chấp dân sự của Agribank tại tòa án, mới 2 vụ áp dụng thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, có nhiều tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự nhận được nhiều quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, chưa có văn bản pháp luật nào phân tích cụ thể. Agribank thực sự lúng túng chưa có hướng giải quyết đối với việc phát mại một tài sản bảo đảm trị giá hơn 500 tỷ đồng bằng hình thức trả chậm 20 năm nhưng phải trả trước 40 tỷ đồng tiền thuế, làm tăng nguy cơ thất thoát.

Tại cuộc hội nghị sơ kết 1 năm về Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu vừa diễn ra, ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch VAMC, đề xuất VAMC cần có thêm nguồn lực về vốn và nhân lực. Cụ thể trong năm 2017, VAMC đã thực hiện mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2018, dự kiến sẽ mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu, nhưng đến nay, các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC là khoảng 20.000 tỷ đồng. Như vậy với vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỷ đồng, rất khó để mua được các khoản nợ này.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/dau-gia-no-xau-van-cham-tintuc414516