Đau đớn và bất lực khi chứng kiến thảm kịch của Ấn Độ từ xa

Với những người Ấn Độ sống ở nước ngoài, họ trải qua những ngày 'ngồi trên đống lửa' khi gia đình mắc kẹt lại, còn số ca tử vong vì Covid-19 vẫn đang tăng kỷ lục ở quê nhà.

Từ Atlanta (bang Georgia, Mỹ), Samir cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh ở quê nhà Gujarat (Ấn Độ) - cách nơi anh sống 13.000 km - mỗi ngày. Đợt vỡ trận Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến thành phố.

“Cả gia đình người bác tôi đều nhiễm Covid-19 dù tất cả đã tiêm ít nhất một mũi vaccine”, Samir kể với BBC.

Cả 3 thành viên trong nhà cố tránh đến bệnh viện vì biết hệ thống y tế đã quá tải. Nhưng cuối cùng, tất cả vẫn phải nhập viện ở 3 nơi khác nhau.

 Đợt bùng dịch mới với số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục tại Ấn Độ đã mang đến nhiều tổn thương tinh thần cho người dân trong nước lẫn những người đang sống xa quê. Ảnh: Reuters.

Đợt bùng dịch mới với số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục tại Ấn Độ đã mang đến nhiều tổn thương tinh thần cho người dân trong nước lẫn những người đang sống xa quê. Ảnh: Reuters.

Samir nói những gì xảy ra tiếp theo giống như “cảnh trong phim kinh dị".

Người bác mất vào cuối tháng 4. Hai tuần trước, cô con dâu đang mang thai 7 tháng cũng qua đời.

Theo ước tính của Cục Điều tra Dân số Ấn Độ, có khoảng 18 triệu người dân nước này đang sinh sống ở nước ngoài. Vài tuần qua là khoảng thời gian xen lẫn giữa đau đớn và bất lực khi họ chứng kiến quê hương vỡ trận vì đại dich, người thân mắc kẹt lại.

Ngồi trên đống lửa

“Ở xa, chúng tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài cố vận dụng mọi mối quan hệ ở quê nhà để giúp người thân sớm được chăm sóc, có máy thở hỗ trợ. Khi đang vẫn nỗ lực tìm cách, chúng tôi đã hay tin người cháu dâu không qua khỏi”, Samir nói.

Người bác gái hiện vẫn nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Từ xa, vợ chồng Samir tiếp tục cầu nguyện cho sự an toàn của gia đình.

“Trải qua câu chuyện này là một cảm giác thật sự đau lòng”, người đàn ông nói.

Với những người đang có người thân mắc kẹt ở Ấn Độ, cảm giác không khác nào "ngồi trên đống lửa". Ảnh: Getty.

Pooja (29 tuổi) làm việc tại bang New Jersey (Mỹ), bay về tỉnh Hyderabad vào giữa tháng 4 khi hay tin cha mẹ và chị gái của cô đều bị nhiễm bệnh.

“Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về bất cứ rủi ro nào như mất việc làm, mất thị thực ở Mỹ. Tôi đã nghe về những người mắc kẹt ở nước ngoài và không thể gặp lại cha mẹ lần cuối”, Pooja nói.

Trong hơn 2 tuần quay về, cô gái đảm nhận mọi việc chăm sóc cho người nhà, đi khắp nơi kiếm thuốc men khi cơn sốt của người cha không thuyên giảm sau 10 ngày.

Gia đình cô cuối cùng đã bình phục và Pooja kịp trở về Mỹ chỉ vài ngày trước khi lệnh cấm nhập cảnh có hiệu lực.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ ngày càng tồi tệ hơn. “Nhìn thấy bạn bè lên mạng khẩn khoản xin trợ giúp xe cấp cứu, bình oxy là cảm giác đè nặng trong lòng”, cô cho hay.

Bác sĩ nội trú Ruchika Talwar (28 tuổi) hiện sống ở bang Pennsylvania (Mỹ) đang đứng lên vận đồng cộng đồng người Mỹ gốc Ấn tiếp tế bình oxy đến Ấn Độ.

Khi số ca tử vong ở quê nhà ngày sau lại cao hơn ngày trước, Talwar và mẹ cô đã liên kết với các bạn học cũ ở trường y tại New Delhi.

Cộng đồng người Ấn Độ ở Mỹ đang nỗ lực tìm cách tiếp tế bình oxy về quê nhà. Ảnh: BBC.

Sau khi Talwar kêu gọi trên mạng xã hội, cuộc gây quỹ đã lan truyền mạnh mẽ. Sau vài tuần, số tiền quyên góp lên tới 90.000 USD và 200 bình oxy được gửi đến 5 thành phố ở Ấn Độ.

Theo Talwar, khi chứng kiến cuộc khủng hoảng diễn ra ở quê nhà, cô thấy mâu thuẫn với chính mình.

Với tư cách là một bác sĩ, cô đã chăm sóc cho nhiều bệnh nhân Mỹ khi dịch bệnh tấn công vào xứ cờ hoa đầu năm 2020. Giờ, tình hình dịch bệnh đang giảm đi ở Mỹ và người dân dần lạc quan hơn - điều hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra thảm khốc ở Ấn Độ.

Những người Ấn xa quê một mặt thấy cuộc sống của họ đang bắt đầu trở lại bình thường, một mặt bị bủa vây bởi những tin tức diễn tả sự chết chóc ở Ấn Độ xuất hiện mỗi ngày.

Chồng sắp cưới của cô đã mất 3 người thân trong thời gian ngắn. Một số anh chị em họ, chú và dì của Talwar đang bị ốm ở nhà, không thể đến bệnh viện để nằm thở oxy. Cô nói thêm rằng bản thân rất bực bội khi chứng kiến tình trạng thừa vaccine ở Mỹ, trong khi ở Ấn Độ, nguồn cung lại khan hiếm.

"Thật đau đớn và bạn luôn ước mình có thể làm được nhiều hơn thế".

"Chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau"

Ở nước láng giềng Canada, người nhập cư Ấn Độ cũng phải đối mặt với những cảm giác khó khăn tương tự. Những ngày này, Ashwani Aggarwal tạm gác công việc trong lĩnh vực truyền thông của mình để tìm cách giúp đỡ người dân ở quê hương.

Chứng kiến đợt vỡ trận Covid-19 từ xa, người Ấn Độ ở nước ngoài cầu nguyện cho người thân của họ sớm an toàn. Ảnh: Getty.

Thông qua Hiệp hội My Indians in Canada do anh sáng lập với 125 gia đình người nước ngoài khác, Aggarwal hiện cố gắng quyên góp tiền để mua 100 bình oxy, cũng như thuốc men và hàng tạp hóa chuyển về cho cư dân ở New Delhi và Chandigarh.

"Hôm trước, một anh chàng ở Toronto gọi cho tôi để nói rằng cha mẹ anh ta đang mắc Covid-19 ở Chandigarh. Sau khi tìm được nơi còn bình oxy, tôi gọi lại nhưng anh ấy bảo người bố đã mất. Trái tim tôi như vụn vỡ khi nghe điều đó", Ashwani nhớ lại.

Vừa qua, Nimarta Narang lần đầu tham dự một đám tang trực tuyến.

"Cách nửa vòng Trái Đất, tôi nhìn thấy một cảnh tang thương hiển thị trên màn hình. Các thành viên trong gia đình khóc lóc, dựa vào nhau. Còn bạn ngồi trước máy tính và thấy tuyệt vọng. Khi nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy run rẩy, sợ hãi".

Cô gái 26 tuổi sống ở Mỹ suốt 6 năm qua. Khi cả cô chú của Nimarta đều chết vì Covid-19, việc về dự tang lễ là không thể vì lệnh cấm đi lại.

Tuần trước, cô và bạn quyên góp 50 USD cho một trung tâm đang vận chuyển, tiếp tế bình oxy đến Ấn Độ. Sau đó, Nimarta tiếp tục kêu gọi ủng hộ trên mạng xã hội.

Nimarta cho biết thêm mặc dù một số người bạn Mỹ của cô chưa hiểu hết về "mức độ tàn phá khủng khiếp của làn sóng dịch lần này lên Ấn Độ", nhiều người vẫn sẵn lòng giúp đỡ.

"Những nỗ lực gây quỹ từ xa đang tạo ra tác động. Ngay cả trong thời điểm khủng hoảng như này, chúng tôi vẫn có sức mạnh để sát cánh bên nhau", cô nói.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-don-va-bat-luc-khi-chung-kien-tham-kich-cua-an-do-tu-xa-post1213557.html