Đau đầu với nạn tin giả

Ngày 28/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), trong khuôn khổ Đại Hội đồng đang nhóm họp, 20 quốc gia đã ký một thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự lan truyền trực tuyến tin giả (Fake news). Tới thời điểm này của năm 2019, các chiến dịch thông tin sai lệch đã diễn ra ở ít nhất 70 quốc gia, so với 28 quốc gia trong năm 2018.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các bên ký kết - trong đó có Pháp, Ấn Độ, Nam Phi, Canada - cam kết quảng bá thông tin “được báo cáo độc lập, đa dạng và đáng tin cậy” trên internet. Thỏa thuận này nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà cung cấp internet trong việc thúc đẩy nội dung để thoát khỏi “sự hỗn loạn thông tin” hiện tại.

Trang Engadget dẫn lời “những phát ngôn đáng tin cậy” rằng thông tin sai lệch là mối đe dọa lớn đối với các công ty công nghệ, xã hội, thậm chí cả nền dân chủ - và nó “càng ngày càng trở nên tồi tệ”. Đặc biệt, tính từ đầu năm đến nay, các chiến dịch thông tin sai lệch đã diễn ra ở ít nhất 70 quốc gia. Báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Internet Oxford tại Trường Đại học Oxford cho biết, mức độ phổ biến của vấn đề thông tin và tuyên truyền sai lệch dựa trên internet đã trở nên phổ biến đến mức “thật khó biết đâu là thật, đâu là giả”.

Cách đây 5 ngày, trong một nỗ lực ngăn chặn tin giả, mạng xã hội Twitter đã đóng cửa hàng ngàn tài khoản trên toàn thế giới vì phát tán thông tin sai lệch, trong đó có những thông tin liên quan đến điểm nóng Arab Saudi. Tháng trước, Facebook cũng đã xóa các tài khoản giả ở Ai Cập, Arab Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vì đăng thông tin sai lệch. Một nguồn tin cho biết, trong vòng 9 tháng qua, Facebook đã đóng cửa hơn 2 tỉ tài khoản giả - một con số khổng lồ cho thấy nạn tin giả lây lan khủng khiếp đến mức độ nào.

Tờ Washington Post cũng mới công bố một nghiên cứu về 100.000 hình ảnh chính trị được chia sẻ trên ứng dụng WhatsApp ở Brazil trong cuộc bầu cử năm 2018, cho thấy hơn một nửa có thông tin sai lệch hoặc sai lệch.

Cuộc chiến chống tin giả được coi là “mặt trận mới nóng bỏng” của nhiều quốc gia trên thế giới, tuy rằng “cuộc chiến đó còn thiếu liên kết”- nói như một đại diện của Facebook. Tuy nhiên cũng cần ghi nhận nỗ lực của không ít quốc gia. Ví dụ như ở Sigapore, đối phó với tin giả, các nhà lập pháp nước này đã thông qua dự luật phạt tù 10 năm và phạt tiền lên tới 1 triệu SGD đối với tội phát tán tin không chính xác trên mạng. Còn Indonesia đã thiết lập “Phòng chiến tranh mạng” 24 giờ trước cuộc bầu cử năm 2019 để chống lại những trò lừa bịp và tin giả. Ngày 1/11 tới đây, Bộ Kinh tế số và Xã hội Thái Lan mở cửa Trung tâm chống tin giả, tập trung vào 4 lĩnh vực mà tin sai lệch có thể tác động đến công chúng, gồm: Thảm họa thiên nhiên (như lụt lội, động đất, vỡ đập và sóng thần); nền kinh tế, lĩnh vực tài chính và ngân hàng; các sản phẩm y tế, các mặt hàng nguy hiểm và các hàng hóa phi pháp; cuối cùng là các chính sách- theo trang The Phuket News.

Cuộc chiến chống tin giả được cho là “bùng phát mạnh mẽ” kể từ đầu tháng 4/2019, khi Singapore kích hoạt cuộc chiến này trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn như Facebook, Twitter và Google bị chỉ trích vì ngăn chặn tin giả chưa hiệu quả. Cuộc chiến này mang tên “Đạo luật chống tin giả và thao túng trên mạng”, nó cho phép Chính phủ ra lệnh gỡ bỏ những nội dung không chính xác đăng tải trên các mạng xã hội, tổ chức truyền thông hoặc cá nhân. Theo tờ The Straits Times (Singapore), trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, những người truyền bá thông tin sai lệch trên mạng có mục đích gây tổn hại đến lợi ích công có thể đối mặt án tù lên đến 10 năm và bị phạt 738.500 USD.

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của các biện pháp ngăn chặn tin giả. Theo bà Claire Wardle- người đồng sáng lập Tổ chức Nghiên cứu tin giả First Draft (Mỹ), khó khăn lớn nhất trong việc loại trừ tin giả chính là những thông tin “không thể kiểm chứng” trước các cuộc bầu cử, nhất là ở châu Á khi mà ở châu lục này số lượng người sử dụng mạng xã hội cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác. “Vì thế, chúng ta hãy một lần nữa hy vọng khi mà 20 quốc gia đã ký một thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự lan truyền tin giả trên mạng xã hội, trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế tại Liên hợp quốc”- bà Claire Wardle nói.

Thế Tuấn (Theo RT, CBS News, CNN)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/dau-dau-voi-nan-tin-gia-tintuc448548