Đau đáu dạy học 2 buổi/ngày

Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai từ năm 2020, nhiều quận, huyện tại TP HCM oằn mình dạy 2 buổi/ngày vì không đủ trường lớp

Hiện nay, nhiều quận, huyện đã công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2019-2020 vì vẫn phải bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh (HS) trong độ tuổi đến trường, trong khi điều kiện thực hiện chương trình phổ thông mới phải là dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hệ thống trường, lớp hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ, vì thế nhiều nơi chỉ có thể ưu tiên "chế độ 2 buổi" cho toàn bộ HS vào lớp 1.

Chỉ lớp 1 được ưu tiên

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, trung bình mỗi năm TP tăng khoảng 15.000 HS không có hộ khẩu tại TP. Con số tăng cao này kéo theo một loạt yếu tố khó khăn đi kèm. Một trong những hệ quả ảnh hưởng là áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt quá cao so với chuẩn. Trong khi điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số không vượt quá 35 HS/lớp nhưng tại TP HCM, đó là con số trong mơ ước. Ở nhiều quận, huyện sĩ số trung bình là 45-48 HS/lớp. Thậm chí, nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng phải phá chuẩn vì sĩ số. Ngoài ra, HS tăng, kéo theo tỉ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày ở các quận, huyện giảm. Nhiều nơi chỉ có thể dành ưu tiên cho HS lớp 1, ở các khối lớp khác thì lớp được, lớp không.

Nhiều quận chỉ có khả năng dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1Ảnh: Tấn Thạnh

Nhiều quận chỉ có khả năng dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1Ảnh: Tấn Thạnh

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, chủ trương của quận và ngành GD-ĐT quận cho đến thời điểm này là tập trung ưu tiên trường, lớp để bảo đảm cho 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày; sau đó giảm dần ở các năm tiếp theo, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.

Theo kế hoạch tuyển sinh tại quận Tân Phú, quận cố gắng tiếp tục duy trì số lớp bán trú, lớp học 2 buổi/ngày so với năm học trước. Trong đó, thực hiện tuyển sinh 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày tại 4 trường tiểu học: Âu Cơ, Hồ Văn Cường, Tân Hương và Tân Sơn Nhì. Riêng ở bậc THCS, thực hiện tuyển sinh 100% HS lớp 6 học 2 buổi/ngày tại 2 trường THCS là Hùng Vương, Tôn Thất Tùng.

Tại TP HCM có 5 quận, huyện hằng năm luôn nằm trong tình trạng điểm nóng về tuyển sinh, đó là các quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp và quận 12. Đây là những quận có tỉ lệ dân nhập cư mỗi năm một tăng. Áp lực số HS tăng dần qua các năm, trong khi hệ thống trường lớp không theo kịp…

Tính lại bài toán đầu tư trường lớp

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, số HS tăng hằng năm kéo theo các điều kiện như sân chơi, bãi tập, thư viện… đều eo hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trường học, ngành GD-ĐT TP đã nhiều lần đề nghị với Bộ GD-ĐT có ý kiến với Bộ Xây dựng cho phép TP thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án một, giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng. Tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, bảo đảm đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân TP trong độ tuổi đi học.

Dù đề xuất kiến nghị là thế nhưng việc cân đối quỹ đất ở TP HCM là rất khó khả thi, bởi còn rất nhiều vướng mắc. Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, năm học mới quận 12 chỉ có 1 trường mầm non, 1 trường THCS được xây mới. Dù thế, cũng chẳng thấm vào đâu so với số HS tại quận.

Một chuyên gia giáo dục nói có thực tế lâu nay là đầu tư trường học tại TP HCM đang có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các bậc học. Ở lĩnh vực đầu tư công, riêng trong năm học 2019-2020, TP có 4 trường THPT mới song quy mô tuyển sinh lớp 10 lại giảm hằng năm theo chủ trương phân luồng HS sau THCS của TP. Trong khi đó, ở khối các trường tiểu học, THCS, con số được xây mới hằng năm chỉ nhỏ giọt. Còn ở khối đầu tư tư nhân, hiện nay cũng rất ít nhà đầu tư chịu đầu tư xây trường tiểu học nhưng các trường THPT ngoài công lập lại phủ sóng ở tất cả các quận, huyện dù lượng HS đã bão hòa khiến các trường hằng năm tuyển sinh chật vật. "Đã đến lúc cần tính lại bài toán đầu tư trường, lớp và khuyến khích, ưu đãi khối tư nhân đầu tư vào giáo dục ở các bậc học thấp hơn trong điều kiện khó khăn về quỹ đất và các trường công phải gồng mình gánh vác" - vị này cho biết.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dau-dau-day-hoc-2-buoi-ngay-20190519213636116.htm