Đâu cứ phải chung giường là hàn gắn được hôn nhân?

Có những cuộc hôn nhân dù đã 'tan đàn xẻ nghé' khi 2 vợ chồng ly thân thậm chí là ly hôn nhưng do nhiều ràng buộc họ vẫn 'qua lại' với nhau.

Sau những lần “thân mật” không phải mái ấm nào cũng được hàn gắn…Phải chăng đằng sau những câu chuyện đó là cha mẹ "đóng kịch" hạnh phúc với con hay thẳng thắn thừa nhận hôn nhân đã tan vỡ? Để con không bị tổn thương sau sự cố ly hôn của cha mẹ, người lớn cần ứng xử…

Muôn vàn lý do ly hôn

Trong một lần đi thực tế tại Huyện Đan Phượng, tiếp xúc với thẩm phán Tuyết (TAND huyện Đan Phượng) tôi được nghe chị kể về những vụ án ly hôn bi hài. Chị Tuyết có kể cho tôi nghe về câu chuyện của đôi vợ chồng sau khi làm xong thủ tục ly hôn người vợ quay lại tâm sự với chị. Theo lời của chị tâm sự hai vợ chồng họ có chung với nhau 3 mặt con. Ngày còn nghèo khó vợ chồng chăm chỉ làm ăn. Chồng chị con nhà “đại gia” trong vùng nhưng anh rất chịu lam lũ. Cưới nhau ra ăn riêng bố mẹ cho vài sào ruộng, anh chị mở trang trại vườn ao chuồng và anh kinh doanh thêm vật tư nông nghiệp và thuốc thú ý. Nhờ thế, kinh tế gia đình cải thiện nhanh. Vốn tính tiết kiệm, có tiền anh chị lại mua vàng. Vàng tăng giá điên đảo nên anh chị dần giàu hơn, có của ăn của để. Lúc này, vợ chồng chị Tuyết mua một mảnh đất gần nội thành hơn với hi vọng cho con cái trở thành người thành phố.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng nhà cửa mới, vợ chồng chị Mai (người phụ nữ trong câu chuyện của thẩm phán Tuyết) thường xuyên cãi nhau. Chị Mai tính hay ghen tuông nghi ngờ chồng có người này, người khác. Chị sinh nghi nên thường hay chì chiết chồng. Còn chồng chị cũng chán cảnh vợ lắm chuyện. Trang trại cũ anh chị cho thuê và chuyển sang chỉ kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên nhàn rỗi hơn. Ban ngày anh chị ở huyện và đêm về nhà ở thành phố. Chuyện vợ chồng ngày càng trở nên căng thẳng khi chị Mai thấy chồng thường xuyên gọi điện cho người lạ vào đêm. Hai vợ chồng cãi nhau ném vỡ cả điện thoại, con cái xao nhãng việc học hành. Tự ái nên chị Mai đâm đơn ly hôn ra tòa án. Tài sản mang tên hai vợ chồng đều chia đôi. Chị Mai nuôi hai con nhỏ, chồng chị nuôi đứa lớn. Tuy nhiên, sau khi tòa phân xử lý hôn. Các con của chị Mai đều đang theo học ở trường trên nội thành, không cháu nào muốn về quê với bố nên chúng ở lại hết thành phố, Mai cũng ở lại. Trang trại chia theo tài sản cho chồng chị đã cho thuê anh không có chỗ ở nên cũng ở lại ngôi nhà chính luôn.

Để tránh cho con không bị tổn thương, nhiều cặp vợ chồng ly hôn rồi vẫn chung sống dưới một mái nhà

Thời gian ban đầu, chị chỉ nấu cơm cho mẹ con chị ăn, chồng chị về nhà không biết ăn gì anh lại lục nồi, lục xong. Nhiều hôm, con gái út kiên quyết không ăn cơm khi bố không về. Dù tòa phân xử nhưng các con của chị cứ ngồi trông mâm cơm đợi bố. Từ ăn chung mâm, chị Mai và chồng lại vào ngủ chung giường như ngày còn ân ái. Điều khiến chị Mai cảm thấy khó hiểu nhất là vẫn còn yêu nhau không hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào chị lại đâm đơn ly hôn. Chồng chị vì tự ái mà đã ký vào đơn nhưng thực tâm anh không muốn.

Cũng gặp hoàn cảnh tương tự như chị Mai trong câu chuyện của thẩm phán Tuyết, vợ chồng chị Trần Thị Thu trú tại Long Biên, Hà Nội không ở chung nhà nhưng cứ 2 – 3 tối chồng cũ chị lại sang ngủ thăm một lần. Hai vợ chồng chị Thu ly hôn, có chung cậu con trai 5 tuổi chị Thu nuôi. Chồng chị là kỹ sư cầu đường, chị Thu đâm đơn ly hôn chỉ vì phát hiện chồng lăng nhăng, công trình nào anh cũng có người đàn bà khác. Không chỉ thế, mẹ anh thường xuyên bênh con cho rằng đàn bà phải chấp nhận chồng năm thê, bẩy thiếp. Chuyện mẹ chồng nàng dâu lúc nào cũng căng như dây đàn khiến cuộc sống bế tắc. Chị Thu đưa con ra ngoài thuê trọ. Nhiều lần, chị phải đi gặp khách hàng không về đón con kịp lại gọi điện nhờ chồng đón. Anh đưa con về nhà chị rồi nấu nướng chờ vợ cũ về ăn cơm cùng. Có phán quyết ly hôn nhưng ăn xong chơi cùng con rồi lại cùng sex như chưa có gì xảy ra. Đều đặn cữ 3 lần/tuần anh “ngủ thăm”. Cứ tưởng ly hôn là hết nhưng chị Mai phát hiện mình có thai. Chồng cũ biết anh vui nhưng vẫn không nói gì đến chuyện tái hôn. Điều kiện anh tái hôn là chị phải về xin lỗi mẹ chồng và chuyển về sống chung. Còn chị Thu thà làm mẹ đơn thân chứ không muốn về sống chung với gia đình chồng. Bi kịch ngủ thăm sau khi ly hôn là cái thai ngày càng lớn còn bố mẹ vì tự ái không ai chịu chấp nhận cái sai của mình.

Không nằm ngoài những chuyện bi hài trên, trong giới nghệ sỹ câu chuyện của cầu thủ Phan Thanh Bình và Thảo Trang cũng tương tự. Sau 3 tháng đường ai nấy đi, Phan Thanh Bình cho hay cả hai vẫn liên lạc và gặp nhau uống cà phê. Nam cầu thủ khẳng định đã là vợ chồng nhiều năm thì việc đi ăn uống cùng là chuyện bình thường. Tất cả là vì con gái. Phan Thanh Bình còn tiết lộ nhiều khi Thảo Trang bận bịu công việc, cô vẫn về nhà, chăm con ở nhà cả ngày hoặc ngủ lại cùng con gái một hai đêm. Vì là cha mẹ, Phan Thanh Bình và Thảo Trang không muốn công chúa nhỏ nhận thấy sự thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ thơ.

Nói về việc chọn cách im lặng giữ ồn ào dư luận, cầu thủ giãi bày không muốn đào xới chuyện riêng tư. Bản thân anh cũng là đấng mày râu không thích nói nhiều, chuyện gì đã qua sẽ để trôi qua một cách tự nhiên. Dù đã đường ai nấy đi nhưng Phan Thanh Bình vẫn dành nhiều lời có cánh cho vợ cũ và ngược lại. Thảo Trang từng khẳng định chưa bao giờ hối hận khi kết hôn sớm và có con với anh.

Ngủ chung vì con hay vì sĩ diện của cả hai

Trong những vụ ly hôn, cha mẹ mỗi người một nơi, là một cú sốc lớn đối với trẻ. Nếu người lớn ứng xử thông minh, khôn khéo thì trẻ sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngược lại, nó sẽ trở thành vết thương lòng, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ. Theo TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, điều cần thiết nhất cha mẹ phải làm sau ly hôn là trung thực với con. Cha mẹ đóng kịch và nghĩ rằng con không biết là hoàn toàn sai lầm.

TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội

“Khả năng cảm nhận của trẻ vô cùng tốt. Khả năng diễn kịch của cha mẹ lại có nhiều hạn chế bởi vì ai cũng chỉ dồn sức được trong thời gian ngắn chứ không thể diễn quá lâu dài. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều gia đình cha mẹ lục đục, mỗi người có hạnh phúc riêng nhưng vẫn sống chung 1 nhà, diễn màn kịch hạnh phúc đã gây tổn thương cho những người con hơn nhiều so với những gia đình cha mẹ ly hôn”, TS. Hương chia sẻ.

“Trẻ sẽ nhanh chóng cảm nhận được màn kịch giả tạo đó và chúng sẽ cảm thấy bị lừa dối. Đây là hậu quả lớn mà nhiều khi cha mẹ cũng không thể ngờ nổi. Đặc biệt là khi con đã cảm nhận ra, chúng sẽ mất niềm tin với cha mẹ. Trong những thời điểm cần sự trợ giúp của cha mẹ, chúng không dám kêu gọi cha mẹ giúp đỡ, cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi tăng lên, chúng có thể sẽ có những hành vi tiêu cực”, TS. Hương phân tích thêm.

Theo vị chuyên gia giáo dục tiểu học, cha mẹ ly hôn không phải là tai họa trời giáng với trẻ nhỏ. Những đứa trẻ của các cha mẹ đơn thân vẫn có thể phát triển tốt nếu như cha mẹ chúng tách bạch việc chăm sóc nuôi dưỡng con với tình trạng hôn nhân và tình cảm với chồng/vợ cũ.

“Tình trạng hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ là khó khăn mà con cần vượt qua. Và sự thật là nếu con vượt qua được chuyện này thì con sẽ vững vàng và mạnh mẽ hơn nhiều. Do vậy, ly hôn cũng có nét nào đó có lợi trong sự phát triển của 1 đứa trẻ trong gia đình bố mẹ không sống chung với nhau”, TS. Hương nhận định.

Chia sẻ thêm với PV, TS. Vũ Thu Hương cũng gợi ý cách hành xử văn minh của cha mẹ sau ly hôn để tốt cho sự phát triển của con: “Những gia đình đã ly hôn nhưng vẫn thống nhất cách giáo dục trẻ, cùng nhau chăm sóc trẻ mặc dù cha/mẹ chúng đã có hạnh phúc riêng, thường xuyên bày tỏ tình yêu với con thì con cái vẫn phát triển bình thường. Một trong những cách giải thích cho con về vấn đề ly hôn là nói với con: mẹ và bố giống như 2 bạn trong lớp, trước thân nhau, giờ ghét nhau, nhưng vẫn cùng nhau yêu quý 1 bạn khác là con. Đứa trẻ chắc chắn sẽ lựa chọn cách giải quyết là tách 2 “bạn” bố và mẹ ra nhưng vẫn gặp “bạn” con”.

“Đồng thời, cha mẹ cũng yêu cầu con cư xử sao cho phù hợp với tình trạng hôn nhân của 2 người. Ban đầu, bọn trẻ cảm thấy buồn và lo lắng một chút. Nhưng rồi khi thấy cuộc sống vẫn ổn, hai cha mẹ vẫn yêu thương chăm sóc mình thì chúng sẽ nhanh chóng vượt qua, chấp nhận số phận và tìm cách vươn lên. Như vậy, về tính cách của các bạn nhỏ trong những gia đình đơn thân có nhiều trường hợp lại mạnh mẽ và vững vàng hơn các bạn khác. Đây là một điểm đặc biệt mà các cha mẹ nên lưu ý nếu cần phải quyết định nói lời chia tay với bạn đời”, TS. Hương nói.

Khi “chim sợ cành cong”

Trò chuyện với chuyên gia tâm lý Tịnh An (Trung tâm tâm lý Tịnh An) cho hay: Trên thực tế không ít phụ nữ, thậm chí cả đàn ông sau ly hôn như “chim sợ cành cong”, mất niềm tin vào cuộc sống, nảy sinh tâm lý tiêu cực, chán nản, gây ảnh hưởng đến gia đình, con cái, đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng đã có con chung. Khi gia đình chia đôi, những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, một số trẻ khó phát triển nhân cách... Trong nhiều trường hợp cụ thể, ly hôn được coi là cần thiết và đúng đắn.

Vẫn biết rằng “bát đũa còn có khi xô”, cuộc sống vợ chồng cũng vậy, nhưng khi vợ chồng không cùng chí hướng, thiếu sự tôn trọng, yêu thương, một bên bị bạo hành, mâu thuẫn lối sống kéo dài... giữa hai người chỉ còn sự thù hận, oán trách thì việc duy trì hôn nhân không còn ý nghĩa, thậm chí làm ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình.

Nếu quyết định ly hôn, người trong cuộc cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ lưỡng quyết định của mình đồng thời chuẩn bị sẵn tâm thế cũng như chủ động giải quyết, khắc phục những hậu quả để tự tin bắt đầu cuộc sống mới.

Lê Hoàng

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/dau-cu-phai-chung-giuong-la-han-gan-duoc-hon-nhan-52271.htm