Đâu chỉ là cái ăn

Hãng Frodor’s Travel đưa bánh mì Sài Gòn vào đầu danh sách 10 món ăn đường phố được yêu thích và mang tính biểu tượng trên toàn cầu. Một lần nữa, món ăn vỉa hè TP HCM được gọi tên, nhắc nhớ rằng những điều mà chúng ta xem là bình thường trong cuộc sống có thể mang lại giá trị cho phát triển.

Nhưng niềm tự hào dành cho bánh cuốn, cơm tấm, bánh mì… lâu lâu lại dấy lên khi chúng được nhắc đến trong các cuộc bình chọn ở đâu đó. Rồi niềm tự hào ấy lại lắng xuống, mọi thứ trở về bình thường.

Tôi nhớ đến món xôi xoài của Thái Lan cũng từng lọt vào vài cuộc bình chọn món ngon toàn cầu. Từ một món vỉa hè, bình dân, giá rẻ lập tức đã trở thành món ngon tráng miệng trong nhiều nhà hàng sang trọng ở Bangkok mà du khách nào đến đây cũng được giới thiệu đầy đủ để thử qua. Ngon dở còn tùy khẩu vị từng người nhưng phương thức cung cấp dữ liệu để cái ăn, cách thưởng thức thêm phần giá trị cho thấy cách làm du lịch có đầu tư và sáng tạo ở xứ người.

Những món ngon vỉa hè Sài Gòn đã đi vào trong các nhà hàng là điều không thể chối cãi song đáng nói đó chính là sự gia công tạo nên giá trị gia tăng cho các đặc sản của ta chưa được đầu tư đúng mức và có chiến lược.

Ẩm thực không chỉ là cái ăn, mà xa hơn cái ăn, khẩu vị, công thức còn là câu chuyện văn hóa và lịch sử. Tại Việt Nam vài năm trở lại đây đã có sự nở rộ của dòng sách viết về ẩm thực, các món ngon, đặc sản của nhiều chuyên gia, đầu bếp giỏi. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở tính chất cẩm nang chế biến, trưng bày, chứ chưa thấy những công trình xứng đáng viết về các món ngon ở giác độ lịch sử hay văn hóa. Không có sự cập nhật, càng không có những phác thảo cần thiết về những tiến trình tiếp biến văn hóa thông qua ẩm thực để giúp thực khách nhận thấy phía sau món ngon là câu chuyện của người Việt, nước Việt.

Các chuyên gia ẩm thực loay hoay với những cuộc thi nấu nướng và game show trên truyền hình nhưng chưa thấy có sự đầu tư chiều sâu để giới thiệu ẩm thực một cách hệ thống và bài bản. Vì vậy, những “vẻ vang” mà người bên ngoài mang đến cũng chỉ đem lại một niềm tự hào phấn khích chóng qua, không tạo ra các ý tưởng cho phát triển du lịch, giới thiệu văn hóa và nghiên cứu thực chất.

Một gợi ý có thể nhắc đến ngay là người xem phim truyền hình dài tập hẳn đã từng chết mê chết mệt với các bộ phim Hàn Quốc lồng ghép các vấn đề xã hội vào trong chủ đề giới thiệu ẩm thực. Nhưng cần biết rằng để làm nên những bộ phim như thế, Hàn Quốc có hẳn những tàng thư, viện và trung tâm nghiên cứu cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu về ẩm thực đất nước mình qua các thời kỳ. Về xuất bản, họ cũng đã từng có những công trình sâu sắc nghiên cứu về ẩm thực ở nhiều giác độ khác nhau.

Ẩm thực không dừng lại ở tư duy sơ đẳng là những món ngon để ăn lấy no hay ăn cho biết, thỏa mãn giác quan mà còn là đường dẫn đi xuyên qua căn tính, văn hóa, lịch sử các vùng miền, quốc gia. Chính vì thế, việc giới thiệu ẩm thực Việt ra thế giới đừng nói đâu xa mà hãy bắt đầu ngay từ trong nước, từ chuyện người Việt biết gì về cái ăn của mình.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dau-chi-la-cai-an-20161112232027825.htm