Dấu chân trên con đường phạm tội của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Trong phần đối đáp, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Vũ Huy Hoàng và các bị cáo khác đã để lại dấu vết, dấu chân trên con đường phạm tội, là những chứng cứ vật chất không thể chối cãi.

Sáng nay (26/4), phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS.

Theo quan điểm của đại diện VKS, bị cáo Vũ Huy Hoàng và các bị cáo khác đã để lại dấu vết, dấu chân trên con đường phạm tội, là những chứng cứ vật chất không thể chối cãi.

Người đại diện VKS cho rằng, lý lẽ của bị cáo Vũ Huy Hoàng và luật sư của bị cáo đưa ra chỉ là những lời ngụy biện để chối bỏ hành vi sai trái. Bị cáo biết rõ sai nhưng vẫn thực hiện hành vi và đã để lại hậu quả đặc biệt lớn. Các bị cáo bị truy tố là đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa

Theo đại diện VKS, cáo trạng nêu rất rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, nhưng chỉ nêu những hành vi chính, còn nhiều văn bản, hành vi liên quan không thể đưa tất vào cáo trạng được.

Dự án này có từ cuối năm 2007. Từ thời điểm năm 2007- 2015, Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước. Trách niệm của bị cáo Hoàng là phải thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình trong việc quản lý vốn Nhà nước.

Đại diện VKS viện dẫn Nghị định 91, Điều 43 Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước của doanh nghiệp để chứng minh rằng, với vai trò Bộ trưởng, bị cáo Hoàng phải chịu trách nhiệm về việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Các bị cáo có trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, nhẽ ra các bị cáo phải làm đúng trách nhiệm, nhưng các đã làm sai”, lời vị đại diện VKS.

"Người tham gia xây dựng luật lại vi phạm pháp luật"

Theo đại diện VKS, Nghị quyết 94 và Nghị quyết 26 của Chính phủ đã nêu rõ, doanh nghiệp có vốn Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành. Chính bị cáo Vũ Huy Hoàng là người tham gia xây dựng luật, nhưng lại vi phạm pháp luật.

“Nghị quyết 26 nêu rõ, nếu doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang kinh doanh ngoài ngành thì phải chấm dứt. Trong khi là người tham gia xây dựng các văn bản pháp lý ở tầm vỹ mô, nhưng bị cáo Hoàng lại vi phạm pháp luật”, đại diện VKS nêu.

Đại diện VKS cho rằng, hành vi tiếp theo của bị cáo Hoàng mang tính quyết định là việc duyệt giá bán cổ phần của Sabeco thấp hơn giá thực tế.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng quyết định việc này khi chỉ còn hơn hơn 10 ngày nữa là nghỉ hưu. Bị cáo cũng biết rõ mình không tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương, đã có chủ trương miễn nhiệm bị cáo, nhưng vẫn chủ trì cuộc họp quyết định giá bán cổ phần Sabeco thấp hơn giá thực tế, là điểm mấu chốt dẫn đến thiệt hại... Rõ ràng đó là hành vi cố ý và trái quy định của pháp luật.

Đối đáp với quan điểm của luật sư cho rằng, không có hậu quả thiệt hại xảy ra, đại diện VKS khẳng định: Nếu vụ án không bị phát hiện, ngăn chặn đã mất quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Nếu không ngăn chặn kịp thời, nếu các bị cáo kịp chuyển nhượng khu đất cho các bên khác nhau, thì thậm chí không đòi lại được quyền quản lý sử dụng đất nữa. “Liệu các bị cáo ngồi đây có đủ tiền bồi thường cho Nhà nước 2.700 tỷ đồng?”, đại diện VKS nêu câu hỏi.

Đại diện VKS cho rằng, không phải đại diện VKS không yêu cầu các bị cáo bồi thường là không có thiệt hại.

Không đề nghị các bị cáo bồi thường thiệt hại vì đại diện VKS đã đề nghị HĐXX yêu cầu UBND TP HCM hủy bỏ quyết định cho thuê đất trái pháp luật, để UBND TP HCM thu hồi đất về quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Điều đó không có nghĩa là không có thiệt hại. Thực tế thiệt hại còn nhiều hơn con số mà cáo trạng nêu, nhưng VKS tính con số mang tính chất có lợi cho các bị cáo.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/dau-chan-tren-con-duong-pham-toi-cua-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-730581.html