Đau chân không phải chuyện nhỏ

Không ít trường hợp tưởng là triệu chứng nhức cơ, đau khớp nhưng đó lại là những bệnh lý mạch máu nguy hiểm

Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Tân, phụ trách Khoa Ngoại Lồng ngực - mạch máu Bệnh viện (BV) Thống Nhất TP HCM, bệnh lý mạch máu là bệnh lý hệ thống, đôi khi có những biểu hiện khiến người bệnh lầm tưởng với các vấn đề không liên quan, ví dụ như đau bụng, đau lưng.

Dấu hiệu nghi ngờ

"Bệnh nhân nam bị đau chân đã nhiều tháng, tưởng là vấn đề cơ xương khớp, hóa ra là do hẹp động mạch chi dưới. Khi nhập viện thì tình trạng đã rất nặng. BV đã nhiều lần tiếp nhận người bệnh trong tình trạng chân đã đen vì hoại tử, phải cắt bỏ mới có hy vọng cứu sống" - BS Nguyễn Duy Tân cho biết về trường hợp một nam bệnh nhân đang được điều trị tại BV Thống Nhất.

Theo BS Nguyễn Duy Tân, có người bị hẹp động mạch chi dưới nhưng chỉ cảm thấy đau chân. Vì là triệu chứng đau chân, nên người bệnh hay nghĩ đến vấn đề cơ - xương - khớp. Có người mua thuốc xoa bóp, người thì đi kiểm tra cột sống nhưng không thấy gì. Điều đáng lo ngại là một số bệnh nhân sau khi kiểm tra cơ - xương - khớp thấy không sao thì về xoa bóp thuốc chờ hết đau hoặc chấp nhận sống chung. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp bị hẹp động mạch chi dưới, kể từ khi thấy đau, khó chịu ở chân cho đến khi có các biến chứng nặng, khó cứu vãn xảy ra chỉ vỏn vẹn 3-6 tháng.

BS Nguyễn Duy Tân cho biết không phải là không có dấu hiệu nào để nghi ngờ chứng hẹp động mạch này, đó là khi cảm giác đau, tê, khó chịu cứ kéo dài, xoa bóp, uống thuốc không hết. Cơn đau không giảm mà tăng thêm, dù ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, cũng là điều bất thường. Nếu có những triệu chứng này thì nên tìm đến BV có chuyên khoa về mạch máu để kiểm tra, bởi phát hiện sớm là rất quan trọng trong việc điều trị. Để chân bị hoại tử, không chỉ có nguy cơ mất chân mà có khi còn gây tử vong.

Nguy cơ động mạch bị hẹp chính là do cholesterol dư thừa lắng đọng, làm suy yếu thành mạch. Đối tượng nguy cơ chính là người lớn tuổi, đã được chẩn đoán tăng cholesterol, thoái hóa, vôi hóa thành mạch, thiếu vận động, ăn uống không lành mạnh, hay dùng rượu, bia…

Theo BS Nguyễn Duy Tân, chế độ ăn lành mạnh, kiêng rượu, bia để tránh tăng cholesterol làm ảnh hưởng đến sức khỏe mạch máu là rất cần thiết, nhưng không phải ai cũng có thể làm tốt điều này. Nếu lỡ ăn uống có chút ít thiếu lành mạnh, nên làm sao? Câu trả lời là tăng cường tập thể dục, ăn nhiều rau, trái cây để cân bằng lại.

Đi bộ đúng cách và vừa sức rất tốt trong phòng ngừa lẫn điều trị các bệnh về cơ - xương - khớp, bệnh lý mạch máu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đi bộ đúng cách và vừa sức rất tốt trong phòng ngừa lẫn điều trị các bệnh về cơ - xương - khớp, bệnh lý mạch máu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cảm giác kiến bò

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch, Đại học Y Dược TP HCM - cảnh báo một nguy cơ khác đến từ tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch chi dưới cũng có biểu hiện là cảm giác đau, khó chịu, những cơn chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) ở chân. "Không ít bệnh nhân cũng lầm là đau cơ, đau khớp, nhưng thực ra cơn đau có nhiều điểm khác biệt" - ông nói.

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, nếu đau khớp thì vị trí đau phải nằm ngay khớp, đau cơ cũng vậy. Người bị đau do bệnh lý tĩnh mạch sẽ cảm thấy cơn đau như từ đâu đó bên trong bắp chân, như có kiến bò bên trong. Chuột rút thường xuyên là một biểu hiện cho thấy rất nên đi kiểm tra tĩnh mạch.

Bệnh lý tĩnh mạch diễn tiến có phần chậm nhưng không kém nguy hiểm. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống vì bệnh này càng nặng càng gây đau đớn, mất thẩm mỹ do mạch máu nổi vằn vện trên da, bệnh lý này cũng gây nên huyết khối - tức những cục máu đông vô cùng nguy hiểm. Huyết khối có thể di chuyển theo tĩnh mạch, nguy hiểm nhất là nó có thể bị trôi về phía phổi gây thuyên tắc phổi, một vấn đề có thể làm bệnh nhân tử vong lập tức.

Nếu đi kiểm tra ngay từ khi hay bị chuột rút, đau nhẹ hay phát hiện dấu vết tĩnh mạch lờ mờ nổi trên da chân, với những triệu chứng này thì bệnh mới ở giai đoạn 1. Có thể dễ dàng điều trị bảo tồn kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống để bệnh đừng diễn tiến nặng hơn, từ đó ngăn chặn các nguy cơ nguy hiểm như đã nói trên.

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, có quan niệm cho rằng người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới thì không nên đi bộ, điều đó không đúng. Đi bộ đúng cách và vừa sức rất tốt trong phòng ngừa lẫn điều trị.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/dau-chan-khong-phai-chuyen-nho-20200916212814278.htm