Dấu chấm phẩy

Mỗi lần gặp dấu chấm phẩy trong bất cứ cuốn sách nào, tôi lại nhớ tới Hadiza. Tôi nhớ đôi mắt, tâm trí, cái cổ tay và giọng nói của Hadiza. Tôi cũng nhớ rằng có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ đọc một cuốn sách nào một cách tử tế nếu không gặp Hadiza.

Tôi gặp Hadiza tại Phòng Nghiên cứu thí nghiệm cao cấp ở Ibadan. Ấn tượng đầu tiên với tôi là ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt hình lá dăm của Hadiza khi cô ngồi đọc sách trong một góc nhỏ của văn phòng. Thứ ánh sáng lấp lánh đó luôn hiện diện trên đôi mắt đó, dù Hadiza có đọc sách hay không. Chỉ sau này tôi mới nhận ra rằng đôi mắt là một tài sản quý giá của Hadiza.

Ngoài áo choàng, váy dài và áo aba, Hadiza rất thích mặc áo phông dài tay có in chữ. Vào cái tuần chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau, Hadiza mặc chiếc áo phông màu đen, trên đó có phác qua hình ảnh một cô gái với cuốn sách và tách cà phê ở phía trước; phía sau lưng in hàng chữ “Muốn trở thành bạn của tôi ư? Hãy tặng tôi vài cuốn sách!”.

 Minh họa: Tô Minh Ngọc.

Minh họa: Tô Minh Ngọc.

Và đó cũng là những gì tôi đã làm! Tôi tặng Hadiza hai cuốn sách mua từ cửa hàng Jericho. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào một hiệu sách; có cảm giác như tất cả mọi giá hàng đều đang vẫy gọi, mọi nhân vật trong các cuốn sách đều gọi tên tôi. Tôi thấy có điều gì đó thôi thúc mình phải trả lời và lắng nghe những nhân vật trong những cuốn sách đó nói. Kể cũng kỳ lạ, bởi cho tới tận lúc đó tôi vẫn chưa bao giờ đọc sách theo đúng nghĩa của nó. Tôi chọn ngẫu nhiên một cuốn tiểu thuyết và một cuốn sách khác. Hadiza mỉm cười khi đọc mẩu giấy tôi kẹp trong cuốn sách: “Hadiza này, nếu tác giả những cuốn sách này nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của cậu khi đọc sách thì họ sẽ viết mãi không ngừng”. Kể từ đó, Hadiza đến ngồi đối diện với tôi. Khi Hadiza mỉm cười, tôi thấy ánh mắt lấp lánh đó như rọi sáng cả thẳm sâu những nơi tối tăm trong tôi.

Hadiza bảo: “Tớ không nghĩ rằng chiếc áo phông lại giúp tớ có được những cuốn sách thế này. Có lẽ tớ nên mặc nó thường xuyên hơn nữa”. Rồi vừa đưa mấy cuốn sách lên mũi hít hà như thể trong đó có thuốc phiện, Hadiza vừa bảo tôi rằng cô cảm thấy rất phấn khích.

Hadiza hỏi tôi có hay đọc sách không, nhưng tôi lắc đầu. Hadiza bảo: “Cậu nên đọc sách, thực sự là cậu nên đọc sách. Tớ nghĩ châu Phi và Nigeria sẽ tốt hơn nhiều nếu có được một nửa dân số đọc sách”. Thứ ánh sáng lấp lánh trong mắt Hadiza khiến mọi điều cô nói trở lên mãnh liệt. Cô luôn nói chậm rãi, không kéo dài mà có chủ ý để làm cho mỗi từ cứ vang lên mãi. Ở văn phòng, Hadiza ít buôn chuyện với người khác. Hadiza thừa nhận điều đó bởi cô thấy hầu hết những câu chuyện đều nhỏ nhặt và nông cạn. Hadiza bảo: “Tớ không thích những câu chuyện thiếu chất xám. Tớ đọc sách còn hơn là nói về những điều mà chỉ chưa đến hai tuần sau là tớ sẽ quên”.

Tôi hỏi: “Vì sao cậu nghĩ rằng châu Phi sẽ tốt hơn nếu chúng ta đọc nhiều hơn?”. Có điều gì đó trong cách Hadiza nói chuyện khiến người khác không thể nói những chuyện viển vông. Hadiza ngẩng lên: “Cậu biết đấy, người da trắng dễ dàng xâm chiếm châu Phi vì họ biết cách chia rẽ chúng ta. Chúng ta có nhiều nền văn hóa khác nhau, thuộc những bộ lạc khác nhau, có những vị thần khác nhau và chúng ta không hề thích thú với việc chúng ta không giống nhau. Từ đó, họ rất dễ xui khiến một bộ lạc này bán đứng bộ lạc khác”.

Tôi ngập ngừng: “Cậu biết không? Ngay cả khi họ không lợi dụng sự khác biệt của chúng ta để bước chân lên mảnh đất này, họ vẫn sẽ tìm ra một cách khác để bắt đầu chế độ nô lệ ở đây. Người Anh làm kinh doanh và họ sẽ không rời đi chừng nào những con tàu của họ còn trống”.

Hadiza nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: “Nhưng chúng ta đã giúp họ thực hiện điều đó dễ dàng hơn”.

Tôi đáp: “Có lẽ là vậy!”.

Tôi luôn khó chấp nhận quan điểm cho rằng chính lục địa đen đã tạo điều kiện cho người da trắng cướp đi bản sắc tổ tiên, giam cầm tâm trí của họ và sử dụng chính thân xác của họ để phát triển kinh tế.

Tôi lại hỏi: “Vậy thì có gì liên quan đến đọc sách?”.

Hadiza giang rộng tay như thể đang đứng trước một lớp học và khai sáng cho những đứa trẻ bên dưới: “Tất cả mọi thứ! Một người Nigeria điển hình sẽ đem lại việc làm cho người cùng bộ lạc của mình chứ không phải người ngoài. Điều đó có vẻ là tốt nhưng thực ra nó rất tệ. Làm như vậy thể hiện cách nghĩ rằng chúng ta khác biệt”. Hadiza vươn hai tay trên chiếc bàn nhựa, ống tay áo aba xòe ra che gần hết hai bàn tay. “Chúng ta sẽ không bao giờ đoàn kết được nếu còn tiếp tục sống một cách khác biệt thay vì hợp nhất những phần giống nhau của mình. Đất nước ta và lục địa đen này sẽ chẳng bao giờ tốt đẹp hơn nếu chúng ta tiếp tục sống một cách khác biệt. Đọc sách giúp chúng ta nhận ra chúng ta giống nhau đến thế nào, cả cảm xúc, mong ước và mục tiêu của chúng ta cũng giống nhau. Nếu được thừa nhận, sự tương đồng trong cảm xúc của chúng ta sẽ mạnh hơn tất cả những khác biệt về bộ lạc, văn hóa, tập tục hay tôn giáo nào khác. Tình hình Nigeria hiện nay phản ánh tính cách của người Nigeria. Nếu những người có đầu óc thiển cận tiếp tục tăng lên ở cái quốc gia này, trong khi những người có tư tưởng cởi mở tiếp tục ẩn mình thì Nigeria sẽ đi về đâu? Đọc sách giúp chúng ta tư duy và có chính kiến và những nghi vấn của riêng mình. Nó giúp chúng ta suy nghĩ đúng với một tư duy cởi mở".

* * *

Một chủ nhật, Hadiza đến chỗ tôi. Có điều gì đó không ổn! Qua điện thoại, cô bảo cần có người để nói chuyện. Khi Hadiza đến, chúng tôi ngồi dưới gốc cây xoài trong khu nhà tôi đang ở. Dưới sân trải đầy lá xoài; đủ màu nâu, xanh, vàng; thi thoảng điểm vài trái xoài rụng. Hadiza không ngồi trên băng ghế mà ngồi thẳng lên thảm lá. Tôi ngồi bên, tựa lưng vào gốc cây.

Hadiza nhặt vài chiếc lá, đủ cả ba màu, giơ lên trước mặt tôi: “Rất đẹp. Và thật tuyệt khi cả ba chiếc lá này đều rụng xuống từ cùng một cây, phải không nào?”.

Hadiza lại bảo: “Tớ cảm thấy hơi nản từ thứ sáu tuần trước”.

Đây là lần đầu tiên có người dùng từ “nản” để miêu tả cảm xúc của mình và điều đó khiến tôi lo lắng. Tôi càng lo lắng hơn khi một người như Hadiza nói lên điều đó.

Hadiza tiếp: “Đôi khi tớ thấy không được an toàn và chẳng muốn nỗ lực. Tớ thấy như mình không có đủ sức. Tớ muốn mình phải trở thành một người khác hay tới một nơi khác để trở thành người mà tớ mong muốn”.

Tôi hỏi vì sao Haiza lại cảm thấy như vậy.

Hadiza bảo: “Cậu biết đấy, tớ muốn viết sách và muốn trở thành một tác giả có nhiều độc giả mà không cần phải tới một nơi nào khác ngoài Nigeria. Hôm qua, tớ đã nghĩ về những nhà văn nổi tiếng, được đọc nhiều ở Nigeria như Soy Soyinka, Adichie, Emecheta, Achebe, Okri, Sefi Atta và nhiều người khác nữa. Họ rời Nigeria trước rồi mới thực sự trở nên nổi tiếng. Tớ không biết họ có được độc giả đón nhận nhiều không nếu họ không rời Nigeria?”. Hadiza nhắm mắt, thở dài. “Tớ sợ rằng Nigeria không thể giúp tớ thành người tớ muốn”.

Hadiza mở mắt. Một giọt nước mặn chát lăn dài xuống má. Tôi ôm Hadiza vào lòng, nghe tiếng cô thổn thức: “Hôm thứ sáu, tớ ghé qua hiệu sách. Tớ chọn một cuốn sách của một tác giả Nigeria sống trong nước, nhưng rồi tớ lại bỏ nó xuống để chọn một cuốn khác của một tác giả người Anh gốc Nigeria. Một cách vô thức, tớ nghĩ rằng cuốn đó sẽ tốt hơn”. Giọng Hadiza nhẹ bẫng: “Tớ không biết rằng chính tớ cũng có một suy nghĩ ngay trong tiềm thức rằng một thứ gì đó làm ra tại Nigeria là chưa tốt trừ khi nó được đánh bóng ở nước ngoài. Điều đó đã xảy ra với tớ và nó làm tớ sợ. Tớ sợ và tức giận!”.

Tôi buông Hadiza ra, nắm lấy tay cô. Trên cổ tay Hadiza là một hình xăm dấu chấm phẩy, nhỏ đến mức tôi đã tưởng đó là vết bớt khi lần đầu nhìn thấy nó. Tôi di ngón cái quanh dấu chấm phẩy. Trước đây, tôi đã hỏi Hadiza ý nghĩa của nó và cô trả lời rằng đó là sức mạnh tinh thần. Dấu chấm phẩy hàm nghĩa là chọn tiếp tục một câu chuyện hay viết tiếp một câu ở nơi lẽ ra nó có thể kết thúc bằng một dấu chấm. Lúc đó hẳn là trông tôi rất bối rối nên Hadiza phải tiếp tục giải thích: “Amy Bleuel đã chọn dấu chấm phẩy như một biểu tượng hỗ trợ tư vấn cho những người có xu hướng tự tìm đến cái chết. Nghĩa là chọn một cách có chủ đích để tiếp tục sống, tiếp tục viết tiếp câu chuyện cuộc đời thay vì kết thúc nó… Với tớ, dấu chấm phẩy là biểu tượng của hy vọng”.

Tôi chỉ vào dấu chấm phẩy trên tay Hadiza, bảo: “Hadiza này, hãy nghĩ về điều đó như thế này: Dù là cậu viết tiếp chuyện gì sau dấu chấm phẩy này, hãy viết nó và không nghĩ về người khác. Đó là câu chuyện của riêng cậu. Cậu hãy viết câu chuyện của mình mà chẳng cần để tâm tới những câu chuyện của những người cậu đang nghĩ tới. Hãy mở ra câu chuyện huyền thoại của mình, Hadiza!”.

Hadiza lặp lại: “Hãy mở ra câu chuyện huyền thoại của mình”, âm thanh tan nhanh trên bờ môi.

Tôi lại bảo: “Tớ đọc được câu này trong một cuốn sách của Rumi. Có lẽ cậu nên in câu này lên một trong những chiếc áo phông của mình”.

Hadiza mỉm cười!

* * *

Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy dấu chấm phẩy, tôi lại nhớ tới Hadiza. Tôi tự hỏi câu chuyện Hadiza viết tiếp sau dấu chấm phẩy là gì và tôi tự hỏi liệu câu chuyện đó có xảy ra ở Nigeria hay không. Tôi cũng tự hỏi liệu Hadiza có bao giờ thấy Nigeria đủ cho mình, và cho cái ánh sáng lấp lánh trong ánh mắt của cô hay không. Tự hỏi vậy rồi tôi sẽ lại lướt qua dấu chấm phẩy và đọc bất cứ câu chuyện gì xuất hiện sau nó.

Truyện ngắn của Azeeza Adeowu (Nigeria) HUY PHONG (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dau-cham-phay-573721