Dấu chấm hết cho Tổng công ty Cửu Long

Số phận của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long hiện chỉ tính bằng tháng.

Cầu Vàm Cống vượt sông Hậu do CIPM Cửu Long đóng vai trò quản lý dự án được hoàn thành vào năm 2019.

Không trọn vai trò

Cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc sáp nhập Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) - doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ đầu tư, quản lý các dự án hạ tầng giao thông khu vực phía Nam vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vốn được lên kế hoạch tổ chức vào cuối tuần trước nhưng đã phải chuyển sang giữa tuần này.

“Lý do là lãnh đạo cơ quan chủ quản 2 đơn vị chưa thu xếp được lịch làm việc”, ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch HĐTV CIPM Cửu Long giải thích.

Nếu cuộc họp được đánh giá là rất cần thiết diễn ra đúng kế hoạch, thì đây là lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1311/QĐ - TTg ngày 26/8/2020 về việc thành lập Ban Quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở tách một bộ phận có chức năng quản lý dự án từ CIPM Cửu Long, hai cơ quan chủ quản mới ngồi lại được với nhau để lên kế hoạch sáp nhập phần còn lại của CIPM Cửu Long về VEC.

Được biết, theo phê duyệt của người đứng đầu Chính phủ, PMU Mỹ Thuận là đơn vị sự nghiệp công lập và là PMU chuyên ngành giao thông thứ 10 trực thuộc GTVT thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật; hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật; có trụ sở giao dịch tại TP.HCM.

Trên thực tế, số phận của CIPM Cửu Long đã gần như khép lại từ năm 2017, khi Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty, đồng thời quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT.

Cùng với việc đưa PMU Mỹ Thuận vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của CIPM Cửu Long sau khi kết thúc mô hình thí điểm (chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp) sang Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, bao gồm trụ sở làm việc, xe ô tô, một số máy móc thiết bị và điều chuyển tài sản, các nghĩa vụ liên quan còn lại cho VEC thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

CIPM Cửu Long được Bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thành lập năm 1994) là nòng cốt của công ty mẹ và lấy 2 đơn vị bảo trì đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ làm công ty thành viên.

Ngoài 2 đơn vị thành viên nói trên, CIPM Cửu Long còn góp 10% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long, doanh nghiệp dự án đại diện các nhà đầu tư quản lý thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn km0+000 ÷ km123+105,17 trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BT.

Vào thời điểm thành lập, CIPM Cửu Long được Bộ GTVT kỳ vọng là đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam. Tuy nhiên, sau gần 9 năm, hoạt động của CIPM Cửu Long lại không được suôn sẻ như kỳ vọng khi để lỡ hầu hết các mục tiêu đề ra, trong đó vốn điều lệ chưa được cấp đủ (thực tế vốn điều lệ được cấp đến nay là 136,42/1.500 tỷ đồng, đạt khoảng 9%); chưa tham gia đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn vay thương mại.

Không sống được bằng nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng công trình, nên kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động và nguồn tài chính chủ yếu của CIPM Cửu Long là từ hoạt động quản lý dự án và tư vấn quản lý dự án.

Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT như CIPM Cửu Long được giao chức năng quản lý dự án là “việt vị” so với quy định hiện hành.

Cụ thể, theo các quy định hiện hành thì nhiệm vụ quản lý dự án có nguồn từ ngân sách nhà nước chỉ được giao cho các ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc các ban quản lý dự án khu vực do chủ quản đầu tư thành lập. Do vậy, việc Bộ GTVT tiếp tục giao dự án cho CIPM Cửu Long quản lý trong thời gian tới là không thể thực hiện được. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của CIPM Cửu Long cũng rất khiêm tốn khi doanh thu kế hoạch đề ra trong năm 2020 cũng chỉ vào khoảng 122 tỷ đồng, lợi nhuận 5,9 tỷ đồng.

“Chính vì thế, việc tái cơ cấu CIPM Cửu Long theo hướng sáp nhập vào VEC và thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trên cơ sở tách một phần của CIPM Cửu Long là phù hợp với thực tế và các quy định pháp luật liên quan”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Lộ trình 5 bước

Trong khi chờ cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra, Bộ GTVT cũng đã chủ động hoàn thiện các bước chuẩn bị cho việc sáp nhập CIPM Cửu Long vào VEC.

Việc tái cơ cấu CIPM Cửu Long theo hướng sáp nhập vào VEC và thành lập Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận trên cơ sở tách một phần của CIPM Cửu Long là phù hợp với thực tế và các quy định pháp luật liên quan.

Ngày 1/9, tức là chỉ 4 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tổ chức lại CIPM Cửu Long để thành lập PMU Mỹ Thuận và sáp nhập CIPM Cửu Long vào VEC.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao CIPM Cửu Long xác định tài chính, tài sản với tính chất tài sản của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ liên quan mà CIPM Cửu Long dự kiến bàn giao cho VEC; xây dựng lộ trình sáp nhập và sớm làm thủ tục thu hồi con dấu của CIPM Cửu Long và cấp dấu cho PMU Mỹ Thuận.

Để đẩy nhanh tiến trình sáp nhập CIPM Cửu Long vào VEC và đưa PMU Mỹ Thuận đi vào hoạt động, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân công Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và CIPM Cửu Long đánh giá, đề xuất lựa chọn phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, quy chế tổ chức và hoạt động, công tác cán bộ để đưa PMU Mỹ Thuận đi vào hoạt động cùng thời điểm với việc chấm dứt hoạt động của CIPM Cửu Long hoặc việc kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ để PMU Mỹ Thuận đi vào hoạt động với việc chuyển giao CIPM Cửu Long vào VEC được thực hiện độc lập, không phụ thuộc với nhau.

Theo báo cáo của CIPM Cửu Long, việc sáp nhập phần còn lại của đơn vị này về VEC cần ít nhất 5 bước.

Bước 1, Bộ GTVT cần ra quyết định chuyển giao toàn bộ tài sản công, tài chính, nhân sự theo quy định của pháp luật; quyền và nghĩa vụ liên quan từ CIPM Cửu Long sang PMU Mỹ Thuận, đồng thời xác định tài chính, tài sản với tính chất là tài sản doanh nghiệp, quyền, nghĩa vụ của CIPM Cửu Long vào VEC.

Bước 2, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ký thỏa thuận sáp nhập CIPM Cửu Long và VEC.

Bước 3, VEC phối hợp CIPM Cửu Long lập hồ sơ sáp nhập trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bước 4, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra quyết đinh sáp nhập CIPM Cửu Long vào VEC.

Bước 5, VEC sửa đổi điều lệ và đăng ký kinh doanh mới.

“Nếu thực hiện suôn sẻ, lộ trình sáp nhập chỉ mất khoảng 3 tháng”, lãnh đạo CIPM Cửu Long cho biết.

Theo tính toán của CIPM Cửu Long, phần tài sản dự kiến tách ra cho PMU Mỹ Thuận vào khoảng 9 tỷ đồng, bao gồm trụ sở tại 127B - Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Phần tài sản chuyển về VEC vào khoảng 143 tỷ đồng và số lượng nhân sự khoảng 240 người. Như vậy, về thực chất, việc sáp nhập phần còn lại CIPM Cửu Long về VEC là sáp nhập 2 công ty con của CIPM Cửu Long là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ; chuyển tài sản 143 tỷ đồng vào VEC.

Ông Quang cho biết, do công nợ của CIPM Cửu Long tính đến thời điểm 30/6/2020 chỉ khoảng 8 tỷ đồng so với giá trị tài sản chuyển qua VEC là 143 tỷ đồng, nên nghĩa vụ trả nợ chuyển giao không ảnh hưởng tới tài chính của đơn vị tiếp nhận.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do sau khi thành lập lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, phần giá trị tài sản và nhân sự còn lại của CIPM Cửu Long không còn đủ điều kiện, chỉ tiêu xếp hạng của một tổng công ty, nên cần thiết chuyển giao phần giá trị tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp doanh nghiệp này về VEC là đơn vị có chức năng nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh tương đồng.

“Ngoài việc tăng năng lực cho VEC, việc tái cơ cấu theo hướng trên còn góp phần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của ngành GTVT. Đồng thời, CIPM Cửu Long chấm dứt sự tồn tại theo Luật Doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-cham-het-cho-tong-cong-ty-cuu-long-d129475.html