Dấu chấm hết cho Super League?

Ý tưởng về 'siêu giải đấu' tan rã, nhưng 12 đội bóng sáng lập cho thấy họ đang muốn tạo ra sự thay đổi.

Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) có thể vẫn chào đón "những kẻ nổi loạn trở lại". Chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus thừa nhận nhìn thấy "vẻ đẹp từ Super League". Điều này cho thấy mọi chuyện vẫn chưa thật sự ngã ngũ.

Sụp đổ

"Siêu giải đấu" đã sụp đổ. Champions League vẫn vững mạnh trên ngôi vương.

Mọi thứ thay đổi quá nhanh. Chỉ trong một đêm, "Big Six" (6 CLB lớn) của Premier League gồm Chelsea, Manchester City, Manchester United, Liverpool, Arsenal và Tottenham đều rút lui khỏi Super League. Trước đó, họ đều có chung ý tưởng thành lập "siêu giải đấu và cho rằng sân chơi này thật sự cần thiết.

Hôm 21/4, AC Milan, Inter và Atletico cũng nối gót "Big Six". Tất cả bị đảo lộn. Những gì diễn ra trong hơn 48 giờ qua hệt cuộc ngược dòng ngoạn mục, khi một đội bị dẫn 0-4 nhưng bất ngờ đảo ngược tình thế để thắng lại 5-4.

Từ chủ tịch FIFA, UEFA, các huyền thoại bóng đá tới người hâm mộ, tất cả đều chỉ trích Super League. Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin, phản đối kịch liệt dự thảo Super League.

"Ý tưởng thành lập ESL phỉ báng vào những người yêu bóng đá trên toàn thế giới. Chúng ta không thể để bóng đá rời xa người hâm mộ", ông Ceferin nói.

Giữa làn sóng chỉ trích dữ dội hướng về Super League, Chủ tịch Agnelli vẫn không để sức ép từ môi trường xung quanh tác động tới lý trí. Dù cho Juventus được cho là rút khỏi giải đấu, người đứng đầu đại diện thành Turin vẫn cảm thấy tiếc nuối.

Ông Agnelli cho biết "bị thuyết phục bởi vẻ đẹp của Super League". Nhưng bên cạnh việc thừa nhận giải đấu vẫn chưa được chuẩn bị hoàn hảo dẫn đến sụp đổ, người đứng đầu "Bà đầm già" khẳng định "cam kết xây dựng giá trị lâu dài cho tổ chức".

Chia sẻ của chủ tịch đội bóng Italy chỉ ra mọi thứ thật sự chưa hoàn toàn chấm dứt tại đây. Giới chủ của "nửa tá bẩn thỉu", cụm từ được ông Ceferin nhắc khi miêu tả 12 CLB ly khai, có vẻ tiếp tục tạo ra hố sâu ngăn cách giữa họ và "phần còn lại"

Tuyên bố của ông Agnelli cũng giống như thông điệp được phát đi từ một công ty hoặc nhượng quyền thương mại, chứ không phải CLB bóng đá hoạt động để dành phục vụ cho người hâm mộ. Điều này hoàn toàn trái ngược với bình luận từ HLV Graham Potter của Brighton trước trận hòa 0-0 với Chelsea, một trong 12 CLB ly khai, ở vòng 32 Premier League.

Thuyền trưởng Brighton nhấn mạnh bóng đá có những giá trị thuộc về truyền thống và không thể được thay thế cũng như bị mất đi. Nhà cầm quân này còn cảnh báo thế giới bóng đá cần để mắt đến giới thượng lưu tự phong.

"Super League giống như một công ty độc quyền đang cố gắng kiểm soát giải đấu vì lợi nhuận, chứ không phải vì người hâm mộ", HLV Potter chia sẻ với Sky Sports.

Nhà cầm quân 45 tuổi còn cho rằng đang có nhiều thế lực muốn khai thác lỗ hổng trong bóng đá để trục lợi. Ông tiếp tục yêu cầu mọi người phải cảnh giác, để từ đó duy trì bản sắc và giá trị thuần khiết của bóng đá.

"Bóng đá không chỉ có mỗi kinh doanh. Đó còn là về con người, bản sắc và giá trị. Người hâm mộ là tất cả. Họ không phải khách hàng. Họ là những người ủng hộ bóng đá", HLV Brighton nhấn mạnh.

Sự ra đời của Super League được cho là gây sức ép đến UEFA, buộc tổ chức này phải cải tổ Champions League. 12 đội ly khai đều muốn điều đó, và họ đã kích hoạt quả bom khiến thế giới bóng đá rung chuyển.

Thế nhưng, "pha ra đòn" của nhóm CLB sáng lập vẫn chưa thật sự mạnh. Super League coi như tan rã, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cuộc chiến mới bắt đầu

UEFA vẫn phải tích cực tìm kiếm thêm nguồn tài chính để thực hiện những thay đổi và xoa dịu 12 CLB ly khai. Trước đó, tổ chức này đã gọi các thành viên nổi loạn là "lũ rắn", và những gì nhóm này làm đang "phỉ nhổ vào mặt" người hâm mộ.

UEFA chắc chắn vẫn được hưởng lợi từ Champions League. Tiếng nói của cơ quan bóng đá quyền lực châu Âu sẽ lớn hơn. Tuy vậy, UEFA sau đó có thể vẫn phải hoàn toàn cúi đầu lần nữa trước tầng lớp "giới thượng lưu" tự phong.

Trên mạng xã hội, người dùng, cựu danh thủ và cầu thủ bày tỏ sự hài lòng khi UEFA đảo ngược tình thế trước Super League. Một số ý kiến khác ca ngợi "những kẻ nổi loạn" vì quyết định rút lui khỏi "siêu giải đấu".

12 đội bóng ly khai đã tự làm tổn hại danh tiếng và bộc lộ lòng tham tất cả đều biết. Tuy nhiên, những gì họ làm thật dự phát đi một thông điệp tới UEFA. Các CLB muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn.

HLV Ronald Koeman mạnh miệng chỉ trích UEFA trong bối cảnh Super League có sự tham gia của Barca đã sụp đổ. "UEFA đang nói rất nhiều. Họ không hề lắng nghe các đội bóng, các cầu thủ và huấn luyện viên. Thứ duy nhất họ quan tâm chỉ là tiền", nhà cầm quân người Hà Lan nói với ESPN.

Gần đây, chính phủ Anh nhóm họp và nêu ra ý tưởng hình thành cơ quan quản lý độc lập điều hành các CLB. Cũng có những lời kêu gọi buộc các chủ sở hữu đội bóng phải "khăn gói rời đi".

"72 giờ qua thật sự là những thời khắc căng thẳng. Chúng ta không thể chấp nhận vụ việc tương tự xuất hiện. Cần có biệt pháp mạnh để răn đe những kẻ nổi loạn, và không cho phép những chủ sở hữu đội bóng vô đạo đức tập hợp lại", Hiệp hội Cổ động viên Bóng đá cho biết.

Gần đây, đang có những lời kêu gọi các đội bóng Anh nên áp dụng mô hình quản lý kiểu "50+1" như tại Đức.

Điều luật này quy định một CLB bóng đá chuyên nghiệp ở Bundesliga muốn được cấp phép thi đấu phải sở hữu ít nhất 50% số vốn của chính CLB đó, và 1% còn lại thuộc về người hâm mộ. Với luật này, mọi cá nhân, tập đoàn bên ngoài dù có nhiều tiền đến đâu cũng không thể nắm quyền kiểm soát.

Đây có thể là giải pháp để ngăn chặn "Super League phiên bản tiếp theo ra đời". Sau đây, những tranh cãi có thể lại tiếp diễn. Điều này cũng cho thấy cuộc chiến mới chỉ thực sự bắt đầu. Và phe nào cũng đều khao khát giành quyền kiểm soát nhiều nhất có thể.

Nguyên Trí (Theo Eurosport)

Đồ họa: Minh Phúc.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-cham-het-cho-super-league-post1207042.html