Dấu ấn và thành tựu

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (1949 - 2019), Học viện Chính trị khu vực III đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trở thành địa chỉ tin cậy, là cái nôi đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cho khu vực miền trung, Tây Nguyên.

Học viện chính trị khu vực III

Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III trao huy hiệu 30, 45 năm tuổi Đảng tặng các đảng viên.

Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III trao huy hiệu 30, 45 năm tuổi Đảng tặng các đảng viên.

Học viện Chính trị khu vực III (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập theo chủ trương của Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu vào năm 1949, tên đầu tiên là Trường Đảng Liên khu V. Qua các giai đoạn, Trường có các tên gọi khác nhau: Trường Đảng Liên khu V (1949 -1954); Trường Đảng Khu V (1961-1976). Thời kỳ này, trường đào tạo gần 1.000 cán bộ chủ chốt cấp huyện, tỉnh và khu; bồi dưỡng nghị quyết cho hàng nghìn lượt cán bộ. Những lớp cán bộ là học viên của Trường trong giai đoạn này đã vận dụng sáng tạo những kiến thức được học vào công tác lãnh đạo của địa phương, đơn vị, góp phần vào công cuộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Tháng 4-1975, tại khu vực miền trung, Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã thành lập ba trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Trường Nguyễn Ái Quốc IV, Trường Tuyên huấn Trung ương II (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), Trường Nguyễn Ái Quốc XI (tỉnh Đắk Lắk). Năm 1983, thực hiện Quyết định số 15/QĐ-TW ngày 2-1-1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) “Về sắp xếp lại hệ thống trường Đảng”, các trường Đảng trên địa bàn miền trung, Tây Nguyên được hợp nhất thành Trường Nguyễn Ái Quốc III, đặt tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).

Trường trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng, có nhiệm vụ: đào tạo cán bộ theo chương trình lý luận chính trị cao cấp đối với các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, các trưởng ban của đảng ở cấp huyện, quận và thị xã, bí thư đảng ủy các xí nghiệp quốc doanh, các bệnh viện, trường học; bồi dưỡng lý luận chính trị và năng lực công tác cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của huyện, quận, thị xã và một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh; tổ chức nghiên cứu lý luận nâng cao chất lượng giảng dạy; mở các lớp hệ đặc biệt đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp huyện là người các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các huyện miền núi khu vực duyên hải miền trung.

Từ năm 1990 đến nay, trường đã đổi nhiều tên khác nhau và từ năm 2014 đến nay là Học viện Chính trị khu vực III. Ngày 8-8-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quyết định số 145/QĐ-TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, Học viện Chính trị khu vực III là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Học viện Chính trị khu vực III có nhiệm vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các đối tượng khác trên địa bàn các tỉnh miền trung, Tây Nguyên; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tổ chức, kiểm tra, nội chính, kinh tế, bảo vệ chính trị nội bộ, dân vận, văn phòng cấp ủy, tôn giáo, dân tộc...

70 năm qua, từ mái Trường Đảng này, hàng nghìn lượt cán bộ chủ chốt của khu vực miền trung, Tây Nguyên được học tập, rèn luyện và trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ những cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng 210 lớp với 15.212 học viên; trong đó có 182 lớp cao cấp lý luận chính trị với 12.954 học viên; hai lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị với 151 học viên; năm lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý với 460 học viên; 17 lớp bồi dưỡng công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận, tuyên giáo với 1.537 học viên; phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở bốn lớp cao học với 110 học viên…

Cùng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện xác định nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ chính. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Học viện Chính trị khu vực III thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học. Hiện nay, toàn Học viện có 84 giảng viên trong tổng số 201 công chức, viên chức của Học viện, trong đó có 50 tiến sĩ (11 phó giáo sư; 18 giảng viên cao cấp). Đây là nguồn nhân lực quyết định cho sự phát triển hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực III hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nghiên cứu, tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn của khu vực và đất nước.

Trong giai đoạn 2005 - 2018, Học viện Chính trị khu vực III thực hiện thành công 299 công trình nghiên cứu khoa học các cấp, xuất bản gần 100 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, giáo trình; có 808 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học có chỉ số ISSN. Đã có 502 báo cáo khoa học được thực hiện tại các hội thảo khoa học trong nước, quốc tế,… Từ tháng 3-1993, Tạp chí Sinh hoạt lý luận ra số đầu tiên, là tạp chí khoa học nằm trong hệ thống tạp chí quốc gia.

Thực tiễn cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, công chức, viên chức Học viện giàu tâm huyết, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và năng lực trong công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

70 năm qua, Học viện Chính trị khu vực III đã thể hiện bản sắc, vị thế, vai trò của Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là trung tâm nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở khu vực miền trung, Tây Nguyên. Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề. Chính vì vậy, Học viện Chính trị khu vực III luôn nỗ lực phấn đấu, xây dựng khối đoàn kết, giữ vững bản sắc Trường Đảng, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

TS Trần Văn Thạch (Học viện Chính trị khu vực III)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/42567502-dau-an-va-thanh-tuu.html