Dấu ấn tuổi 20

Cuối tháng 12/1979, tại trụ sở Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh), tôi vinh dự có mặt trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước tặng lực lượng Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh, Đồn 209 Pò Hèn, Đại đội 6, cùng với truy tặng danh hiệu cho 2 liệt sĩ là thượng úy Đỗ Sĩ Họa, đồn phó Đồn 209 Pò Hèn và trung úy Đỗ Chu Bỉ, Đại đội phó Đại đội 6 Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh.

Biên cương anh hùng

Tôi còn nhớ ngày đó, trung tá Vũ Minh Thụy, Chính ủy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh đã nói với chúng tôi, lớp các đồng chí là lớp chiến sĩ của lực lượng đang ở tuổi 20.

Những ngày sau đó, tôi đã dành thời gian tìm hiểu các trận chiến đấu vào ngày 17/2/1979 tại Đồn Pò Hèn, trận chiến đấu vào ngày 1/3/1979 tại chốt A1 của Đại đội 6 cách biên giới 300m.

Đoàn cán bộ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn sáng 17/2/2019.

Đoàn cán bộ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn sáng 17/2/2019.

Những năm sau này, tôi mới có điều kiện tiếp tục tìm hiểu về những ngày đầu diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979. Với truyền thống của lực lượng biên phòng cùng nghĩa tình đồng đội đã gắn kết với nhau, chúng tôi được gặp lại những chiến sĩ quân hàm xanh đã sống, chiến đấu tại các đơn vị trên biên giới những ngày đó.

Tôi đã đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị thuộc huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), nơi Lê Đình Chinh, chiến sĩ của Trung đoàn 12 thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang hy sinh vào 10h30 ngày 25/8/1978. Ngày 30/8/1978 anh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tôi cũng đã có mặt tại địa điểm của các đồn công an vũ trang được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 19/12/1979 như đồn 1 Sì Lờ Lầu, đồn 33 Ma Lù Thàng (Lai Châu), đồn 133 Pha Long, đồn 125 Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai), đồn 155 Lũng Làn (Hà Giang), trạm 171 cửa khẩu đồn Trà Lĩnh, đồn 167 Sóc Giang, đồn 179 Tà Lùng (Cao Bằng), đồn 193 Hữu Nghị, đồn 187 Pò Mã (Lạng Sơn) cùng các Đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn, Đại đội 6 Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh…

Phiên hiệu các đồn đã thay đổi từng thời kỳ (trước kia số thứ tự đồn đầu tiên từ Lai Châu và đồn cuối cùng tại Quảng Ninh), rồi lại thay đổi thứ tự ngược lại và nay là địa danh đồn đóng quân.

Cùng nhắc nhau tên Anh hùng, Đồn phó liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa ghi dòng đầu tiên trên bia.

Tại trận địa của Đồn Pò Hèn sáng 17/2/1979, quân xâm lược phía Bắc đã dùng pháo cỡ lớn, đại liên đồng loạt bắn phá dữ dội vào các mục tiêu của ta. Sau 30 phút bắn phá, chúng dùng 5 tiểu đoàn tăng cường, hơn 2.200 quân (quân số gấp hơn 20 lần của đồn lúc đó) chia thành 3 mũi vượt dòng sông Ka Long tấn công vào Đồn Pò Hèn. Mũi chính diện, vượt qua cửa khẩu Pò Hèn, một mũi vượt sông biên giới qua Đồi Tây, một mũi Lục Chắn… bao vây đồn Pò Hèn.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Pò Hèn dũng cảm chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ biên giới nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế bị địch chiếm giữ. Sau khi ta lấy lại được Đồi Quế, quân xâm lược đã lùi ra xa và gọi pháo binh tiếp tục bắn dữ dội vào Đồi Quế.

Ngày 1/3/1979, Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu. Địch đã tập trung pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch ào ạt xông lên. Trong tình huống đó, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh cho cán bộ, chiến sĩ đồng loạt nổ súng, bắn mãnh liệt vào đội hình của địch. Bị thất bại nặng nề, chúng lùi lại cho pháo binh bắn cấp tập vào trận địa, khi pháo chuyển làn, bộ binh lại ào ạt xông lên. Lần này chúng chiếm được giao thông hào bên phải chốt, người đại đội phó vẫn bình tĩnh chỉ huy phân đội dùng lưỡi lê, lựu đạn, báng súng đánh giáp lá cà, đẩy địch ra khỏi chiến hào.

Sau thất bại của 2 lần tiến công, địch tăng viện một tiểu đoàn, chia thành hai mũi: Một mũi đánh Đồn Hoành Mô, một mũi đánh chốt A1. Đỗ Chu Bỉ chỉ huy cả đơn vị đánh địch ở cả hai hướng. Bị thương vào tay, vào sườn, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy cán bộ, chiến sĩ tiếp tục chiến đấu và đã anh dũng hy sinh tại trận địa.

Pò Hèn - Nơi khắc ghi khí phách anh hùng

Pò Hèn từ lâu đã được biết đến như một bản hùng ca tinh thần cách mạng, lòng quả cảm của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Một đồng nghiệp từ Hà Nội xuống đã viết, nếu đi dọc biên giới phía Bắc từ Điện Biên đến Quảng Ninh, từ núi ra biển, sẽ thấy vị trí của đỉnh thiêng Pò Hèn (trước đây là Đồn 209, tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái) như một bông hoa đỏ trên vầng trán của Tổ quốc.

Từ tấm bia đầu tiên được các chiến sĩ Pò Hèn dựng lên ghi dấu vị trí Đồn xưa để tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ngày 17/2/1979, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Bác 19/5/2010, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh huy động từ các tập thể, đơn vị, cá nhân trên mọi miền đất nước xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. Công trình được khánh thành ngày 10/1/2011, tổng diện tích khuôn viên trên 86.304m2, gồm các hạng mục: Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau vừa là tượng trưng cho ba dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống tại nơi này, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh ở chính giữa tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương Tổ quốc.

Các cựu chiến binh và người thân cùng dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại ngôi mộ gió Pò Hèn.

Nhà bia có tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979. Tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979. Sân khu tưởng niệm và vườn cây và nhà lưu niệm với nét kiến trúc cổ kính trong không gian linh thiêng, sâu lắng đã minh chứng cho khí phách hào hùng của các chiến sĩ biên phòng và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.

Là công trình ý nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và mang dấu ấn truyền thống của bộ đội biên phòng, Khu tưởng niệm được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 23/1/2014.

Kỷ niệm 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất thực hiện Dự án xây dựng, tu bổ Di tích lịch sử Pò Hèn giai đoạn 2 với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Được khởi công từ ngày 9/5/2018, công trình đã hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Tại đây đã xây dựng thêm ngôi mộ gió ngay phía sau Đài tưởng niệm, xây dựng cổng và nhà khách khang trang…

Tâm nguyện của những cựu chiến binh

CCB Trần Văn Lãm, 65 tuổi, từ tỉnh Thái Bình đưa con trai ra Pò Hèn nhân kỷ niệm 40 năm đồng đội mình đã hy sinh.

Cuộc chiến đã đi qua 40 năm, nhưng với cựu chiến binh của Đồn Pò Hèn thì những tấm gương chiến đấu anh dũng trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó không bao giờ họ quên được. Các cựu chiến binh biên phòng mong muốn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Quảng Ninh cần đề nghị mở rộng diện tích khu Di tích lịch sử Pò Hèn gồm cả trận địa chốt Đồi Quế và trận địa Trạm kiểm soát, chốt quan sát Đồi Tây xưa, những địa danh lịch sử trên biên cương vào khu di tích và công nhận Pò Hèn là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Lý do Pò Hèn là di tích tiêu biểu tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước và rất cần được khắc sâu trong tiềm thức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng như câu đối khắc ghi tại đây: “Tận trung với nước lấy sơn hà xã tắc là thiêng/Tận hiếu với dân lấy độc lập tự do làm quý”. Pò Hèn là di tích lịch sử cấp quốc gia, không chỉ thu hút du khách, mà còn là điểm về nguồn lý tưởng nhằm bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Xuân (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201903/ky-niem-60-nam-ngay-truyen-thong-bo-doi-bien-phong-viet-nam-33-1959-2019-30-nam-ngay-bien-phong-toan-dan-33-1989-2019-dau-an-tuoi-20-2425125/