Dấu ấn từ lễ hội trăm năm!

Những ngày cuối tháng 4 (âm lịch), mọi sự tập trung của du khách đổ dồn về núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) để cùng hòa mình vào không khí của mùa vía bà, sống trong không gian của một lễ hội có truyền thống trăm năm.

Mưa lất phất bay làm cho đất trời Châu Đốc những ngày chính của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thật dễ chịu. Với mục tiêu nâng chất lễ hội truyền thống của địa phương, UBND TP. Châu Đốc và Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam đã tạo mọi điều kiện để người dân và du khách cùng tham gia Lễ phục hiện rước tượng bà từ trên đỉnh núi xuống miếu. Đúng 15 giờ ngày 26-5 (nhằm ngày 22-4 âm lịch), Lễ phục hiện rước tượng bà bắt đầu từ Nhà bia ghi danh liệt sĩ phường Núi Sam. Trong tiết trời dìu dịu, từng đoàn người đổ về nhà bia và lắng nghe những lời hịch trang trọng, tái hiện không khí chuẩn bị lên núi rước bà của cư dân vùng Vĩnh Tế - núi Sam hàng trăm năm trước.

Trong làn khói hương nghi ngút, tưởng nhớ đến công lao của các vị anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước, mọi người bắt đầu đi bộ lên đỉnh núi rước tượng bà. Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi cho biết: “Nhằm đảm bảo tính truyền thống cho sự kiện văn hóa lịch sử đặc biệt của thành phố, chúng tôi yêu cầu mọi người tham gia lễ hội cùng đi bộ lên núi rước tượng bà, bởi đây là nét đẹp truyền thống đã hình thành từ thời cha ông xưa. Mặt khác, việc đi bộ lên núi sẽ giúp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông vì lượng người tham gia Lễ phục hiện rước tượng bà khá đông”.

Dẫn đầu đoàn rước tượng bà là hàng chục lân - sư - rồng đủ màu sắc cùng tiếng trống rộn ràng. Tiếp theo là đoàn binh lính, chức sắc, đoàn trai tráng khiêng kiệu bà rồi đến cán bộ địa phương và đông đảo du khách. Tất cả đều tuần tự tiến lên núi, với tấm lòng thành kính ngưỡng vọng đến công đức của Chúa Xứ Thánh Mẫu. Đã có những giọt mồ hôi và hơi thở hào hển nhưng tất cả mọi người đều quyết tâm lên đến đỉnh núi rước bà, bởi được tham gia vào hoạt động tái hiện lịch sử này khá thú vị, nhất là với du khách từ nơi xa đến với Châu Đốc - núi Sam.

Dọc theo tuyến đường lên núi là những cây bằng lăng đang mùa hoa nở và mấy tán phượng “thắp lửa” đỏ rực xen lẫn màu xanh của lá. Khung cảnh trên núi đẹp hiền hòa pha lẫn chút lãng mạn. Những cơn gió mát rượi kéo lòng người gần hơn với thiên nhiên. Đoàn rước tượng bà vẫn tiếp tục đi. Từng vạt nắng chiều cứ trải dài trên vách đá và nhạt dần theo bước đi của thời gian. Đoàn người đã lên đến đỉnh núi và thực hiện các nghi lễ cung thỉnh Chúa Xứ Thánh Mẫu. Lúc này, câu chuyện hàng trăm tráng đinh trong làng Vĩnh Tế xưa không thể nhấc nổi pho tượng và Chúa Xứ Thánh Mẫu đạp đồng về bảo phải có 9 cô gái đồng trinh, ăn mặc thật đẹp đến thỉnh thì bà mới xuống núi được tái hiện sống động trước mắt mọi người. Không gian trên đỉnh núi Sam chìm vào huyền thoại. Sau khi các nghi lễ tiến hành xong, đoàn rước tượng bà trở xuống núi.

Quá trình xuống núi, đoàn rước tượng bà đi với tốc độ nhanh hơn. Ông Nguyễn Hữu Minh (du khách tham gia cùng đoàn) chia sẻ: “Đi chuyến này mới biết rước bà ở núi Sam thú vị, dù có hơi mệt. Nào giờ chỉ nghe kể hoặc đọc qua sách báo, nay chính thức tham gia rước bà mới thấy Lễ phục hiện hay quá. Tôi cố gắng lên đến đỉnh núi, rồi cầu nguyện bà phù hộ cho gia đình được sức khỏe, làm ăn thành đạt!”.

Kiệu bà về đến miếu thì trời tối hẳn. Lúc này, Lễ phục hiện lại tiếp tục với câu chuyện huyền thoại về việc tượng bà bỗng dưng nặng trịch, không thể đi được nữa. Các bô lão đã tiến hành dâng hương thỉnh ý bà và gieo quẻ. Quẻ gieo linh ứng cho biết bà đã đồng ý chọn nơi yên vị là vị trí ngôi miếu ngày nay. Sau những tiết mục văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật liên quan đến huyền sử về Chúa Xứ Thánh Mẫu, nghi lễ thỉnh bà nhập miếu bắt đầu. Đoàn rước tượng Bà lại cung thỉnh chiếc mão của Chúa Xứ Thánh Mẫu (tượng trưng cho tượng bà) vào miếu. Sau khi bà đã an cung tọa vị, các bô lão, chức sắc cùng lãnh đạo địa phương và người dân thắp hương khấn nguyện Chúa Xứ Thánh Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an.

Lúc này, Lễ phục hiện rước tượng bà đã kết thúc nhưng ấn tượng đọng lại trong lòng mỗi người là cảm giác được sống lại không khí của hàng trăm năm trước, để hiểu rõ hơn ngọn nguồn câu chuyện huyền sử liên quan đến vị Thánh Mẫu của đất phương Nam. Việc phục hiện hoạt động lịch sử này sẽ góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống liên quan đến Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, qua đó nâng cao công tác tổ chức, thu hút du khách đến với TP. Châu Đốc khi những cơn mưa đầu mùa mang màu xanh của lá phủ đầy ngọn núi Sam huyền thoại.

Bài, ảnh: THANH TIẾN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/dau-an-tu-le-hoi-tram-nam--a247077.html