Dấu ấn từ các nghị quyết chuyên đề

Nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và bảo vệ môi trường (BVMT), ngày 18-8-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020' (gọi tắt là Nghị quyết 04) và Nghị quyết số 05-NQ/TU về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025' (gọi tắt là Nghị quyết 05).

Trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn Thanh Hóa năm 2019. Ảnh: Lê Duy

Đến nay, sau 4 năm thực hiện các nghị quyết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, công tác đảm bảo VSATTP và BVMT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và các tầng lớp Nhân dân về công tác đảm bảo VSATTP và BVMT đối với sức khỏe con người. Cùng với đó, để có cơ sở cho việc triển khai thực hiện các nghị quyết, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động thực hiện, như xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, giai đoạn 2017-2020; xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; tăng cường kiểm soát thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh...; ban hành một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; quy định các khoản phí, lệ phí về lĩnh vực tài nguyên và môi trường...

Trên cơ sở các kế hoạch hành động và cơ chế, chính sách của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương đã xây dựng các chương trình hành động, nhằm tạo sự thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kinh nghiệm về công tác VSATTP và BVMT cho cán bộ, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tầng lớp Nhân dân được quan tâm. Theo đó, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về ATTP cho đội ngũ cán bộ quản lý ATTP từ tỉnh đến cấp xã, tổ giám sát cộng đồng thôn/bản/phố, tổ giám sát chợ và người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các lớp tập huấn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác BVMT và các nhiệm vụ BVMT... Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội còn tích cực vận động xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn do cán bộ, đoàn viên, hội viên làm chủ; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ BVMT. Đối với công tác BVMT, 100% các huyện, thị xã, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

Để khuyến khích sản xuất thực phẩm, rau an toàn, từ năm 2016-2018, UBND tỉnh đã phân bổ trên 37 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 128,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh, 25,5 ha rau an toàn trong nhà lưới, xây dựng 59 cửa hàng kinh doanh rau an toàn; hỗ trợ 64 tỷ đồng phát triển 23 khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn... Từ năm 2017 đến tháng 6-2019, ngân sách các địa phương đã hỗ trợ cho công tác đảm bảo ATTP trên 43 tỷ đồng, 9 tháng năm 2020 đã hỗ trợ xây dựng các mô hình với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng... Về thực hiện Nghị quyết 05, đến tháng 6-2020 đã có 5 dự án được miễn giảm tiền thuê đất, với tổng số tiền gần 12,6 tỷ đồng; UBND tỉnh hỗ trợ mua xe đẩy rác và xây dựng điểm tập kết rác cho 303 xã với tổng kinh phí 10,54 tỷ đồng; hỗ trợ các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các làng nghề, khu sản xuất và chăn nuôi tập trung, dự án cấp nước sạch, với tổng kinh phí gần 136 tỷ đồng; hỗ trợ 6 địa phương xử lý bằng công nghệ đốt với tổng kinh phí 30,398 tỷ đồng... Từ năm 2016 đến nay, ngân sách chi sự nghiệp môi trường đã được phân bổ tăng lên đáng kể qua các năm, đảm bảo 1,5% tổng chi ngân sách của địa phương (mức tối thiểu của Trung ương quy định là 1%).

Có thể khẳng định, với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của các ngành và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân bằng các chương trình, hành động, việc làm cụ thể đã tạo được những chuyển biến trong nhận thức, hành động về công tác đảm bảo VSATTP và BVMT đối với sức khỏe của người dân và đời sống xã hội. Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh (đến cuối tháng 6-2019) tỷ lệ sản phẩm thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh được kiểm soát, đáp ứng các quy định về ATTP đạt 71%; thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung ứng thông qua các chuỗi liên doanh liên kết, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận đạt 34,5%; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về điều kiện ATTP đạt 72,5%; 305 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đáp ứng các quy định về ATTP; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP đạt 10%; tỷ lệ bếp ăn tập thể được công nhận đảm bảo ATTP đạt 67,1%...

Các em học sinh trường tiểu học xã Hà Bình cắt, ghép, phun sơn chai nhựa thành các bông hoa trang trí trường, lớp học. Ảnh: Minh Hiền

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 05, theo đánh giá của Ban Cán sự UBND tỉnh, đến tháng 6-2020 đã hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường đối với 45/82 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 85%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn (đến hết năm 2019) đạt 77,6%, trong đó có 16 huyện và 3 thị xã, thành phố đạt từ 71,8-100%; khối lượng chất thải rắn công nghiệp được thu gom, tái sử dụng, xử lý đạt 95% (tương đương 1,18 triệu tấn/năm). Đặc biệt, qua rà soát có 443 cơ sở trong diện phải di dời theo quy hoạch nông thôn mới tại các xã và dự kiến việc di dời sẽ hoàn thành vào năm 2025... Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 05 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: 4 chỉ tiêu đến năm 2020 đạt thấp so với mục tiêu nghị quyết; việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn theo phương pháp chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp quá tải, không hợp vệ sinh, đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh; tiến độ triển khai dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại các khu xử lý trọng điểm của tỉnh rất chậm...

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05, ngày 7-9-2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 2073-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân đối với công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về BVMT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT; tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, tổ chức quốc tế về BVMT.

Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/dau-an-tu-cac-nghi-quyet-chuyen-de/126341.htm