Dấu ấn Trương Vĩnh Ký với báo chí Việt Nam

'Nhà báo Trương Vĩnh Ký từng làm việc cho người Pháp nhưng vẫn là người yêu nước theo cách của riêng mình' – đó là nhận định của nhà nghiên cứu về lịch sử, di sản đô thị Trần Hữu Phúc Tiến tại tọa đàm về nhà báo Trương Vĩnh Ký do Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) hay còn có tên là Petrus Ký là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học… Cuộc đời của ông gắn liền với sự phát triển của chữ quốc ngữ, với việc quảng bá trên báo chí, sách vở, trong đó đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa Văn - Sử - Địa bằng chữ Quốc ngữ.

 Các tư liệu về nhà báo Trương Vĩnh Ký trưng bày tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Các tư liệu về nhà báo Trương Vĩnh Ký trưng bày tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Đó cũng là cuộc đời của một người làm báo Việt Nam trong bối cảnh một phần đất nước được coi là thuộc địa của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Lúc sinh thời, Trương Vĩnh Ký được giới khoa học châu Âu tôn trọng. Năm 1874 ông được phong Giáo sư ngôn ngữ Á Đông và được tôn vinh là một trong 18 “toàn cầu bác học danh giá” ngang với những tên tuổi lẫy lừng của phương Tây thời đại đó. Ngoài ra, ông còn viết trên tờ Gia Định Báo ngày 15/4/1867: “Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết”. Tồn tại hơn 44 năm, từ tháng 4/1865 đến tháng 1/1/1910, tờ Gia Định báo đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi nhà báo Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống động về tài năng, lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 155 năm trước.Dù còn nhiều quan điểm “nâng lên đặt xuống” về nhà báo Trương Vĩnh Ký qua nhiều năm nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông là người Việt đầu tiên "làm thầy giáo" chữ quốc ngữ. Theo những tài liệu để lại, Trương Vĩnh Ký là tác giả của những cuốn sách giáo khoa đầu tiên mang tên Ngữ pháp tiếng Annam (Abrégé de grammaire Annamite) in năm 1867. Sau đó là hàng loạt sách giáo khoa như Chuyện tiếng An Nam và tiếng Langsa, Sách tập nói chuyện tiếng An Nam và tiếng Langsa, Phép lịch sự An Nam, Văn phạm tiếng An Nam, Chữ quốc ngữ và lịch sử An Nam... Theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, nhà báo Trương Vĩnh Ký sinh ra và lớn lên vào buổi giao thời nhưng ông là người tiên phong trong việc phát triển văn hóa hiện đại Việt Nam trên nền văn hóa cổ truyền, với hơn 100 tác phẩm đã in, 40 tập di cảo và ông đã kêu gọi người dân giữ văn hóa Việt Nam thời điểm đó.“Trương Vĩnh Ký là người phổ biến truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu - một tác giả chống Pháp, viết những tác phẩm dạy chữ quốc ngữ nhưng thực ra là để truyền bá những câu chuyện lễ nghĩa của phương Đông, đưa mục Sử An Nam lên Gia Định báo. Ông viết sách lịch sử Việt Nam, viết lịch sử Sài Gòn trước khi người Pháp vào, đăng bài hịch chống Pháp của Nguyễn Tri Phương trên tạp chí Thông loại khóa trình…” – ông Trần Hữu Phúc Tiến cho biết. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định với những gì mà Trương Vĩnh Ký để lại thì ông là tác giả quốc ngữ lớn và phong phú nhất từ khi chúng ta dùng chữ quốc ngữ.Tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Nhà báo Trương Vĩnh Ký” do Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam tổ chức như một lần nữa khẳng định vai trò, những đóng góp của ông cho nền báo chí Việt Nam, thông qua đánh giá nhận định của các chuyên gia và các tư liệu còn lưu giữ.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dau-an-truong-vinh-ky-voi-bao-chi-viet-nam-396172.html