Dấu ấn thơ Léc-man-tốp

Mi-khai-in Y-u-ri-ê-vich Léc-man-tốp sinh ngày 15-10-1814, trong một gia đình quý tộc tại Matxcơva. Ông từng sống nhiều năm ở Kapkaz. Đã học ĐH Tổng hợp Mát-xcơ-va, Trường võ bị Xanh Pê-téc-bua. Ông mất ngày 27-7-1841, lúc mới 27 tuổi trong một cuộc đấu súng với với Mác-tư-nốp, bạn học cùng trường võ bị.

Ông xuất hiện lần đầu trên văn đàn ngày 10-2-1837 bằng bài thơ “Cái chết của nhà thơ” sau khi nghe tin Pu-skin đã chết do trọng thương trong cuộc đấu súng với với một người Pháp có tên Đăng-tét (Dantes) trước đó hai ngày. Bài thơ được lan truyền nhanh chóng, trong đó có những câu: Và dòng máu nhơ bẩn các người khôn rửa/ Vết máu thiêng liêng thắm đỏ của thi hào... Cuộc đấu súng xảy ra vì tình cảm cá nhân, danh dự bị xúc phạm; nhưng sâu xa, một xã hội tàn độc, giả dối, nhỏ nhen không dung chứa được tâm hồn trong trắng và khát vọng tự do lớn lao của nhà thơ cũng như nhà thơ không thể dung hòa được trong xã hội ấy: Không phải các ngươi thì còn ai nữa/ Rắp tâm đuổi xua tự do, bất khuất của thiên tài? Không ngờ được và những câu thơ khóc Pu-skin này đã ứng nghiệm vào chính Léc-man-tốp bốn năm sau đó.

Tuy chỉ sáng tác trong vòng hơn 10 năm, từ 1830 đến khi mất (1841), với tiểu thuyết Một anh hùng thời đại, hai trường ca và hàng trăm bài thơ, Léc-man-tốp được lịch sử văn học Nga đánh giá là một nhà thơ lớn, sau mặt trời thi ca Nga Pu-skin. Ngay khi Léc-man-tốp vừa chết, Sa hoàng Nikolai I báo tin cho các cận thần: “Các ngài, ta vừa nhận được tin rằng, người có thể thay thế Pu-skin cho chúng ta vừa mới bị giết”.

Léc-man-tốp là một nhà thơ tình say đắm, một cá tính sáng tạo riêng biệt. Ông tận cùng trong tình yêu; triệt để phê phán sự giả dối - dù mang danh nước Nga (thôi giã biệt nước Nga ô uế); triệt để trong việc dấn thân đi tìm một chân trời mới. Thơ ông, vì vậy mãi mãi là tiếng hát say mê mọi con tim, là bàn tay vẫy gọi lên đường...

Xuân

Xuân đến, sông băng đã vỡ rồi

Muôn nghìn thảng thốt vỡ và trôi

Trên đồng, tuyết cũng dần tan chảy

Tửng trảng đất đen đội tuyết trồi!

*

Bóng tối như mây còn bảng lảng

Phủ trên đồng vừa chớm xanh tươi

Như ác mộng phủ nỗi buồn cay đắng

Lên dại khờ, trong trắng của hồn tôi

*

Tôi thấy rõ đất trời đang trẻ lại

Nhưng hồi sinh, trẻ lại chỉ đất trời!

Tôi xa xót những môi nồng thiếu nữ

Những má hồng như lửa sẽ tàn phai!

*

Và vì vậy, con tim tôi buồn khổ

Chẳng thể nào yêu xuân được, xuân ơi!

________

Bài thơ này là bài thơ của Léc-man-tốp được in trên báo (Atenei). Lúc ấy, nhà thơ mới 16 tuổi. Léc- man-tốp viết bài thơ này ngày 12-8-1830, và tự đặt dưới chân nàng Ê-ka-tê-ri-na Xu-xkô-va (1812-1868, một phụ nữ thượng lưu hơn Léc-man-tốp hai tuổi), ngày nàng chia tay với nhà thơ về Mát-xcơ-va.

Giá chúng mình chưa yêu nhau tha thiết

Giá mình đừng quá thơ ngây

Đừng yêu đắm đuối, đừng say ngọt ngào

Giá đừng gặp gỡ chi nhau

Để khi ly biệt, chẳng đau xé lòng...

*

Không đề (Họ yêu nhau say đắm tự bao giờ)

Họ yêu nhau nhưng không ai cả

Dám công khai thú nhận điều này

Hai-nơ

Họ yêu nhau say đắm tự bao giờ

Đã khắc khoải nhớ nhung, đã khổ đau tột đỉnh

Họ cố tránh nhau như hai người thù hận

Nhạt nhẽo, lạnh lùng... như không có điều chi

*

Rồi một ngày, họ phải chia xa

Chỉ còn mộng. Và đắng cay vì kiêu hãnh

Đến khi chết, dưới suối vàng vắng lạnh

Gặp nhau rồi cũng chẳng nhận ra nhau...

*

Cánh buồm

Đơn chiếc, xa xăm một cánh buồm

Bao la biển biếc, trắng nhòa sương

Thuyền hỡi, tìm chi miền đất lạ?

Giã từ tất cả chốn quê hương?

*

Gió rít từng cơn, sóng thét gào

Cột buồm rên xiết, ngả nghiêng chao

Chẳng trốn, chẳng tìm chi hạnh phúc

Mà thuyền dấn mãi bước gian lao...

*

Lấp lánh biển xanh, ánh sáng ngời

Trên buồm, rực rỡ nắng vàng tươi...

Bình yên sẽ đến cùng giông tố

Cầu thêm bão nổi giữa trùng khơi!

______

Bài thơ này thể hiện tư tưởng nổi dậy của tác giả cũng như nhiều trí thức tiến bộ nhằm chống lại Nga Sa hoàng. Đã được nhạc sĩ A.Vác-la-mốp phổ nhạc.

Tổ quốc

Tôi yêu Tổ quốc tôi - không phải vì lý trí

Nó tự nhiên, kỳ lạ đến vô cùng...

*

Khi chưa biết vinh quang phải đổi bằng máu thắm

Ngày thanh bình tin tưởng ở xanh trong

Một tục xưa, lời cha ông sâu thẳm

Chưa dấy lên bao khát vọng trong lòng...

*

Tôi yêu Tổ quốc tôi, vì đâu tôi chẳng biết

Những thảo nguyên trầm mặc tự bao đời

Những cánh rừng bát ngát gió xanh tươi

Những dòng sông tràn trề như biển biếc

*

Tôi yêu những đường quê ruổi xe mải miết

Tôi lắng nhìn thấy trong bóng đêm đen

Vài ánh lửa hắt nỗi buồn leo lét

Khẽ thương về một quán trọ qua đêm...

*

Yêu làn khói trên đồng đốt rạ

Yêu đêm thảo nguyên dừng nghỉ những đoàn xe

Yêu thân trắng đôi bạch dương song song trên gò nhỏ

Giữa màu vàng của đồng lúa mênh mông.

*

Tôi sung sướng niềm vui mà ai đó chưa từng

Khi thấy cảnh những sân kho đầy ắp lúa

Ngôi nhà nhỏ xinh xinh vừa lợp rạ

Ô cửa xinh được chạm trổ kỳ công

*

Tôi thức tận khuya, dù đêm nặng trĩu sương

Say đêm hội ngất ngây trong điệu nhảy

Tiếng huýt sáo, tiếng cười, tiếng nói

Tiếng khề khà của mấy lão nông say...

_______

Bài thơ này lần đầu có tên “Đất tổ quê cha”. Nhà phê bình Bi-ê-lin-xki ngay năm 1841 viết: “Nếu bài Tổ quốc được đăng - thì lạy Thánh A-la, đó là một tuyệt tác, xứng tầm cỡ Pu-skin, nghĩa là một trong những bài thơ Pu-skin hay nhất”.

VÂN YÊN giới thiệu và dịch

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/43941602-dau-an-tho-lec-man-top.html