Dấu ấn thầy thuốc quân hàm xanh

Trong những năm qua, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP, lực lượng Quân y BĐBP đã làm tốt công tác bảo vệ và chăm lo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo. Hình ảnh người thầy thuốc mang quân hàm xanh hết lòng, tận tụy chăm sóc người bệnh đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân biên giới. Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2019), Báo Biên phòng có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP về dấu ấn của đội ngũ quân y BĐBP nơi biên giới.

Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP.

Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP.

- Thưa đồng chí, trong thời gian qua, việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi biên giới đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

- Hiện nay, BĐBP có gần 150 phòng khám và trạm y tế quân dân y. Trong đó, có 88 phòng khám quân dân y, 56 trạm y tế quân dân y và 4 phòng khám hữu nghị. Thời gian qua, ngoài những đợt khám chữa bệnh giúp dân theo kế hoạch thì đội ngũ thầy thuốc mang quân hàm xanh vẫn thường xuyên khám, chữa bệnh cho bà con nơi biên giới tại các đồn Biên phòng, các phòng khám và trạm y tế quân dân y.

Ở nhiều xã biên giới, quân y các đồn Biên phòng góp phần rất lớn thực hiện chức năng y tế cơ sở, các phòng khám quân y biên phòng là “cánh tay nối dài” của trạm y tế xã, cung cấp dịch vụ y tế đến tận người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho phần lớn đồng bào các dân tộc vùng cao, góp phần tích cực trong việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.

Năm 2018, đội ngũ quân y BĐBP đã khám, chữa bệnh cho hơn 150.000 lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá trên 1 tỉ đồng cho nhân dân khu vực biên giới Việt Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia.

Trong Chương trình “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản” được tổ chức tại Hà Giang (1-2019), Quân y BĐBP đã khám, chữa bệnh cho 520 lượt người, cấp thuốc miễn phí hơn 75 triệu đồng cho bà con các dân tộc trên địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Hà Giang. Ngoài ra, trong 2 đợt khám, chữa bệnh giúp dân tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La (10-2018), Quân y BĐBP đã khám cho hơn 700 lượt người, cấp thuốc miễn phí gần 100 triệu đồng.

- Quân y BĐBP đã tạo được dấu ấn gì trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi biên giới, thưa đồng chí?

- Ngoài việc khám chữa bệnh giúp dân, Quân y BĐBP còn thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân các dân tộc về nếp sống vệ sinh, khoa học, bài trừ nạn mê tín dị đoan, góp phần xóa bỏ các tập tục lạc hậu, phòng chống lao, sốt rét, suy dinh dưỡng..., góp phần nâng cao sức khỏe cho bà con và củng cố niềm tin tưởng của nhân dân các dân tộc đối với lực lượng BĐBP.

Quân y BĐBP còn tích cực tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở khu vực biên giới, theo Quy chế đã ký kết với Cục Phòng, chống AIDS, Bộ Y tế; triển khai mô hình kết hợp quân dân y cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai cho người nghiện ma túy trên địa bàn các xã khu vực biên giới, theo Quy chế phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...

Mặt khác, Quân y BĐBP cũng tham gia có hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, đặc biệt, đã tham gia xóa 8 xã trắng về tiêm chủng mở rộng trên địa bàn Lai Châu; phối hợp tiêm chủng mở rộng cho hàng triệu lượt các đối tượng trong diện được tiêm chủng.

Giai đoạn 2014-2015, BĐBP đã huy động gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi tại hơn 1.000 xã trên cả nước, với nhiều hình thức phong phú, góp phần vào thành công của chiến dịch tại các xã biên giới, hải đảo. Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể khi tổng kết chiến dịch.

- Bên cạnh công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân Việt Nam, Quân y BĐBP đã tham gia như thế nào trong khám, chữa bệnh cho nhân dân các nước láng giềng, thưa đồng chí?

- Hiện nay, BĐBP có 4 phòng khám quân dân y thực hiện công tác đối ngoại, gồm: Phòng khám hữu nghị Bến Cầu (BĐBP Tây Ninh), Phòng khám quân dân y Thoọng Pẹ (bản Thoọng Pẹ, thị trấn Lạc Sao, huyện Bolykhamxay, Lào), Phòng khám hữu nghị Lóng Sập (BĐBP Sơn La), Phòng khám quân dân y Phon Thoong (tỉnh Luang Prabang, Lào). Riêng 2 phòng khám quân dân y được xây dựng trên đất bạn Lào hoạt động rất hiệu quả, mỗi năm khám cho 3.000 – 4.000 lượt người dân, cấp thuốc miễn phí hàng trăm triệu đồng cho nhân dân nước bạn, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Lực lượng quân y hai nước Việt Nam – Trung Quốc cùng khám chữa bệnh cho nhân dân huyện Phục Hòa (tỉnh Cao Bằng) trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 5. Ảnh: Viết Hà

Bên cạnh đó, lực lượng Quân y BĐBP cũng đóng góp không nhỏ trong sự thành công của các chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới. Một số chương trình tiêu biểu trong năm 2018 như: Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 5, diễn ra tại Cao Bằng (11-2018), Quân đội hai nước Việt Nam, Trung Quốc tổ chức khám chữa bệnh chung cho nhân dân hai bên biên giới với quy mô tương đối lớn, đội ngũ bác sĩ quân y có trình độ chuyên môn cao.

Tại đây, lực lượng Quân y BĐBP đã tuyên truyền cho nhân dân địa bàn huyện Phục Hòa (Cao Bằng) về mục đích, ý nghĩa của chương trình khám chữa bệnh chung; lựa chọn các đối tượng ưu tiên, gia đình chính sách để đăng ký khám, chữa bệnh; tham gia tổ cấp cứu cơ động, khám chữa bệnh tại nhà..., góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi biên giới.

Trong Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất, diễn ra tại Kon Tum (11-2018), Quân y BĐBP đã phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương tổ chức khám, chữa bệnh cho 1.000 lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 300 triệu đồng cho nhân dân biên giới hai nước Lào và Campuchia địa bàn đối diện tỉnh Kon Tum.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Thùy Trang (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dau-an-thay-thuoc-quan-ham-xanh/