Dấu ấn qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh

Sau 90 năm lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 18 kỳ đại hội. Và, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, được diễn ra từ ngày 26 đến 28-10-2020. Mỗi kỳ đại hội là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành to lớn về công tác xây dựng Đảng, phong trào cách mạng của Đảng bộ tỉnh trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Nhiều pa nô, áp phích được lắp đặt để tuyên truyền Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Ảnh: Nguyễn Minh

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, thực hiện chủ trương của Đảng về việc thành lập các đảng bộ địa phương trong cả nước, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 29-7-1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Đến nay, sau 90 năm lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 18 kỳ đại hội. Và, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được diễn ra từ hôm nay đến ngày 28-10-2020. Mỗi kỳ đại hội là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành to lớn về công tác xây dựng Đảng, phong trào cách mạng của Đảng bộ tỉnh trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Do thực tiễn của tình hình cách mạng trong tỉnh, giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1948, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chưa có điều kiện tiến hành các kỳ đại hội. Đến tháng 2-1948, Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, tại làng Thuần Hậu, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Đại hội ra nghị quyết “Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, thành hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường; tổ chức chiến đấu tại chỗ thắng lợi, bảo vệ vững chắc hậu phương trong mọi tình huống”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ II (tháng 4-1949), Đại hội lần thứ III (từ ngày 20-6 đến ngày 5-7-1950), Đại hội lần thứ IV (từ ngày 1 đến ngày 5-5-1952) đã đề cao nhiệm vụ tăng cường đoàn kết toàn dân, củng cố chính quyền cách mạng, phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở đảng; quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ địa, hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trên cả hai phương diện, đảm bảo hậu cần và chiến đấu bảo vệ quê hương, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương giao phó, góp phần quan trọng cùng với cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ V (từ ngày 25-2 đến ngày 5-3-1961); Đại hội lần thứ VI (từ ngày 7 đến ngày 17-7-1963); Đại hội lần thứ VII (từ ngày 21-10 đến ngày 4-11-1969), đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo đầy đủ và kịp thời mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn, tăng cường lực lượng vũ trang, giữ vững trật tự an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; phát triển kinh tế địa phương toàn diện, cân đối và với tốc độ nhanh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VIII (từ ngày 19 đến ngày 28-5-1975), đã xác định tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22, 23 và Chỉ thị 208 của Trung ương Đảng, phát huy khí thế cách mạng toàn dân, sử dụng hợp lý tài nguyên, đất đai, lao động và cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng. Đại hội quyết định mở đợt phát động thi đua “Tiến quân vào thời kỳ mới” trong thời gian 55 ngày (từ ngày 5-6 đến ngày 30-7-1975).

Những công trình mới được xây dựng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX (được tiến hành 2 vòng, vòng I từ ngày 11 đến ngày 19-11-1976; vòng II, từ ngày 4 đến ngày 11-5-1977), Đại hội lần thứ X (từ ngày 5 đến ngày 12-10-1979), đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, tổ chức lại nền kinh tế, mở rộng các ngành sản xuất, tập trung giải quyết các vấn đề lương thực, đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phát triển sự nghiệp văn hóa, xã hội; đồng thời, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm tốt nghĩa vụ quốc tế với tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI (vòng 1, cuối năm 1982 và vòng 2 được tiến hành từ ngày 28-3 đến 1-4-1983) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ từ năm 1983-1985 là: Đổi mới cung cách làm ăn, phát huy tiềm năng thế mạnh, sản xuất nhiều hàng hóa, nhất là lương thực. Tăng cường quốc phòng - an ninh, đập tan chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XII (từ ngày 23 đến ngày 29-10-1986) xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ XII là: Từ lương thực, xuất khẩu, sản xuất hàng hóa phong phú, đa dạng mà đi lên. Xây dựng cơ cấu kinh tế sát hợp. Gắn phát triển kinh tế với xã hội, coi trọng chiến lược xây dựng con người, lấy giáo dục phổ thông và bảo vệ sức khỏe làm cơ bản. Thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, lấy dân làm gốc, lấy cơ sở làm nền tảng, lấy sức mạnh tại chỗ là chính. Tập trung sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng sức mạnh của 4 vùng kinh tế. Trọng điểm là khai thác thế mạnh trung du - miền núi, tăng cường đầu tư khai thác kinh tế biển, tạo thế đi lên vững chắc của đồng bằng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIII (vòng 1, diễn ra từ ngày 25 đến 27-4-1991; vòng 2, từ ngày 24 đến 27-9-1991), Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1996-2000 (từ ngày 7 đến ngày 10-5-1996), đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ: Giữ vững thế ổn định chính trị, tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, khai thác sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển; kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, cải thiện đời sống Nhân dân.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2001-2005 (từ ngày 2 đến ngày 5-1-2001) đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới là: Đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH, đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, từng bước thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường và củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2005-2010 (từ ngày 19 đến ngày 22-12-2005) đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ là: Huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực phát triển kinh tế với tốc độ cao bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đến năm 2010, ra khỏi tỉnh nghèo; đến năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Lần đầu tiên, đại hội đề ra 5 chương trình trọng tâm để phấn đấu thực hiện: Chương trình xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây; Chương trình đào tạo sử dụng nguồn nhân lực; Chương trình phát triển xuất khẩu; Chương trình phát triển du lịch.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010–2015 (từ ngày 17 đến ngày 20-10-2010) tiếp tục đề ra 5 chương trình trọng tâm để phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 17 - 18%; đồng thời phấn đấu đến năm 2015 đạt mức thu nhập trung bình của cả nước, đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh tiên tiến.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 (từ ngày 22 đến ngày 25-9-2015) đề ra phương hướng chung cho nhiệm kỳ là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội đã đề ra 5 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các chương trình, mục tiêu trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 28-10-2020. Chủ đề của đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2020 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đạt được nhiều thành tựu to lớn và vẻ vang. Đó là cơ sở để Nhân dân tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh tiếp tục làm nên những kỳ tích mới, đưa Thanh Hóa ngày càng phát triển giàu đẹp, phồn vinh, sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hà Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dau-an-qua-cac-ky-dai-hoi-dang-bo-tinh/126312.htm