Dấu ấn 'phong cách tên lửa'

Mỗi phóng viên trong Phòng Quân sự đều phải đọc, phải học để hiểu chất riêng của nhau. Mỗi bài báo ra đời là thành quả của cả một 'ê-kíp tên lửa' đầy hiệu quả và chính xác...

Dù đã bước qua tuổi 90, song ông vẫn giữ cho mình dáng vẻ nhanh nhẹn, tinh thần lạc quan, trí tuệ minh mẫn. Đó là Đại tá Trần Tiệu, nguyên Trưởng phòng Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh), Báo Quân đội nhân dân; thủ lĩnh của tập thể phòng phóng viên có “phong cách tên lửa”.

Năm 1971, Thiếu tá Trần Tiệu nhận quyết định của Tổng cục Chính trị về Báo Quân đội nhân dân công tác. Trong câu chuyện với tôi, ông cho rằng thời gian ở Báo Quân đội nhân dân để lại dấu ấn sâu sắc nhất và ông luôn tự hào về các thế hệ phóng viên-chiến sĩ Phòng Quân sự. Theo ông, đó đều là những nhà báo chiến sĩ có khả năng hoạt động độc lập, mỗi người có phong cách riêng, độc đáo, song đều có tác phong công tác nhanh, hiệu quả-được khái quát bằng cách nói rất quân sự là “phong cách tên lửa”: Đi nhanh, phát hiện vấn đề nhanh, lấy tài liệu nhanh, viết nhanh, tìm cách gửi về nhanh.

Ông chia sẻ, phóng viên Phòng Quân sự bằng mọi cách phải đến được địa điểm tác nghiệp thật nhanh. Thời đó, phương tiện của phóng viên đi công tác chủ yếu là xe đạp, nhiều khi di chuyển mất mấy ngày trời. “Cái khó ló cái khôn”, nhiều phóng viên chủ động liên hệ với các đơn vị trong toàn quân để đi nhờ xe vận tải. Khởi đầu đã nhanh nhưng quá trình tác nghiệp cũng không được chậm, phải nhìn nhận, phát hiện được vấn đề, xử lý tình huống nhanh nhạy, tốc ký nhanh chóng, nắm bắt được tình hình, kịp thời “về đích”: Gửi bài về tòa soạn. Tủm tỉm cười, ông kể cho tôi nghe chuyện hồi Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh ngày nay) mới giải phóng, phương tiện ô tô, xe máy thu được của địch nhiều, có phóng viên Phòng Quân sự chưa biết đi xe máy, ấy vậy mà vì cần gửi bài về Hà Nội cho kịp giờ xe chạy đã dũng cảm ngồi lái, đó cũng là tinh thần xông pha(!).

“Phong cách tên lửa” ấy không chỉ ở các phóng viên tiền tuyến mà còn có ở các phóng viên, biên tập viên “hậu phương”, tất cả các khâu, các mục, từ biên tập, trau chuốt câu từ, hình ảnh hóa nội dung theo ý của tác giả đến đánh máy, in ấn. Do vậy, mỗi phóng viên trong Phòng Quân sự đều phải đọc, phải học để hiểu chất riêng của nhau. Mỗi bài báo ra đời là thành quả của cả một “ê-kíp tên lửa” đầy hiệu quả và chính xác. Ê-kíp ấy bao gồm những nhà báo đa tài cùng phối hợp vẽ bản đồ, các mũi tiến công, mà đặc biệt nhất là người đồ họa (vẽ, đặt thước đo tọa độ) lại ở cách xa người mô tả qua điện thoại đang ở chiến trường, hiện trường hoặc qua những bài viết, lá thư. Trong bài viết “Những năm tháng ở Phòng Quân sự, Báo Quân đội nhân dân” in trong cuốn “Thời gian và ký ức” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2013), Đại tá Trần Tiệu viết: “Không tác nghiệp với “phong cách tên lửa” thì làm sao Báo Quân đội nhân dân suốt mấy cuộc chiến tranh có những ký sự nóng bỏng, những tin, bài phản ánh, tường thuật chiến đấu kịp thời, những điển hình từ một vài phân đội lan tỏa rất nhanh khắp toàn quân. Một trận đánh, một đợt chiến đấu, một chiến dịch vừa kết thúc, Báo Quân đội nhân dân đã có ngay những bình luận “nảy lửa”, “rung động con tim”, cổ vũ bộ đội vượt lên đầu thù, xốc tới”.

Để có những bài viết gửi về vừa đúng tiến độ, vừa bảo đảm nội dung, các nhà báo chiến sĩ Phòng Quân sự luôn giữ cái đầu minh mẫn, bình tĩnh, vót gọt từng câu từ trước khi gửi về “hậu phương”. Qua câu chuyện của nhà báo, Đại tá Trần Tiệu, tôi cảm phục các thế hệ nhà báo chiến sĩ Báo Quân đội nhân dân luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, xông pha chiến trường, lăn lộn thực tế để viết nên những bài báo kịp thời, hấp dẫn, lay động lòng người, góp phần làm nên chiến công của Quân đội nhân dân, của dân tộc Việt Nam anh hùng...

LAN PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dau-an-phong-cach-ten-lua-640771