Dấu ấn ông Vương Đình Huệ trong bức tranh kinh tế sáng màu

Bốn năm giữ trọng trách Phó Thủ tướng, ông Vương Đình Huệ có rất nhiều đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

Sáng 11/6, Quốc hội hoàn thành thủ tục miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Vương Đình Huệ.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, có được bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng là do ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã có quyết tâm rất lớn, thể hiện một lời hứa trước nhân dân rất mạnh mẽ là Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì dân và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển.

Trong đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với vai trò là một nhà kinh tế chiến lược đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ kinh tế quan trọng mà Thủ tướng giao phó.

“Thời gian qua, ông Vương Đình Huệ đã đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Chúng ta cần có nhiều nhà chiến lược kinh tế như ông Vương Đình Huệ”, ĐB Vũ Trọng Kim nói.

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ đã làm tốt vai trò của mình.

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ đã làm tốt vai trò của mình.

Ấn tượng với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay, qua quá trình giám sát cá nhân, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tham mưu giúp Thủ tướng về lĩnh vực kinh tế vĩ mô.

“Nhiều lần, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội để lý giải nhiều vấn đề rất quan trọng. Với sự hiểu biết rất sâu sắc, tôi cho rằng Phó Thủ tướng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời gian qua”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Cũng theo vị đại biểu đoàn Bến Tre, trong quá trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham mưu, chỉ đạo trong lĩnh vực của mình, ông nhìn nhận thấy có rất nhiều nét “tươi mới”, có tính khoa học trong vấn đề đánh giá, xây dựng chính sách về kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua. Từ đó góp phần giúp Chính phủ hoàn thành tốt các kế hoạch, chỉ tiêu đặt ra.

Trong quá trình điều hành công việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là người có kiến thức rất quy củ, bài bản…

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, có lẽ, kinh nghiệm từ công tác giảng dạy trong nhiều năm đã giúp Phó Thủ tướng hệ thống hóa được kiến thức.

“Tôi từng chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rất nhiều. Nhìn chung, những vấn đề Phó Thủ tướng trả lời đều rất mạch lạc, diễn giải hợp lý khi thể hiện trên diễn đàn của Quốc hội”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhận định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi dấu ấn rõ nét trong bức tranh kinh tế sáng màu.

Có thể nói, thành quả kinh tế - xã hội đạt được từ đầu nhiệm kỳ tới nay còn được lan tỏa tới các vùng nông thôn trên cả nước.

Giai đoạn 4 năm qua đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Bắt đầu từ chỉ đạo sửa đổi Bộ tiêu chí xã nông thôn mới sát với thực tiễn của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả chương trình, tránh lãng phí các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần xây dựng cảnh quan khang trang, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân nông thôn. Sau 3,5 năm triển khai, cả nước có trên 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 1,5 năm so với Nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ.

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho biết, với vai trò Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên tục xuống địa phương, cơ sở chỉ đạo, đốc thúc thực hiện.

"Hình ảnh ông Vương Đình Huệ đến thăm hỏi, động viên bà con làm ăn với những mô hình kinh tế mới, những tổ hợp tác xã kiểu mẫu ở những vùng miền núi xa xôi đã trở nên quen thuộc. Chính vì vậy cái ông Vương Đình Huệ được chính quyền và người dân các địa phương mến mộ", ĐBQH Nguyễn Văn Chiến “tiết lộ”.

Từ tháng 2/2020, theo phân công của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ngay khi bắt tay vào công việc ở cương vị mới, ông Vương Đình Huệ đã phải đối mặt với nhiệm vụ, thử thách hết sức khó khăn, đó là ngăn chặn đại dịch COVID-19 tại Thủ đô - nơi được cho là tâm dịch. Bằng bản lĩnh, sự nỗ lực và tâm huyết của người lãnh đạo và nhân dân Thủ đô, TP Hà Nội đã chiến thắng dịch bệnh.

Cùng với chống dịch, lãnh đạo TP Hà Nội cũng ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy cũng đã làm việc, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội như: Tăng cường sản xuất nông nghiệp, về dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; về giải ngân vốn đầu tư công; làm việc với Đảng bộ khối doanh nghiệp Hà Nội và 11 tổng công ty lớn của thành phố.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đã đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, là địa phương đầu tiên cả nước được Thủ tướng quan tâm làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về kinh tế, xã hội…

Đặc biệt, trong các cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ luôn yêu cầu phải đề cập đến việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần "góp gió thành bão", cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân...

"Hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây vừa là một danh dự, đồng thời cũng là một trách nhiệm rất lớn lao đối với đồng chí Vương Đình Huệ khi ở cương vị mới. Nhưng tôi tin rằng ông Huệ sẽ kế thừa những thành quả của thế hệ đi trước, cùng tập thể lãnh đạo thành phố đoàn kết xây dựng Hà Nội năng động, đổi mới, sáng tạo", ĐBQH Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.

Bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng

Tròn 4 năm ở Chính phủ, cá nhân phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng tập thể Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế vĩ mô, góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua.

Một trong những mảng sáng nhất trong bức tranh kinh tế đó là tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011-2015, duy trì tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019, với tốc độ tăng tương ứng đạt 6,81%; 7,08% năm 2017, 2018. Đặc biệt, tăng trưởng GDP 7,02% của năm 2019 là một tin vui khi mà các tổ chức quốc tế đều cho rằng, nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "bốn thấp" (tăng trưởng thấp, thương mại- đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp).

Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD hiện nay, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD).

Đáng chú ý là lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giảm từ 7,7% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 3,1% bình quân giai đoạn 2016-2017, năm 2018 là 3,54%, năm 2019 là 2,79% (vượt kế hoạch đặt ra). Điều ấn tượng trong chính sách điều hành giá là Chính phủ không chỉ kiểm soát được lạm phát mà còn hỗ trợ cho tăng trưởng bằng việc điều chỉnh giá các dịch vụ công do nhà nước quản lý theo thị trường. Lạm phát cơ bản bình quân được duy trì ở mức thấp, năm 2017 và 2018 lần lượt là 1,41%, 1,48%; năm 2019 là 2,01%.

Đến nay, tái cơ cấu lại đầu tư công cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản, đồng thời, tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên.

Thanh Liêm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dau-tu/dau-an-ong-vuong-dinh-hue-trong-buc-tranh-kinh-te-sang-mau-ar551459.html