Dấu ấn nông thôn mới trên quê hương danh nhân Nguyễn Công Trứ

Vốn là địa phương không có nhiều lợi thế khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nhưng bằng sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - quê hương danh nhân Nguyễn Công Trứ, cũng là quê hương Đại thi hào Nguyễn Du đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí hiện tại.

Văn hóa là động lực

Là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Hà Tĩnh, được lựa chọn là một trong 2 huyện điểm nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân gặp không ít khó khăn. Năm 2010 - trước thời điểm tiến hành xây dựng nông thôn mới, theo đánh giá, xã khá nhất của huyện cũng mới chỉ đạt 4 tiêu chí, đa phần chưa đạt tiêu chí nào.

Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 18%, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ hơn 6 triệu đồng… Với thực tại đó, để đưa huyện Nghi Xuân về đích nông thôn mới, cần thực hiện một khối lượng lớn công việc với kinh phí đầu tư lớn, trong lúc ngân sách Nhà nước cho chương trình còn hạn chế.

“Giữa muôn vàn những khó khăn, Đảng bộ huyện Nghi Xuân xác định hướng xây dựng nông thôn mới của mình dựa trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống, với mục tiêu làm giàu thêm các giá trị văn hóa làng xã để chủ thể nông thôn mới thực sự là người dân” - ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân chia sẻ.

Tuyến đường khu dân cư kiểu mẫu Hương Mỹ - Xuân Mỹ (Hà Tĩnh). Ảnh: nongthonmoihatinh.vn

Phát huy bề dày truyền thống, lịch sử, xã Tiên Điền - quê hương Đại thi hào Nguyễn Du cùng Xuân Giang, Xuân Mỹ, Xuân Viên, Xuân Hoa... đã trở thành những đơn vị dẫn đầu các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Những địa phương này đã có cách làm độc đáo, sáng tạo, gắn văn hóa với du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, tạo thêm nhiều việc làm mới cho nông dân, được du khách trong, ngoài nước đến thăm khen ngợi.

Nghi Xuân cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh mạnh dạn bổ sung thêm tiêu chí thứ 11 vào bộ tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đó là: mỗi khu dân cư kiểu mẫu có 1 câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Đến nay, toàn huyện đã có trên 165 câu lạc bộ với nhiều loại hình phong phú như ca trù, dân ca ví giặm, trò Kiều, sắc bùa, chầu văn…

Từ điểm tựa văn hóa, Nghi Xuân đã bứt phá vươn lên, trở thành huyện dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Được sáp nhập từ 2 thôn Tiên Phong và Tiên Giang, năm 2015, thôn Phong Giang được xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân) chọn làm điểm xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với điểm xuất phát còn nhiều khó khăn.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình, Trưởng thôn Phong Giang Trần Thị Lành cùng liên đoàn cán bộ thôn đã họp bàn thống nhất những nội dung công việc theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đấy”.

Với vai trò là trưởng thôn, bà Lành luôn gần gũi, tìm hiểu những vấn đề người dân đang phải đối mặt trong quá trình sản xuất và đời sống để kịp thời tham mưu cho chính quyền giải quyết một cách hiệu quả. Không chỉ vận động, thuyết phục nhân dân bằng lời nói suông, bà Lành cùng các cán bộ trong thôn thường xuyên đến dọn dẹp vườn tược, cắt tỉa bờ rào... cho những gia đình già cả, neo đơn.

Từ những việc làm tận tâm của nữ trưởng thôn Trần Thị Lành, không ai bảo ai, tất cả người dân thôn Phong Giang đều động viên nhau thi đua xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, năm 2016, thôn Phong Giang đã được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cấp tỉnh, trở thành điểm tham quan hấp dẫn của nhiều du khách.

Ông Phạm Ngự Bình, Chủ tịch UBND xã Tiên Điền cho biết: “Vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên chưa bao giờ được phát huy một cách hiệu quả, thiết thực như trong quá trình xây dựng nông thôn mới vừa qua. Từ yêu cầu nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới mà mỗi cán bộ, đảng viên đã có sự thay đổi rõ nét về nhận thực, cán bộ đã trăn trở với những yêu cầu của người dân, trở thành những tấm gương để người dân học tập”.

Cùng với việc phát huy vai trò gương mẫu của người “cầm trịch” là những bí thư, thôn trưởng, huyện Nghi Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, mỗi địa phương đều có cách triển khai phù hợp tình hình thực tiễn.

Trong khi xã Xuân Hồng lấy việc tập trung triển khai xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu làm điểm đột phá thì xã Xuân Phổ lại tập trung xây dựng các tuyến giao thông liên xã tạo đà cho phát triển kinh tế... Nhiều xã như Xuân Lĩnh, Xuân Lam, Cương Gián… chọn những thôn khó khăn làm điểm đột phá; thôn lại chọn tổ liên gia; tổ liên gia chọn hộ nghèo, hộ neo đơn để tuyên truyền vận động...

Phong trào xây dựng nông thôn mới đến nay đã thấm sâu vào ý thức của mỗi người dân Nghi Xuân. Từ nhận thức xây dựng nông thôn mới là đón nhận nguồn lực từ trên hỗ trợ xuống như một chương trình, dự án; đến nay mỗi người dân Nghi Xuân đều tự ý thức được mình là chủ thể, huy động sức dân là chính, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng. Sức lan tỏa của phong trào xây dựng nông thôn mới đã thấm sâu vào người dân, trở thành khát vọng của chính người dân để đổi mới quê hương và thay đổi chính mình.

Về Nghi Xuân hôm nay, ngoài chiêm ngưỡng nhiều địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng, được thưởng thức những di sản văn hóa phi vật thể trường tồn còn nhân loại, còn bắt gặp những mô hình kinh tế mới, nhiều khu dân cư giàu đẹp, yên bình mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Đến nay, toàn huyện Nghi Xuân đã xây dựng được 694 mô hình, trong đó có 100 mô hình lớn, 113 mô hình vừa và 481 mô hình nhỏ. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả bằng công nghệ tiên tiến như: Mô hình Trung tâm Sản xuất giống tôm Thông Thuận (Cương Gián) quy mô 3 tỷ con/năm; mô hình trồng rau thủy canh lớn nhất Hà Tĩnh của HTX An Tâm Farm (xã Xuân Hải); dự án nông nghiệp công nghệ cao (tại Xuân Mỹ); các mô hình phát triển kinh tế trang trại; trồng dưa lưới theo công nghệ Isarel (xã Xuân Viên); trại lợn giống siêu nạc phục vụ chăn nuôi (Xuân Thành, Cổ Đạm).

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, từ 28,5 triệu đồng (năm 2015) lên 38 triệu đồng (năm 2018). Đây là kết quả đáng tự hào đối với huyện không có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực nông nghiệp như Nghi Xuân.

Các mô hình phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp, dịch vụ… ngày càng được nhân rộng, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghi Xuân đã huy động nguồn lực gần 2.600 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách nhà nước và nguồn vốn lồng ghép gần 900 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 900 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp gần 145 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hóa trên 450 tỷ đồng…

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Xuân, ngày 10/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1709/QĐ-TTg công nhận huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân mà còn là niềm vui lớn của cả tỉnh Hà Tĩnh khi là huyện đầu tiên đạt danh hiệu cao quý này trước thời hạn 2 năm.

Hoàng Ngà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/dau-an-nong-thon-moi-tren-que-huong-danh-nhan-nguyen-cong-tru-20181214104354347.htm