Dấu ấn những công trình, phần việc chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang

Thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đã sôi nổi thi đua lao động sản xuất, kinh doanh lập thành tích thực hiện 13 công trình, phần việc trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Những công trình này hoàn thành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đã sôi nổi thi đua lao động sản xuất, kinh doanh lập thành tích thực hiện 13 công trình, phần việc trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Những công trình này hoàn thành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, thực hiện Kế hoạch số 117-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về việc thực hiện công trình, phần việc chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với tổng số 13 công trình. Trong đó có bảy công trình đã hoàn thành, ba công trình đã khởi công xây dựng, ba công trình đang tiếp tục thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, mỗi công trình là dấu ấn chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI.

1. Xã hội hóa đầu tư xây dựng 581 cầu nông thôn

UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2016 - 2020. Đề án (Đề án 426) đã huy động nguồn lực với tổng vốn đầu tư 806 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ các nguồn lực xã hội là 585 tỷ đồng (vượt 105 tỷ đồng so với kế hoạch), nhân dân đóng góp 117.164 ngày công và 1.523 m2 đất làm cầu. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu của Đề án là 1.577 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương đóng góp 647 tỷ đồng, địa phương đóng góp 450 tỷ đồng và vốn xã hội hóa là 480 tỷ đồng). Giai đoạn từ 2016 - 2020, đã có 581 cầu nông thôn (vượt 100 cầu so với Đề án) được thực hiện hoàn thành, đạt 120,7% kế hoạch đề ra.

Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện Đề án là tinh thần chia sẻ cộng đồng, người dân có điều kiện, sẵn sàng góp công, góp của để cùng Nhà nước xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc. Đặc biệt, khi triển khai hoàn thành Đề án xã hội hóa đã có sức lan tỏa rất lớn đối với người dân khu vực nông thôn, đã tạo được ý thức tự xây dựng và bảo vệ các công trình cầu, đường giao thông nông thôn.

2. Khánh thành Nhà Văn hóa Lao động tỉnh

Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang.

Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang.

Ngày 19-9-2020, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang đã làm lễ khánh thành, đưa Nhà Văn hóa Lao động (tại phường Mỹ Phước, TP Long) đi vào hoạt động. Công trình có quy mô khối nhà chính bốn tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 5.740 m2, bao gồm các khu vực như: Khu văn hóa - thể thao trong nhà đa năng 3.600 m2; sân khấu biểu diễn gồm 500 chỗ ngồi, khán đài với sức chứa khoảng 2.000 người; phòng tập thể hình và thể dục thẩm mỹ…

Đây là công trình kiến trúc đóng vai trò là điểm nhấn văn hóa của tổ chức công đoàn An Giang trong việc quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.

3. Khởi động tuyến nối tỉnh lộ 91 – tuyến tránh thành phố Long Xuyên

Lễ giao mặt bằng và khởi động Dự án tuyến nối quốc lộ 91 – tuyến tránh TP Long Xuyên.

Ngày 20-8-2020, UBND TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ hoàn thành và bàn giao mặt bằng Dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Đây là dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 17,3 km, đi qua tám phường, xã của TP Long Xuyên, tổng diện tích thu hồi hơn 460 nghìn m2 đất, liên quan 558 hộ dân. Điểm đầu tuyến kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống, điểm cuối kết nối với quốc lộ 91 tại khu vực Giáo xứ Cần Xây (phường Bình Đức, TP Long Xuyên).

Dự án nhằm giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm giao thông đường bộ được thông suốt, liên tục, từng bước kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

4. Nâng cấp đường phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp với đê ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên (ĐT 955A)

Ngày 11-9-2020, tại khu vực cầu Tha La thuộc xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang long trọng tổ chức lễ khánh thành dự án nâng cấp tuyến đường phục vụ an ninh - quốc phòng kết hợp đê ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên. Dự án nâng cấp tuyến đường phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp đê ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên (ĐT 955A) từ TP Châu Đốc đi Cửa khẩu Tịnh Biên, dài 21 km, tổng kinh phí đầu tư trên 994 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 682 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 312 tỷ đồng.

Đây là một trong những công trình giao thông quan trọng của tỉnh, là tuyến vành đai biên giới có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới phía Tây Nam, vừa là tuyến đê bao kiểm soát lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên nói chung, các xã đầu nguồn huyện Tịnh Biên và TP Châu Đốc nói riêng. Dự án còn kết nối với quốc lộ 91, 91C và đường tỉnh 957 đi nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu Tịnh Biên và Cửa khẩu Khánh Bình. Đồng thời, dự án sẽ phục vụ nhu cầu giao thông vận tải của địa phương, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế khu vực.

5. Khởi công xây dựng Nhà hát tỉnh

Mô hình Nhà hát tỉnh.

Ngày 22-9-2020, UBND tỉnh làm lễ khởi công xây dựng Nhà hát tỉnh An Giang tại phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích đất là 16.328 m2, với quy mô bao gồm khối nhà hát; khối trụ sở (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang); công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà; giao thông sân bãi ngoài trời; đường dạo bộ; sân khấu ngoài trời; quảng trường, với tổng mức đầu tư hơn 215 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh.

Việc đầu tư xây dựng Nhà hát tỉnh An Giang nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và các phong trào văn nghệ quần chúng.

6. Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015-2020

Đây là tập tài liệu được biên soạn trên cơ sở sưu tầm, tập hợp những hình ảnh, tư liệu giới thiệu hình ảnh và những thông tin cơ bản về các đồng chí Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, một số hình ảnh về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và những thành tựu nổi bật của tỉnh.

Tập tài liệu Kỷ yếu góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà, nhất là cho thế hệ trẻ.

7. Sách chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh An Giang

Công trình này chính thức khởi động thực hiện từ tháng 8-2020, tập sách chân dung nhằm cung cấp thông tin một cách súc tích, cô đọng về thân thế, hoạt động của từng nhân vật. Tập sách sẽ tôn vinh những Anh hùng đã dũng cảm chiến đấu, chấp nhận gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thông yêu nước, đạo đức, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ.

8. Cất mới 1.000 căn nhà đại đoàn kết

Đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh đã cất mới 1.241 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu về nhà ở, tổng trị giá hơn 64,7 tỷ đồng. Công trình nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới theo lộ trình năm 2020 - 2021 của tỉnh và các địa phương còn nhiều hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở. Trong đó ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, chia sẻ những khó khăn, vất vả và giúp đỡ các gia đình có được căn nhà khang trang, vững chắc, có nơi an toàn che nắng, che mưa. Đồng thời, vượt qua khó khăn vươn lên để cuộc sống được ấm no, hạnh phúc, tốt đẹp hơn.

9. Công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến dự và trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I cho Đảng bộ TP Long Xuyên vào tối 20-8-2020. Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang, TP Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đặc biệt, TP Long Xuyên nằm trên hành lang gắn kết với năm cửa khẩu của tỉnh An Giang, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế. Cùng với việc phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển dịch vụ và kinh tế biên mậu, thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, với vai trò là trung tâm giao thương, tiêu thụ, trung chuyển hàng hóa của tỉnh An Giang và Vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Long Xuyên đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL.

10. Khởi công Công trình trụ sở làm việc mới của Công an tỉnh An Giang

Lễ khởi công xây dựng trụ sở Công an tỉnh.

Ngày 5-9-2020, Công an tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng cơ sở làm việc. Công trình do Công an tỉnh làm chủ đầu tư, với kinh phí xây dựng 612 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ gần 260 tỷ đồng, phần còn lại Bộ Công an hỗ trợ.

Trụ sở làm việc Công an tỉnh tại khóm Đông Thịnh 8, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên với tổng diện tích 23 nghìn m2 gồm khối nhà làm việc trung tâm, quy mô chín tầng nổi, một tầng bán hầm và tám hạng mục công trình khác, như: hội trường, khối làm việc tiếp dân, nhà luyện tập võ thuật và thể thao, bếp-nhà ăn, nhà tàng thư, kho hậu cần kỹ thuật, nhà ở doanh trại.

Công trình thực hiện nhằm xây dựng cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.

THANH DŨNG – QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thong-tin-doanh-nghiep/dau-an-nhung-cong-trinh-phan-viec-chao-mung-dai-hoi-dang-bo-tinh-an-giang-617736/