Dấu ấn Nhật Bản trong các thỏa thuận thương mại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Năm 2019 đánh dấu vai trò nổi trội của Nhật Bản trong các thỏa thuận thương mại tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có khả năng trở thành yếu tố quyết định tương lai cấu trúc kinh tế của khu vực này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: EPA/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: EPA/TTXVN

Tờ Japantimes cho rằng Nhật Bản đã tìm thấy vai trò ảnh hưởng của chính mình trong các cuộc đàm phán gần đây về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP vào đầu năm 2017, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng TPP đã chết. Các mục tiêu chiến lược cho thấy ban đầu, Nhật Bản nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump trở lại hiệp định nhưng không thành công. Nhưng sau đó, Nhật Bản đã hướng ưu tiên sang vấn đề kinh tế, khởi động những động thái để hoàn tất TPP mà không có thị trường lớn nhất. Tokyo đã dẫn đầu và tổ chức một liên minh của những đối tác cùng chí hướng để cứu vớt hiệp định, và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 thành viên đã hoàn tất chỉ 1 năm sau đó.

Japantimes lý giải nguyên nhân Nhật Bản có thể thúc đẩy CPTPP hay TPP-11 vượt được khỏi giới hạn là do Tokyo có nhiều thuộc tính cần thiết cho sự lãnh đạo ngoại giao thương mại. Là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nên thị trường của Nhật Bản có quy mô đủ để đàm phán với các nền kinh tế có đồng nội tệ có sức nặng trên thị trường. Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao tin cậy với hầu hết các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong các nước thành viên ASEAN. Nhật Bản cũng đã chứng tỏ khả năng thỏa hiệp, sẵn sàng đưa các lĩnh vực nhạy cảm trong nước như ngành nông nghiệp vào TPP.

Ngoài ra, theo Japantimes, Nhật Bản được xem là quốc gia duy nhất có khả năng lãnh đạo thương mại khu vực tại thời điểm này. Các nước ủng hộ tự do hóa thương mại khác như Singapore, Thái Lan, Australia lại thiếu sức mạnh kinh tế và ngoại giao để lãnh đạo. Trong khi đó, Trung Quốc lại mang các vấn đề địa chính trị lên bàn đàm phán.

Tờ Japantimes cho rằng, với việc Ấn Độ rút khỏi vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), việc có thể hoàn tất đàm phán RCEP với chỉ còn 15 nền kinh tế trong năm 2020, hay sẽ khiến các nhà đàm phán quay lại điểm xuất phát hoàn toàn phụ thuộc vào việc Nhật Bản sẽ xử lý "sự quay đầu" của New Delhi như thế nào. Đây cũng được coi là chỉ dấu cho vai trò mới của Nhật Bản như một “nhân tố có ảnh hưởng” cho thỏa thuận thương mại khu vực tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo báo trên, khi được hỏi liệu RCEP có tiếp tục không khi không có Ấn Độ, Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản đã trả lời rằng ông không nghĩ về điều đó và Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để thuyết phục Ấn Độ tham gia thỏa thuận này. Trước đó Nhật Bản là một trong những quốc gia ủng hộ hàng đầu đối với khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tìm kiếm với sự hội nhập tốt hơn của Ấn Độ trong cấu trúc khu vực. Hai nước đã nhanh chóng nâng cấp quan hệ song phương trong những năm gần đây, với cuộc họp ngoại giao và quốc phòng theo cơ chế “2+2” đã được bổ sung hồi tháng 11 vừa qua.

Kết luận bài báo, Japantimes khẳng định, lần thứ hai chỉ trong hai năm, Nhật Bản đã tìm thấy vai trò ảnh hưởng của chính mình cho một thỏa thuận khu vực quy mô lớn có tác động đến toàn cầu. Cho dù hiện tại nước này chọn chiến lược ưu tiên hay mục tiêu kinh tế thì cũng đều có khả năng quyết định tương lai của cấu trúc kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Minh Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dau-an-nhat-ban-trongcac-thoa-thuan-thuong-mai-an-do-duong-thai-binh-duong-20191226121411204.htm