Dấu ấn ngoại giao

Thủ tướng Nhật Bản S.Abe vừa kết thúc chuyến thăm năm ngày tới vùng Vịnh. Diễn ra trong bối cảnh khu vực này đang 'nóng lên' bởi cuộc đối đầu Mỹ - Iran, chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe nhằm tìm kiếm sự hợp tác bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho 'đất nước mặt trời mọc', đồng thời thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để 'hạ nhiệt' căng thẳng ở Trung Đông.

Ba quốc gia mà người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản dừng chân trong chuyến thăm Trung Ðông lần này là A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Oman. Thủ tướng S.Abe muốn tìm kiếm sự hợp tác từ "ông vua dầu mỏ" A-rập Xê-út cũng như các nước trong khu vực, nhằm bảo đảm nguồn cung dầu mỏ cho Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ đe dọa nguồn cung "vàng đen" bị gián đoạn. Là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, Nhật Bản phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ Trung Ðông, chiếm gần 90% lượng dầu thô nhập khẩu vào nước này. Trong đó, UAE là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai của Nhật Bản. Tại cuộc hội đàm với Hoàng Thái tử UAE Al Nahyan, Thủ tướng S.Abe đã nhận được sự bảo đảm từ UAE trong việc cung cấp dầu mỏ ổn định.

Những bất ổn tại Trung Ðông rõ ràng ảnh hưởng đến lợi ích của Tokyo. Bởi thế, hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực này là một ưu tiên đối với Nhật Bản. Thủ tướng S.Abe đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao để tránh căng thẳng lên đến đỉnh điểm sau khi Mỹ tiến hành không kích ở Iraq làm một tướng Iran chết và Tehran đáp trả bằng các cuộc tiến công tên lửa nhằm vào căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq. Tại cuộc gặp Hoàng tử kiêm Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út Bin Pha-han cũng như trong cuộc hội đàm với Hoàng Thái tử UAE Al Nahyan, ông S.Abe đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình tại Trung Ðông, đồng thời cho biết, mục đích chuyến công du của ông là nhằm góp phần giảm căng thẳng thông qua con đường ngoại giao.

Ðây cũng là cơ hội để Thủ tướng S.Abe giải thích về việc Nhật Bản quyết định cử một tàu khu trục và hai máy bay tuần tra P-3C cùng 260 binh sĩ tới Trung Ðông để thực hiện sứ mệnh bảo vệ tàu chở hàng đi qua vùng Vịnh. Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) được chuẩn bị kỹ càng cho nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ nguồn cung dầu mỏ bị cắt đứt. Tokyo khẳng định, sứ mệnh của các binh sĩ thuộc MSDF ở Trung Ðông chỉ là "thu thập thông tin" để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền liên quan nước này và hoạt động của lực lượng này hoàn toàn độc lập với hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải của Mỹ ở vùng Vịnh. Sự giải thích của Thủ tướng Nhật Bản đã được phía A-rập Xê-út nhất trí và Riyadh hoan nghênh quyết định của Tokyo, đồng thời cho biết bảo vệ an ninh hàng hải là trách nhiệm của tất cả các nước liên quan, trong bối cảnh A-rập Xê-út tham gia liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu ở khu vực.

Sau khi xảy ra các động thái "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Iran, Nhật Bản đã xác định dành ưu tiên cao cho nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình. Là quốc gia có quan hệ đồng minh với Mỹ và quan hệ hữu nghị với Iran, Nhật Bản không muốn bị rơi vào thế kẹt. Thủ tướng Nhật Bản S.Abe kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và đối thoại nhằm ngăn chặn nguy cơ đẩy vùng Vịnh vào một cuộc chiến mới. Thủ tướng S.Abe cảnh báo, sự đối đầu quân sự tại Trung Ðông sẽ tác động đến hòa bình và ổn định toàn cầu. Nhật Bản đã tích cực làm trung gian hòa giải cho mối quan hệ đầy sóng gió giữa Mỹ và Iran thông qua chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng S.Abe tới Tehran hồi giữa tháng 6-2019 và tiếp đó là đón Tổng thống Iran H.Rouhani trong chuyến thăm Nhật Bản cuối năm ngoái.

Các nỗ lực ngoại giao gần đây của Nhật Bản đã đạt được những kết quả nhất định. Trong bối cảnh tình hình Trung Ðông diễn biến phức tạp, Tokyo đã ghi dấu ấn bằng nỗ lực góp phần hạ nhiệt căng thẳng leo thang, không chỉ vì lợi ích của Nhật Bản mà còn vì hòa bình, ổn định cho cả khu vực này và thế giới.

BẢO HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42983002-dau-an-ngoai-giao.html