Dấu ấn Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm 2018

Trong năm qua, công tác mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành văn hóa.

Tác phẩm Lịch sử soi chiếu, chất liệu gương khắc của họa sỹ Trần Hậu Yên Thế tại Không gian nghệ thuật đương đại tại nhà Quốc hội. Nguồn: ape.gov.vn

Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước lĩnh vực MTNATL

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm trong năm qua không ngừng được hoàn thiện. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL ngày 18/1/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Nghị định về hoạt động triển lãm ngày 11/12/2018 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thông qua và dự kiến Quý I/2019 sẽ trình Chính phủ ban hành.

Phía Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tham mưu trình Bộ ban hành công văn số 1313/BVHTTDL-MTNATL ngày 03 tháng 4 năm 2018 về việc tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Năm 2018, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã cấp phép 152 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Trong đó, cấp phép triển lãm Mỹ thuật là 116 cuộc (110 cuộc trong nước, 06 triển lãm ra nước ngoài). Cấp phép 36 cuộc triển lãm nhiếp ảnh tại Việt Nam; xử lý vụ tượng 12 con giáp ở Hòn Dấu, Hải Phòng; xử lý triển lãm "Sự bí ẩn của cơ thể người" tại thành phố Hồ Chí Minh

Tác phẩm "Tinh khiết" của Dương Quốc Định tại triển lãm ảnh Nude nghệ thuật lần đầu tiên được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức

Đa dạng các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cái đẹp của công chúng

Trong lĩnh vực mỹ thuật không thể không kể tới các sự kiện như: Triển lãm tranh lụa và các tác phẩm điêu khắc kích thước nhỏ; Tiếp nhận và Triển lãm tác phẩm của nữ họa sĩ Lê Thị Lựu tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Giao lưu và Triển lãm Kết nối tháng ba Hà Nội - Hanoi March Connecting; Triển lãm Tranh biếm họa chủ đề "Phòng, chống tham nhũng"; Chuỗi sự kiện quảng bá Linh vật Nghê Việt; Không gian nghệ thuật đương đại tại nhà Quốc hội…

Gây chú ý với công chúng là "Không gian nghệ thuật đương đại tại Nhà Quốc hội". Công trình này được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô là "quà tặng" độc đáo của Thành phố Hà Nội dành tặng cho Quốc hội. Theo đó, lấy ý tưởng văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại với các giải pháp nghệ thuật thị giác đương đại, 15 nghệ sĩ của dự án đã sáng tác các tác phẩm như một nỗ lực đối thoại, phản ánh cách nhìn sáng tạo với những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày của lịch sử dân tộc.

Trong lĩnh nhiếp ảnh hoạt động gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng có thể kể tới triển lãm "Ảnh nude nghệ thuật"; Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật về đề tài "Biển, đảo quê hương năm 2018"; Hội thảo "Đặng Huy Trứ - Người Việt Nam đầu tiên đưa nghề ảnh vào Việt Nam".

Sự kiện nhiếp ảnh nổi bật nhất trong năm qua là lần đầu tiên triển lãm "Ảnh nude nghệ thuật" được tổ chức. Theo các chuyên gia, nhiêp ảnh gia, triển lãm đã cởi bỏ một nút thắt trong hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh và công bố tác phẩm ảnh nude, khẳng định ảnh nude nghệ thuật hoàn toàn bình đẳng như những đề tài, nội dung khác. Triển lãm đã đạt số lượng khoảng 8.000 người đến xem kỷ lục từ trước đến nay tại 29 Hàng Bài

Ngoài ra còn một sự kiện chung của cả 2 ngành đó là Triển lãm tác phẩm mỹ thuật nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước (phong tặng năm 2016).

Hoạt động đấu giá tác phẩm mỹ thuật bước đầu hình thành

Hoạt động đấu giá tác phẩm mỹ thuật - hình thành các thiết chế để hoạt động kích thích thị trường mỹ thuật trong nước phát triển với sự ra đời của các nhà đấu giá: Lạc Việt, Chọn (Hà Nội), Lý Thị (thành phố Hồ Chí Minh), Trung tâm nghệ thuật Vincom (Hà Nội) là tín hiệu tốt để phát triển thị trường mỹ thuật trong nước. Đồng thời trong nước cũng đã xuất hiện thêm nhiều nhà sưu tập mỹ thuật.

Lễ ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh. Ảnh: Gia Linh

Sự ra đời của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và niềm tin về sự minh bạch, sự phát triển thị trường mỹ thuật

Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, trước thực trạng tranh mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường Mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Nhu cầu cần có đơn vị làm công tác "trọng tài", công tác giám định tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh trở nên một đòi hỏi bức thiết.

Theo thông lệ quốc tế, các cá nhân, tổ chức phi chính phủ sẽ đứng ra thực hiện công việc giám định tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh, tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện nay không có đơn vị, cá nhân, tổ chức phi chính phủ nào đứng ra thực hiện công việc này, do đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề xuất, đề nghị với Lãnh đạo Bộ VHTTDL bổ sung thêm chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh cho Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trực thuộc Cục. Hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh tuân theo quy chế được thông qua tại Quyết định số 138/QĐ-MTNATL do Cục MTNATL ban hành ngày 1/10/2018. Bên cạnh đó, Cục MTNATL đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an triển khai thực hiện công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm và giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Ngày 06/12/2018 với việc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh chính thức ra đời, phục vụ đời sống mỹ thuật và thị trường mỹ thuật đã góp phần tích cực việc hoàn thiện các thiết chế, mắt xích quan trọng trong hoạt động giám định, mua bán, đấu giá tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh./.

Gia Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dau-an-my-thuat-nhiep-anh-trien-lam-2018-2019020109445341.htm