Dấu ấn mới của TTC Energy trong lĩnh vực điện mặt trời

TTC Energy đang thể hiện ưu thế vượt trội trên thị trường điện mặt trời với một loạt dự án lớn đồng thời cung cấp giải pháp điện mặt trời trên mái nhà ở nhiều công trình.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, đặc biệt là năng lượng mặt trời, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao, khoảng 5kWh/m2/ngày và số giờ nắng đến khoảng 1.700 - 2.500 giờ/năm.

Trong năm 2017, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy các dự án năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Gần đây nhất là quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời; thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án Điện mặt trời.

Từ đó, Tổng công ty Điện Lực TP.HCM (EVN HCMC) đã có công văn chính thức ban hành cơ chế thu mua lại phần công suất dư phát ra từ hệ thống điện mặt trời thông qua hệ thống đo lường là công tơ (đồng hồ) điện 2 chiều.

Năng lượng là nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển mọi ngành kinh tế - xã hội, trái ngược với nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt, năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Nắm bắt được tiềm năng và xu thế này, cách đây 2 năm, Tập đoàn Thành Thành Công đã thành lập Công ty Cổ phần Năng Lượng TTC (TTC Energy) nhằm mục đích cung cấp các giải pháp điện mặt trời trên mái nhà với tiêu chuẩn chất lượng và độ bền cao, giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện môi trường.

Tính đến hết năm 2018, TTC Energy dự kiến đạt tổng công suất lắp đặt lên đến 20 MW trải dài khắp các công trình trên nhiều tỉnh thành trong nước và các quốc gia lân cận: Campuchia, Lào, Myanmar…

Ngoài phục vụ cho các công ty thành viên trong cùng tập đoàn như TTC Land, TTC Energy còn hợp tác với nhiều công ty khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ, siêu thị, khách sạn, khu chung cư, tòa nhà văn phòng, bất động sản dân dụng, nhà xưởng sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất…

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2018, đã có nhiều công trình do TTC Energy thi công được đóng điện và đưa vào hoạt động.

Hệ thống điện mặt trời tại Jamona Golden Silk.

Cụ thể, trong mảng bất động sản, TTC Energy đã chính thức bàn giao 3 công trình: Charmington La Pointe, Jamona City, Jamona Golden Silk cho TTC Land với công suất lần lượt là 34,56 kWp, 242 kWp, 264 kWp. Hệ thống góp phần gia tăng giá trị bất động sản của dự án trên thị trường, đồng thời giảm 502,22 tấn khí CO2/năm ra môi trường.

Trong mảng du lịch, TTC Energy cũng đã hoàn thiện hệ thống điện mặt trời trên mái cho khu du lịch Đầm Sen với tổngcông suất 431 kWp, góp phần tiết kiệm 1,7 tỷ đồng chi phí điện tiêu thụ hàng năm.

Đây được xem là một động thái tiên phong của lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch Phú Thọ trước áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực vui chơi giải trí, thể hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch trong chiến lược phát triển thành khu du lịch giải trí bền vững của Đầm Sen nói riêng và công ty nói chung.

Trong mảng bán lẻ, sau khi triển khai thành công hệ thống điện mặt trời trên mái đầu tiên tại Trung tâm thương mại Sense City Bến Tre, Tổng Công ty Saigon Coop vừa tiếp tục phối hợp cùng TTC Energy lắp đặt thêm hệ thống tại 2 cơ sở khác là Sense City Cà Mau và Sense City Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt là 1.458 kWp tiết kiệm đến 60 tỷ đồng/25 năm.

Giai đoạn 2018 - 2020, Saigon Coop dự tính sẽ mở rộng lắp đặt hệ thống điện mặt trời với tổng công suất 15 MW trên toàn hệ thống trực thuộc.

Trong lĩnh vực sản xuất, Tổng Công ty May Việt Tiến đã chung tay cùng TTC Energy triển khai lắp đặt hệ thống cho các cơ sở trực thuộc. Trong tháng 01/2018, hệ thống điện mặt trời giai đoạn 1 của nhà máy Việt Long Hưng tại Gò Công - Tiền Giang đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng với công suất hệ thống đạt 470 kWp, tiết kiệm 27,5 tỷ đồng/25 năm, giảm thải 410 tấn CO2/năm.

Hệ thống điện mặt trời tại nhà máy Việt Long Hưng - Việt Tiến.

Công trình này góp phần đưa Việt Tiến đạt chứng chỉ công trình xanh Quốc tế LEED- Platinum, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường khắt khe như châu Âu và Mỹ, đem lại nguồn lợi nhuận tiềm năng và tăng ưu thế cạnh tranh cho thương hiệu.

Trong lĩnh vực khu công nghiệp (KCN), với định hướng đưa Linh Trung sẽ trở thành khu chế xuất (KCX) chuẩn xanh hàng đầu Việt Nam trong tương lai, bước đầu tiên để KCX thực hiện mục tiêu này là triển khai lắp đặt 259 kWp hệ thống điện mặt trời mái nhà tại tòa nhà quản lý KCX, như bước đầu thí điểm đánh giá hiệu năng sử dụng và tương lai sẽ ứng dụng tại các khu vực tiện ích toàn KCX. Hệ thống góp phần giảm thải 240,25 tấn CO2/năm, tiết kiệm 7,1 tỷ đồng/25 năm.

Muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tỷ trọng FDI vào Việt Nam cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…các KCN/KCX phải có chiến lược, bước đi đột phá, như làm sao để bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.

Ngoài ra, tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa đến các quốc gia phát triển ngày càng hà khắc, đặc biệt yêu cầu về môi trường ngày càng được chú trọng, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời là bước đi đầu tiên và cần thiết để KCN/KCX ở Việt Nam không lụi tàn.

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dau-an-moi-cua-ttc-energy-trong-linh-vuc-dien-mat-troi-den-1530172007705.htm