Dấu ấn mang tên Putin trên chính trường Nga

Trong 17 năm ở vị trí nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giúp nước Nga không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Vladimir Putin là vị Tổng thống để lại nhiều dấu ấn trên chính trường nước Nga

Sự nghiệp chính trị cấp quốc gia của ông Vladimir Putin bắt đầu vào năm 1999, khi ông trở thành Phó thủ tướng, rồi quyền Thủ tướng, và sau đó là Thủ tướng. Sau khi tuyên bố từ chức trong bài diễn văn chúc mừng năm mới năm 2000, Tổng thống đầu tiên của Nga, Boris Yeltsin, đã chuyển giao toàn bộ quyền lực cho ông Putin cho tới cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo.

Hồi phục kinh tế

Ông Putin đã tiếp quản một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cải cách kinh tế yếu kém, với một đồng tiền mất giá và những rạn nứt trong nền tảng chính trị.

"Ông ấy ngay lập tức khẳng định mình là một nhà lãnh đạo quốc gia, có thể thống nhất đất nước và khôi phục lại trật tự", ông Nikolai Mironov, Giám đốc Trung tâm Cải cách Kinh tế và Chính trị Nga, cho biết.

Ông Putin đã dành nhiệm kỳ đầu tiên của mình thực hiện những cải cách kinh tế quan trọng, giải quyết vấn đề về thuế, ngân hàng và lương hưu. Một trong những thách thức cấp bách nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông Putin là vấn đề ly khai Chechnya, vốn đã trở nên nghiêm trọng hơn sau những cuộc tấn công khủng bố ở Moscow và các thành phố khác của Nga.

Tổng thống Putin đã phải rời khỏi vị trí của mình vào năm 2008 sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, vì Hiến pháp Nga không cho phép Tổng thống giữ chức vụ hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp. Theo đó, ông Dmitry Medvedev đã trở thành Tổng thống, còn ông Putin đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, hai lãnh đạo này đã dốc sức đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

"Công việc của tôi trong Chính phủ trong suốt những năm khó khăn này như một phép thử đặc biệt. Đó là một thách thức và tôi đã học được rất nhiều", ông Putin nói về công việc của mình khi làm Thủ tướng.

Tại hội nghị đảng Nước Nga Thống nhất tháng 9 năm 2011, ông Putin đã đồng ý ra tranh cử Tổng thống vào năm 2012. Ngày 4 tháng 3 năm 2012, ông được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, lần này giữ nhiệm kỳ 6 năm. Trong ngày nhậm chức, ông Putin đã ký ban hành một chương trình bảo đảm xã hội quy mô lớn bao gồm hơn 200 hướng dẫn, còn được gọi là Sắc lệnh tháng 5. Việc thực hiện chương trình này được đánh giá là thước đo hiệu quả của chính quyền do ông lãnh đạo.

Ông Putin tập trung vào các vấn đề địa chính trị trong nhiệm kỳ thứ ba của mình. Thế giới bắt đầu nhìn nhận ông như là một chính trị gia bảo thủ có những giá trị nhất định. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến việc Hoa Kỳ gây áp lực chính trị và kinh tế đối với Nga.

Tái khẳng định vị thế của Nga

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào năm 2007, ông Putin đã chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ và ý tưởng thế giới đơn cực - khái niệm về thế giới có một siêu cường dưới thuật ngữ "Trật tự thế giới mới". Ông tuyên bố rằng mô hình này là nguy hiểm và không có điểm chung nào với sự dân chủ.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ không từ bỏ truyền thống thực hiện chính sách đối ngoại độc lập. Sau đó, Tổng thống Putin tiếp tục phục vụ mạnh mẽ lợi ích quốc tế của quốc gia. Điều này đặc biệt trở nên nổi bật khi Crimea bỏ phiếu sáp nhập với Nga sau cuộc đảo chính Ukraine vào năm 2014, một điều đã dẫn tới sự đi xuống chưa từng thấy của các mối quan hệ của Nga với phương Tây.

Vào năm 2015, Nga khởi động một chiến dịch "Lực lượng Không quân" tại Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar Assad. Vào đầu tháng 12/2015, Putin tuyên bố rằng với sự hỗ trợ của quân đội Nga, các lực lượng vũ trang Syria đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ của Syria khỏi những kẻ khủng bố.

Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây lưu ý rằng chiến dịch tại Syria là một thành công không thể chối cãi của Kremlin và sự quảng bá tốt cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, thiết lập tầm quan trọng của Nga ở Trung Đông.

"Sự tham gia của chúng tôi vào các sự kiện ở Syria đã một lần nữa khẳng định vai trò của Nga như một cường quốc trên thế giới, và nếu không có Nga, không một vấn đề nào trên thế giới có thể giải quyết được", Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dau-an-mang-ten-putin-trong-chinh-truong-nga-121642.html