Dấu ấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV qua con mắt ĐBQH

Sau 4 tuần họp, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã khép lại với nhiều dự án luật quan trọng được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp.

Bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã nói lên những suy nghĩ của mình về kỳ họp này.

ĐBQH Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi:

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV có nhiều đổi mới, sáng tạo, thực sự thiết thực và hiệu quả.

Thứ nhất, về chuẩn bị nội dung, các cơ quan Chính phủ và Quốc hội, đặc biệt là UBTVQH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo từng vấn đề trong từng đề án.

Thứ hai, việc bố trí chương trình kỳ họp rất hợp lý, không quá dài dòng nhưng cũng không qua loa. Như vậy, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa giúp cho đại biểu dồn tâm sức đọc tài liệu để tham gia có chất lượng.

Thứ ba, những vấn đề Quốc hội bàn đợt này có nhiều điểm mới. Ví dụ như khi mạnh dạn bàn về các chính sách đối với đặc khu kinh tế. Đương nhiên cái mới thì còn có những ý kiến khác nhau. Các ĐBQH đều mong muốn tạo đột phá, nhưng có bước đi thận trọng vì mục đích cuối cùng là mang lại lợi ích tốt nhất về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

ĐBQH Lê Viết Chữ (Quảng Ngãi).

Chúng ta tạo ra bước đột phá nhưng hiệu quả cuối cùng mang lại phải rõ ràng, đem lại tăng trưởng bao nhiêu, người dân ở đó hưởng lợi như thế nào, tình hình chính trị an ninh phải đảm bảo ra sao, mối quan hệ đối ngoại thế nào,…

Tiếp thu cái đó, UBTVQH đã đề nghị Quốc hội lùi lại để suy nghĩ thêm. Tôi thấy đây là hành động hết sức trí tuệ và cầu thị. Tôi nghĩ người dân cũng hết sức đồng tình với việc này, Quốc hội đã lắng nghe nhân dân một cách chân tình chứ không phải nói một cách qua loa, xã giao.

Hay như Luật An ninh mạng, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng sau đó có 86,86% thông qua. Mục đích của Luật này là ngăn chặn cái không tốt và thúc đẩy cái tốt lưu thông trên môi trường mạng.

Tôi nghĩ báo chí giải thích cho người dân về điều luật này thì người dân sẽ đồng thuận. Tại vì người dân hiện đang băn khoăn không biết luật này có cản trở gì đối với quyền được tiếp cận thông tin của người dân hay không.

Theo tôi được hiểu thì Luật An ninh mạng cũng chẳng có gì cản trở, tất cả những thông tin lành mạnh để phát triển đất nước, phát triển đời sống người dân đều được bình thường. Chỉ một số ít dòng chảy thông tin đó độc hại về tư tưởng, chính trị, an ninh trật tự, văn hóa xã hội thì phải bị ngăn chặn, điều này là tốt cho xã hội.

Còn về điều hành, Chủ tịch Quốc hội đã hết sức linh hoạt, thông minh, uyển chuyển, hết sức nghiêm túc nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng. Giữa người chất vấn, người được chất vấn và người nghe đều cảm thấy thoải mái, vì cái chung. Mặc dù vấn đề thì nóng nhưng con người ta không nóng với nhau.

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân:

Việc Quốc hội thay đổi phương thức chất vấn các Bộ trưởng thực sự mang tính chất đối thoại trực tiếp. Đối thoại chất vấn cũng mang tính xây dựng rất cao, gợi mở cho những “tư lệnh” ngành. Tôi cảm thấy những Bộ trưởng được trả lời chất vấn nhận thấy đây là cơ hội để họ được chia sẻ, để được tiếp nhận những ý kiến với tinh thần cởi mở, cầu thị.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Không chỉ Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, tất cả những đạo luật khác đều được các ĐBQH nghiên cứu rất kỹ, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi bấm nút. Có thể bằng các hiểu biết của mình thông qua ý kiến các chuyên gia hoặc cử tri, để đưa ra ý kiến của mình.

Với việc lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu, có thể thấy không phải tất cả mọi thứ đều cứ phải ấn định theo kế hoạch. Nếu quả thật có những vấn đề chúng ta thực sự chưa yên tâm, nhận thấy việc chuẩn bị chưa thực sự tốt thì Quốc hội cũng luôn lắng nghe. Nên tôi nghĩ đây là môi trường hết sức tự do để được thể hiện ý kiến.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội:

Các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời các câu trả lời của các Bộ trưởng rất ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đã giải quyết được rất nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm.

Về tính linh hoạt của Quốc hội trong kỳ họp lần này, có thể thấy rõ sự lắng nghe và thận trọng trong việc xem xét, thông qua một số luật trong đó có thể nói là Luật Đặc khu có sự lắng nghe ý kiến của cử tri của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Các phiên chất vấn tại kỳ họp này có nhiều nét mới, câu hỏi được hỏi trong thời gian 1 phút và câu trả lời tối đa 3 phút. Điều này cho thấy sự đổi mới tích cực, qua phản ánh của cử tri cho thấy hiệu quả mạnh từ phiên chất vấn này lan tỏa tới cử tri.

Cử tri cảm thấy phấn khởi vì câu hỏi của các đại biểu đặt ra đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và gửi gắm của mình, của cử tri với các đại biểu Quốc hội và qua các câu trả lời của các Bộ trưởng, cử tri nắm được các Bộ trưởng, trưởng ngành đã nỗ lực, cố gắng.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình).

Tôi đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan thông tin đại chúng đối với việc thông tin, tuyên truyền tới người dân trên mọi góc cạnh. Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều chiều, có những ý kiến đại biểu ủng hộ dự án luật này và cũng có những ý kiến phản biện lại.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn đến các cơ quan báo chí đã góp phần cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để kịp thời đưa thông tin quan trọng của kỳ họp tới cử tri.

Tôi đánh giá cao tính tương tác giữa cử tri với Quốc hội ở chỗ, ngoài việc cơ quan báo chí đưa thông tin của kỳ họp tới các cử tri và ngược lại, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, đây là sự tương tác 2 chiều tích cực.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng:

Tôi nghĩ rằng kỳ họp lần này rất thành công, các phiên chất vấn thời gian trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các Bộ trưởng trả lời rất tập trung, đặc biệt là người điều hành phiên chất vấn là Chủ tịch Quốc hội rất tinh thông, trí tuệ, từ đó gắn kết được các đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng để giải quyết vấn đề cho tốt.

Rút kinh nghiệm nhiều nhất trong kỳ họp này là các vấn đề về luật. Những dự thảo luật nào có quá nhiều ý kiến còn tranh luận với nhau thì Quốc hội nên tạo điều kiện thêm những buổi tranh luận, thảo luận trên hội trường nữa trước khi bấm nút thông qua.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM).

Chúng ta hãy tốn nhiều thời gian hơn nữa để luật đảm bảo nguyện vọng của nhân dân và thực tế trong cuộc sống. Những dự thảo luật này cần phải được tuyên truyền và đưa lên nhiều các phương tiện đại chúng để mọi người tiếp cận dễ dàng, cùng nhau thảo luận sẽ tốt hơn.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dau-an-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xiv-qua-con-mat-dbqh-post265295.info