Dấu ấn kết nối cung - cầu

Với vai trò đầu tàu khu vực phía Nam, trong thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình liên kết tiêu thụ hàng hóa với các địa phương và tạo được dấu ấn tích cực.

Trước thực trạng nhà sản xuất quy mô nhỏ, không có thương hiệu, khó tìm đầu ra nên doanh nghiệp (DN) không dám mạnh dạn đầu tư, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn, TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong triển khai chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ. Điểm nhấn là hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc.

Nhờ hiệu quả kết nối, nhiều sản phẩm đặc sản của ĐBSCL đang được tiêu thụ rộng rãi trên hệ thống siêu thị Co.opmart

Đến nay, chương trình đã khẳng định thương hiệu, tạo sức lan tỏa lớn, trở thành xu thế chung của các địa phương trong hoạt động hỗ trợ DN và được các địa phương nhiều vùng, miền quan tâm, đề nghị tiếp tục tổ chức định kỳ.

Không chỉ kết nối tiêu thụ hàng hóa, thông qua chương trình, thành phố đã tìm kiếm, chọn lọc được nhiều DN các tỉnh, thành phố tham gia bình ổn thị trường, kết nối được trên 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn 27.428 tỷ đồng; trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, từ các hội nghị kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại hay truy xuất nguồn gốc đã tạo không gian cho các DN - nhà phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu; tạo điều kiện để nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã nông - lâm - ngư nghiệp tiếp cận, kết nối với các nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy có hiệu quả, chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương; hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Cũng theo ông Hòa, các chương trình nêu trên còn giúp cho TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước để cung cấp cho thị trường thành phố, bổ sung nguồn cung hàng cho chương trình bình ổn thị trường, thúc đẩy chuỗi liên kết để đưa nguồn hàng có giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả kết nối hợp tác, trong thời gian tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố sẽ rà soát, lập danh sách các DN uy tín để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và đăng trên trang thông tin điện tử: www.ketnoicungcau.vn. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng tập hợp và cung cấp danh sách các sản phẩm, DN uy tín để đôn đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố tìm hiểu thông tin, lựa chọn các nhà cung ứng tiềm năng. Sau khi xem xét, tìm hiểu sản phẩm thực tế tại hội nghị, các đơn vị tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ, ký kết hợp đồng…

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có 214 DN của 11 tỉnh, thành phố đăng ký tham dự Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2018, diễn ra từ ngày 23 - 25/11 tại Trung tâm Thương mại triển lãm và hội nghị quốc tế Việt Nam (VN - ITECC) tỉnh Bến Tre.

Thanh - Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-an-ket-noi-cung-cau-111443.html